Tiêm nhắc để nâng cao hiệu quả sử dụng vắc-xin

02-06-2012 13:24 | Phòng mạch online
google news

Hiệu quả của việc sử dụng vắc-xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến là rất rõ ràng và được cộng đồng đánh giá. Để tăng cường hiệu quả sử dụng vắc-xin,

(SKĐS) - Hiệu quả của việc sử dụng vắc-xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến là rất rõ ràng và được cộng đồng đánh giá. Để tăng cường hiệu quả sử dụng vắc-xin, việc tiêm nhắc lại hoặc tiêm bổ sung các liều vắc-xin sau khi đã được tiêm đủ liều gây miễn dịch cơ bản đã được đưa vào lịch tiêm chủng ở các nước.

Lịch tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam quy định trẻ 18 tháng tuổi cần được tiêm nhắc vắc-xin DPT, tiêm mũi 2 vắc-xin sởi, phụ nữ tuổi sinh đẻ sau khi tiêm đủ 2 liều vắc-xin uốn ván cần được tiêm nhắc mũi vắc-xin uốn ván thứ 3... Tuy nhiên do nhiều người chưa hiểu biết đầy đủ lợi ích của mũi tiêm nhắc, vì sao cần tiêm nhắc và tiêm khi nào nên đã không thực hiện đầy đủ lịch tiêm chủng. Sự thiếu thông tin như vậy chẳng những ảnh hưởng tới tỷ lệ tiêm chủng mà quan trọng hơn còn ảnh hưởng tới hiệu quả phòng bệnh của việc sử dụng vắc-xin.
 Tiêm nhắc lại vắc-xin có tác dụng lâu bền đối với nhiều bệnh.  Ảnh: Trần Minh

Tại sao phải tiêm nhắc?

Tiêm hoặc uống vắc-xin là nhằm đưa vào cơ thể loại kháng nguyên có lựa chọn để giúp cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh ta muốn phòng chống. Tiêm đủ liều vắc-xin cơ bản là việc hoàn tất số mũi tiêm bắt buộc để có đủ hiệu giá kháng thể phòng bệnh trong một thời gian nào đó. Độ bền vững của kháng thể được tạo thành sau tiêm đủ liều vắc-xin phụ thuộc vào bản chất của vắc-xin, chủng dùng để sản xuất, công nghệ sản xuất, khả năng đáp ứng của cơ thể... Nói chung  miễn dịch được tạo ra bởi các loại vắc-xin sẽ giảm dần theo thời gian, đến một lúc nào đó cơ thể không đủ sức chống lại sự tấn công của mầm bệnh và người ta có thể bị mắc bệnh mặc dù đã tiêm chủng.
 
Để giúp cơ thể tiếp tục được bảo vệ một cách hiệu quả, cần tiêm các mũi nhắc lại để nâng cao hiệu giá kháng thể. Việc tiêm các mũi nhắc lại chỉ áp dụng với các vắc-xin tạo được trí nhớ miễn dịch qua các mũi tiêm trước đó. Với các vắc-xin không tạo được trí nhớ miễn dịch hoặc có miễn dịch bảo vệ tồn tại quá ngắn trong cơ thể thì việc tiêm các mũi sau đó phải coi như là tiêm mới. Một số vắc-xin tuy có miễn dịch bền vững trong nhiều năm nhưng vẫn cần tiêm mũi bổ sung là nhằm tạo miễn dịch cho những trẻ bị bỏ sót chưa tiêm trong các hoạt động tiêm chủng trước đó hoặc những trẻ chưa tạo được miễn dịch sau các lần tiêm trước.
 Vắc-xin giúp cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virut.

Lợi ích của mũi tiêm nhắc

Lợi ích cơ bản của mũi tiêm nhắc lại là nâng hiệu giá kháng thể đang ở mức giảm rất thấp lên mức rất cao và bền vững hơn giúp cơ thể chống lại bệnh tật một cách hiệu quả. Chẳng hạn nếu ta tiêm đủ 2 liều vắc-xin uốn ván sẽ phòng được bệnh uốn ván 6 tháng. Nếu sau mũi uốn ván 2 ta tiêm nhắc mũi 3, mũi 4, mũi 5 theo lịch tiêm chủng thì sẽ có kháng thể bảo vệ 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn. Như vậy mũi tiêm nhắc lại vừa mang lại hiệu quả bảo vệ sức khỏe cao vừa mang lại hiệu quả kinh tế.

Những loại vắc-xin cần được tiêm nhắc như vắc-xin phòng bệnh bạch hầu; ho gà; uốn ván; Hib (Haemophillus influenza týp B), viêm não Nhật Bản; bại liệt; phế cầu, não mô cầu... Đây là các vắc-xin tạo được kháng thể bảo vệ khoảng 3 - 5 năm, nếu sau khoảng thời gian này không tiêm nhắc, khi phơi nhiễm với mầm bệnh vẫn có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên các vắc-xin này lại tạo được trí nhớ miễn dịch tốt nên chỉ sau một mũi tiêm nhắc, hiệu giá kháng thể bảo vệ, tức là sức chống đỡ của cơ thể lại tăng lên rất cao.

Các vắc-xin cần được tiêm hằng năm gồm các vắc-xin phòng bệnh cúm; tả hoặc 2 - 3 năm tiêm 1 lần như các loại vắc-xin Polysacharid không có cộng hợp phòng các bệnh thương hàn, phế cầu. Đây là các vắc-xin có thời gian bảo vệ ngắn hoặc không tạo được trí nhớ miễn dịch sau các liều tiêm trước.

Các vắc-xin cần được tiêm các liều bổ sung sau mũi tiêm đầu gồm vắc-xin sởi; Rubella; quai bị... Đây là các vắc-xin tạo được miễn dịch bền vững song có một tỷ lệ không nhỏ từ 10 - 20% trẻ em không tạo được miễn dịch bảo vệ sau mũi tiêm đầu hoặc không được tiêm trước đó nên việc tiêm bổ sung sẽ giúp nâng những trẻ chưa có miễn dịch trước đó được bảo vệ đồng thời nâng cao miễn dịch của cộng đồng để tiến tới loại trừ những bệnh này.

(Mời quí vị đón đọc tiếp kỳ sau)

PGS.TS. Đỗ Sỹ Hiển
(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về sức khỏe cộng đồng) 

Ý kiến của bạn