Hà Nội

Tiềm năng phát triển kinh tế dược liệu gắn với du lịch

21-09-2023 10:42 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Việc sáng tạo để phát triển chuỗi giá trị dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm giúp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế dược liệu trong tương lai.

Tiềm năm phát triển kinh tế dược liệu

Việt Nam hiện có hơn 5.117 loài và thứ dưới loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong đó, hầu hết loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đều phân bố trong các hệ sinh thái.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở trong nước cũng rất lớn. Tuy nhiên, khả năng cung cấp nguyên liệu làm dược liệu chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất cũng như nhu cầu sử dụng ở trong nước, một phần vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Trong tự nhiên, các loài dược liệu phân bố tương đối phân tán, hiện nay phần lớn dược liệu được khai thác trong tự nhiên, một phần đã được trồng với qui mô diện tích nhỏ; chưa có vùng sản xuất nguyên liệu thảo dược tập trung qui mô lớn, nên việc phát triển thảo dược còn nhiều hạn chế.

Tiềm năng phát triển kinh tế dược liệu gắn với du lịch - Ảnh 1.

Hiện nay phần lớn dược liệu được khai thác trong tự nhiên, một phần đã được trồng với qui mô diện tích nhỏ. Ảnh: Dương Tú

Có điều đặc biệt là hầu hết các loài thảo dược quí, có giá trị đều sống dưới tán rừng, nhất là dưới tán rừng nguyên sinh. Nắm bắt đặc điểm này nhiều địa phương đã và đang phát triển dược liệu trong môi trường rừng và làm tốt việc gắn phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, phát triển dược liệu đang là thế mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao tại nhiều tỉnh miền núi. Tuy nhiên, các địa phương, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đầu ra, nâng cao giá trị thương hiệu, giá bán. Việc này đòi hỏi cần đổi mới sáng tạo để phát triển chuỗi giá trị dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.

Trên cơ sở định hướng về quy hoạch tỉnh, các huyện cần rà soát quỹ đất, vùng nguyên liệu, xác định loài cây trồng phù hợp; xây dựng mã số các vùng trồng để quản lý nguồn gốc, xuất xứ, lựa chọn, cung cấp giống có nguồn gốc, xuất xứ, năng suất, chất lượng để đưa vào sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm, nhưng phải đảm bảo tính đặc thù, gắn sản phẩm với đặc trưng văn hóa, con người, bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm đặc thù, sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh.

Gắn dược liệu với du lịch 

Tại Lai Châu, phát huy tiềm năng thế mạnh hiện tỉnh đang tập trung phát triển hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng. Năm 2022 du lịch Lai Châu đón khoảng 762.000 lượt khách du lịch; trong đó khách nội địa 758.800 lượt, khách quốc tế 3.200 lượt; tổng doanh thu từ du lịch giai đoạn 2011 - 2020 đạt 3.188 tỷ đồng, doanh thu năm 2022 đạt trên 550 tỷ đồng.

Xác định việc bảo tồn này nó phải được gắn với chuỗi giá trị cùng với phát triển kinh tế. Việc phát triển sâm gắn với phát triển du lịch và du lịch sinh thái là một mục tiêu cũng như định hướng của tỉnh trong thời gian tới. Hiện nay một số địa phương trên địa bàn có điều kiện, lợi thế về vùng khí hậu cũng đang quan tâm cho phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng trồng sâm.

Tiềm năng phát triển kinh tế dược liệu gắn với du lịch - Ảnh 2.

Người dân Bắc Hà chăm sóc cây dược liệu. Ảnh: Dương Tú

Tương tự với tỉnh Lào Cai, sở hữu hệ sinh thái phong phú và đa dạng, có tiềm năng về tài nguyên dược liệu, tài nguyên cây thuốc quý, Lào Cai chú trọng khai thác và phát triển, gắn các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch; quan tâm phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP, tạo ra các sản phẩm chế biến sâu như thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, trà túi lọc, cao đặc, cao lỏng, cao khô, …phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu. 

Tính đến nay, Lào Cai đã có 163 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm là thảo dược như: Cao mềm Actiso Sa Pa; Viên nang đông trùng hạ thảo; Trà phun sương Actiso Sa Pa; Cao phun sương Actiso Sa Pa; Trà túi lọc dây leo Sa Pa; Trà túi lọc giảo cổ lam Sa Pa; Trà túi lọc Linh chi; Trà tam thất Simacai;…Các sản phẩm này đã và đang hấp dẫn du khách, làm món quà cho du khách mang nét đặc trưng riêng của Lào Cai.

Phát triển hình thành 5 nhóm sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; hình thành ít nhất 5 điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.

Hiện, các mô hình sản xuất dược liệu kết hợp du lịch tại Lào Cai ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các mô hình du lịch dịch vụ thắm thuốc, ngâm chân, xông hơi và các sản phẩm từ dược liệu làm quà tặng như cao Atiso, trà thảo dược, tam thất, các loại mỹ phẩm từ dược liệu,… 

Dự kiến, lượng khách du lịch đến Lào Cai sẽ tăng mạnh với khoảng trên 5 triệu lượt khách/năm; nếu mỗi du khách mua hoặc sử dụng một sản phẩm/dịch vụ từ thảo dược thì giá trị thu ước đạt trên 500 tỷ đồng từ các sản phẩm như ẩm thực, mỹ phẩm, thuốc tắm, chất tẩy rửa hữu cơ, sản phẩm chức năng…

Lào Cai phấn đấu đến năm 2030, duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 5.000ha. Tỉnh phát triển tối thiểu 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu; xây dựng thương hiệu từ 2-3 sản phẩm dược liệu và có thêm từ 3-5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Xem thêm video được quan tâm:

Bộ Y tế yêu cầu lô thuốc điều trị dạ dày nhập khẩu I SKĐS


PV
Ý kiến của bạn