Chia sẻ bên lề Hội nghị Da liễu Toàn quốc thường niên năm 2023 và Hội nghị Nghiên cứu Da liễu Việt Nam lần thứ Nhất diễn ra ngày 24/11, PGS.TS Lê Hữu Doanh cho hay, bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng mạn tính do trực khuẩn Mycobacterium Leprae gây nên. Hiện nay, chưa có một loại vaccine đặc hiệu nào để chống lại Mycobacterium Leprae.
Trong bối cảnh hiện nay, bệnh phong vẫn là gánh nặng cho một số quốc gia trên thế giới. Số ca phát hiện mới giảm đi tuy nhiên số lượng ca phong tiềm ẩn có xu hướng tăng lên. Sau hoá trị liệu, những ca phong nhiều vi khuẩn có khả năng còn tiếp tục tái phát và phản ứng…
Tại hội nghị lần này, các chuyên gia sẽ chia sẻ, thảo luận sâu về vấn vaccine phong – tiềm năng trong điều trị và loại trừ căn bệnh này.
"Bệnh phong là bệnh nhiễm trùng mang tính kéo dài, thời gian ủ bệnh lâu có thể đến vài năm, chính vì vậy việc phát triển vaccine phong là điều giới chuyên môn rất mong muốn. Bởi lẽ, một căn bệnh nhiễm trùng như bệnh phong thì việc sử dụng vaccine là điều quan trọng tiến tới thanh toán và loại trừ hoàn toàn căn bệnh này" – PGS.TS Lê Hữu Doanh thông tin.
Tuy nhiên cũng theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, hiện nay việc nghiên cứu vaccine phong vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức vì vi khuẩn phong là vi khuẩn rất khó nuôi cấy và phải nuôi cấy trên động vật sống. Trong khi đó, động vật thí nghiệm (Armadillo) lại rất ít ỏi. Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang nỗ lực nghiên cứu và hi vọng sẽ có những đột phá trong tương lai.
Tại Việt Nam, đến cuối tháng 11/2023, toàn quốc có 565/692 huyện, thị có bệnh nhân phong được công nhận loại trừ.
Về tỉ lệ lây nhiễm, trong vòng hơn 10 năm qua (2014-2023), mỗi năm trên toàn quốc phát hiện từ 90-140 bệnh nhân phong mới, nghĩa là khoảng 100 bệnh nhân mỗi năm. Tỉ lệ phát hiện bệnh phong mới dưới 1/100.000 dân.
Tuy nhiên điều đáng lưu ý là đa số bệnh nhân và cả bác sĩ vẫn còn chủ quan trong việc khám và phát hiện bệnh. Có nhiều trường hợp đi khám qua rất nhiều chuyên khoa khác nhau, chẩn đoán bệnh nhầm rồi mới đến khám chuyên khoa da liễu thì phát hiện mắc bệnh phong.
Chính vì vậy, khám, phát hiện sớm ca bệnh phong mới là rất cần thiết. Một số dấu hiệu điển hình của bệnh phong như: Tổn thương da thay đổi màu sắc (trắng, thẫm, hồng...) hoặc các mảng đỏ, u da kèm theo có rối loạn/giảm mất/cảm giác (nóng, lạnh, đau, xúc giác), bề mặt tổn thương thường khô, bóng. Dáy tai dày, bóng, rụng lông mày. Tê bì, mất cảm giác tay, chân.
Theo Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, phát hiện sớm người bệnh phong và điều trị ngay thì nguồn lây gần như bị cắt đứt. Sau khi người bệnh kết thúc giai đoạn điều trị thì trong 3-5 năm tiếp theo, bệnh nhân và người xung quanh họ vẫn nằm trong diện giám sát nguồn lây để kịp thời phát hiện sớm ca mắc.
Từ ngày 23-25/11/2023, Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức Hội nghị Da liễu toàn quốc thường niên 2023 (ANCD2023) và Hội nghị Nghiên cứu Da liễu Việt Nam lần thứ Nhất (CIDV2023) tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với sự tham gia của gần 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế.
Hội nghị có 14 phiên khoa học với 100 báo cáo chuyên chuyên môn. Trong đó, có 15 báo cáo báo quốc tế của các chuyên gia Da liễu uy tín đến từ Nhật Bản, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Italia, Singapore, Malaysia và Ấn Độ. Nội dung chuyên môn của hội nghị trải rộng với nhiều chuyên đề chuyên sâu như mày đay, bạch biến, rụng tóc, vảy nến, trứng cá, các bệnh lý tự miễn, rối loạn miễn dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và ung thư da…
Đây là diễn đàn lớn để các cán bộ y, bác sĩ chuyên ngành Da liễu cập nhật và chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực hành và ứng dụng công nghệ mới trong chuyên ngành Da liễu.