Hà Nội

Tiềm năng phát triển y tế điện tử tại Việt Nam rất lớn

10-11-2010 10:11 | Quốc tế
google news

Nhân dịp lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra Hội nghị quốc tế về các vấn đề thuộc về quản lý tri thức ngành y với sự tham dự của đại biểu đến từ 19 quốc gia, trong đó vấn đề y tế điện tử (eHealth) cũng lần đầu tiên được đề cập tới trong chương trình nghị sự, báo Sức khoẻ & Đời sống đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia trong nước và quốc tế về tiềm năng phát triển eHealth.

Nhân dịp lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra Hội nghị quốc tế về các vấn đề thuộc về quản lý tri thức ngành y với sự tham dự của đại biểu đến từ 19 quốc gia, trong đó vấn đề y tế điện tử (eHealth) cũng lần đầu tiên được đề cập tới trong chương trình nghị sự, báo Sức khoẻ & Đời sống đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia trong nước và quốc tế về tiềm năng phát triển eHealth.

Tiềm năng của eHealth là rất lớn, phạm vi ứng dụng rất rộng. Đặc biệt, trong tương lai, khi dân số ngày càng già đi, mô hình bệnh tật của con người chuyển dần sang các bệnh mạn tính cần được điều trị lâu dài, đồng thời sự bùng nổ về công nghệ, tri thức cũng như mức sống của con người được nâng cao,  eHealth sẽ đóng vai trò chủ chốt trong ngành y tế. Tại Mỹ, Tổng thống Obama đã đầu tư 1,2 triệu đô la cho phát triển eHealth, 20 triệu đô la cho những bệnh viện sử dụng hiệu quả eHealth. Người ta dự đoán, sau khi áp dụng eHealth, nước Mỹ tiết kiệm được hơn 12 triệu đô la cho việc chăm sóc sức khoẻ. Ở nước ta, việc phát triển eHealth đã hình thành nhưng còn manh mún, đơn lẻ, chưa có sự liên kết một cách quy mô giữa các đơn vị y tế. Đi đầu trong lĩnh vực này phải kể đến Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Việt Đức. Bệnh viện Nhi đã tiến hành nhiều chương trình hội thảo, hội chẩn, đào tạo từ xa với các bệnh viện đa khoa tỉnh như: Hoà Bình, Thái Nguyên, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Lào Cai… Ngoài ra, bệnh viện đã thực hiện hơn 50 buổi hội thảo, hội chẩn từ xa với các chuyên gia quốc tế. Còn Bệnh viện Việt Đức thì triển khai định kỳ 2 tháng một lần mô hình đào tạo trực tuyến quốc tế. Theo đó, với đường truyền hình ảnh, âm thanh qua vệ tinh hoàn hảo, các bác sĩ tim mạch Việt Nam được trực tiếp nghe những bài  thuyết trình về các vấn đề tim mạch hiện đại của các giáo sư tim mạch  hàng đầu của Mỹ.  Mô hình này giúp các bác sĩ tim mạch nước ta thường xuyên được cập nhật kiến thức mới nhất từ nhiều trung tâm tim mạch lớn trên thế giới. Ngoài ra, còn một dự án nữa đang được Viện Công nghệ thông tin - Thư viện Y học trung ương triển khai, đó là Hệ thống tư vấn và tin nhắn dịch vụ 18003456 nhằm mục đích xây dựng một cơ cấu tổ chức tầm quốc gia và mạng lưới chuyên gia y tế, nhằm cung cấp các dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khoẻ từ xa hay còn gọi là Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa.  Dự án này đã trình lãnh đạo Bộ Y tế, đang chờ phê duyệt.

Việt Nam nên xây dựng chương trình thanh toán viện phí điện tử
GS. Jeong-Wook Seo, Tổng thư ký APAME , Trường ĐH Y Seoul, Bệnh viện quốc gia Seoul, Hàn Quốc.

Tại Hàn Quốc, có rất nhiều thử nghiệm và nghiên cứu về eHealth: y tế di động, công nghệ tin học sinh học, tin học y khoa. Mỗi bệnh viện đều có hệ thống thanh toán điện tử cho bệnh nhân, được nhà nước thanh toán chi phí. Hệ thống này rất hữu ích trong thanh toán từ bệnh nhân tới cơ quan BHYT. Trong tương lai, Việt Nam cũng nên xây dựng chương trình thanh toán viện phí điện tử. Theo tôi, đó là một bước đi cơ bản nhằm phát triển chất lượng y tế, giúp đơn giản và thuận tiện hóa việc tiếp cận dịch vụ y tế. Với 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, hơn 23% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng internet cao nhất thế giới, Việt Nam rất có tiềm năng để phát triển eHealth, y tế từ xa. Những người dân ở xa có thể thụ hưởng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa thông qua ĐTDD và internet. Hiện tại, ở Hàn Quốc, y tế từ xa chưa được nhà nước chi trả, nhưng ở một vài nước tiên tiến chẳng hạn như Mỹ, y tế từ xa được BHYT chi trả.

Việt Nam cần có cơ quan đi đầu trong eHealth
Ông Charles Raby, chuyên gia kỹ thuật, Quản lý tri thức WHO khu vực Tây Thái Bình Dương

Những gì chúng ta làm được ngày hôm nay và cách đây 10 năm là rất khác biệt. CNTT hiện chiếm lĩnh cuộc sống, vượt sức tưởng tượng của chúng ta trước đây. Chẳng hạn như y tế di động, mặc dù còn hạn chế, nhưng trong vòng 3 năm tới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của CNTT, nó sẽ phát triển mạnh mẽ. Hiện nay chúng ta mới chỉ khám phá tiềm năng của eHeath. Tôi nghĩ chỉ trong vòng 3 năm tới, tiềm năng của nó sẽ rất lớn.

Theo tôi được biết, ở Việt Nam, chưa có mạng lưới thư viện y học toàn quốc. Chúng ta hoàn toàn có thể thông qua bao phủ di động và internet để chia sẻ kiến thức trong mạng lưới thư viện y học và điều hành y tế. Việt Nam cần xây dựng văn hóa eHealth. Không chỉ là công nghệ mà còn là thói quen và cách thức trao đổi và chia sẻ thông tin. Ở Việt Nam rất nhiều người chưa biết đến các ứng dụng sẵn có của ĐTDĐ để tiếp cận với dịch vụ tư vấn và điều trị y tế. Qua diễn đàn lần này, Việt Nam có thể học hỏi từ thành công và thất bại của các nước để lựa chọn hướng đi của mình. Tôi nghĩ, khu vực tư nhân có thể tham gia vào phát triển eHealth. Điều quan trọng đối với Việt Nam là phải điều phối tốt ở cấp độ quốc gia, phải có cơ quan đi đầu trong eHealth. 

WHO giúp Việt Nam tiếp cận thông tin y tế trực tuyến
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, TS. Jean-Marc Olive.

Tiếp cận với nguồn nghiên cứu y tế trực tuyến có thể được coi là eHealth. Do đó chương trình HINARI (tiếp cận với sáng kiến nghiên cứu y tế) của WHO phối hợp với các nhà xuất bản y khoa lớn như Elsevier đang mang lại cho các cơ quan y tế cấp quốc gia ở Việt Nam cơ hội tiếp cận miễn phí với hàng nghìn nguồn thông tin y học bổ ích. Tất cả các ấn phẩm của WHO tại khu vực đều miễn phí trên mạng và WHO nỗ lực để các ấn phẩm trên sẵn có bằng tiếng Việt thông qua phối hợp với Bộ Y tế và các trung tâm như Viện CNTT Y học TW (CHITI). Những khóa học về eHealth cũng đã có mặt tại Việt Nam.

Công nghệ chỉ là một phần, nhân tố con người vẫn là quan trọng trong y tế
GS. Kiyoshi Kitamura, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục y khoa quốc tế, Đại học Tokyo, Nhật Bản.

Nền y tế Nhật là nền y tế điện tử. Tại Nhật Bản, toàn bộ hệ thống y tế áp dụng công nghệ không giấy tờ, dựa trên cơ sở web. Tất cả các dữ liệu bệnh viện đều online. Các thư viện y khoa online rất phổ biến. Tại các bệnh viện, bạn chỉ cần một tấm thẻ. Bạn đưa tấm thẻ vào máy, thì toàn bộ quy trình thủ tục hành chính sẽ được tự động hóa. Do đó giảm tải được các thủ tục rườm rà và tiết kiệm thời gian cho người bệnh; đồng thời đảm bảo minh bạch về tài chính. Sau khi bác sĩ khám bệnh, nhân viên y tế cũng điều khiển máy phát thuốc miễn phí. Tuy nhiên, tại Nhật, nhiều bệnh nhân cũng phàn nàn về công nghệ eHealth khiến cho giao tiếp giữa nhân viên bệnh viện và bệnh nhân giảm. Đó cũng là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn khi chọn lựa triển khai eHealth. Theo tôi, công nghệ chỉ là một phần, còn nhân tố con người vẫn là quan trọng trong y tế.

Người dân Malaysia rất hài lòng với eHealth
GS. Kwan Hoong (Malaysia): GS. Kwan Hoong, Khoa hình ảnh y sinh học, Trường Đại học Malaya, Malaysia.

Tại Malaysia, chúng tôi có 2-3 bệnh viện thực sự trở thành bệnh viện điện tử hoàn hảo. Ở một số vùng xa xôi, bệnh nhân có thể gửi hình ảnh để được chẩn đoán và khám bệnh. Chúng tôi cố gắng thiết lập liên kết để đào tạo sinh viên y khoa từ xa, liên kết với các bệnh viện giúp sinh viên có thể theo dõi thực tập qua hình ảnh. Ngày càng nhiều bệnh viện được điện tử hóa. Hầu hết các bệnh viện tại Malaysia hiện nay ứng dụng eHealth. Sau khi Chính phủ áp dụng eHealth người dân Malaysia cảm thấy rất hài lòng. Đây là điều mà người dân Malaysia mong đợi từ lâu. Nhờ có mạng lưới eHealth, đơn thuốc có thể kê qua mạng chỉ sau có vài phút, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian. Các bệnh viện công ở Malaysia được nhà nước tài trợ để triển khai hệ thống eHealth, còn khu vực tư nhân có ngân sách riêng để đầu tư cho hệ thống.

Mỗi nước có thể sử dụng eHealth theo các cách thức khác nhau
ThS.Alvin Marcelo, Giám đốc Trung tâm Y tế từ xa Philippines, Giám đốc chương trình mạng mở ASEAN 3.

Diễn đàn này cho phép ứng dụng tại mỗi nước có thể được quốc tế hóa để các nước khác học hỏi. Mỗi nước có thể sử dụng eHealth theo các cách thức khác nhau. Tại Philippines, eHealth ứng dụng rộng rãi trong điều trị sốt rét, HIV, lao. Hệ thống dữ liệu mở qua điện thoại di động trong điều trị sốt rét tại Philippines có thể được ứng dụng trong điều trị HIV ở Việt Nam, điều trị lao ở Campuchia.

Cách tiếp cận tư tưởng (nhận thức) phải đi trước một bước

Ông Lương Chí Thành, Q.Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin - Thư viện Y học Trung ương.

Đây là Hội nghị quốc tế đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam đề cập tới các vấn đề thuộc về quản lý tri thức ngành y tế. Nội dung về eHealth lần đầu tiên được đề cập tới trong chương trình nghị sự của hoạt động chung này-đó là dấu ấn Hà Nội. Những trao đổi trong hội nghị đã giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn khung hoạt động triển khai và các điều kiện trước hết phải có để triển khai eHealth. Đó chính là cách tiếp cận tư tưởng (nhận thức) phải đi trước một bước. Tôi có một số kiến nghị sau nhằm phát triển eHealth một cách hiệu quả tại Việt Nam. Đó là xây dựng tinh thần hợp tác giữa các bộ phận phục vụ về công nghệ thông tin trong các cơ quan chức năng và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Nhanh chóng ban hành các chuẩn kỹ thuật cần thiết cho hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế . Sớm hình thành cơ cấu tổ chức và phát triển các điều kiện cần thiết cho trung tâm cơ sở dữ liệu y tế điện tử.

Yến Châu - Bích Vân(ghi)   


Ý kiến của bạn