Hà Nội

Tiềm năng phát triển dược liệu dưới tán rừng ở Điện Biên

31-10-2023 10:47 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho ngành Y học cổ truyền.

Điện Biên có hơn 400 nghìn ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng của toàn tỉnh đạt khoảng 40%. Hiện nay, nhiều địa phương đang khai thác hiệu quả diện tích dưới tán rừng để trồng cây dược liệu. Đây cũng là giải pháp quan trọng để bảo vệ rừng theo Tiểu dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo bền vững.

Việc phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho ngành Y học cổ truyền.

Tiềm năng phát triển dược liệu dưới tán rừng ở Điện Biên - Ảnh 1.

Điện Biên có nhiều tiềm năng phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp và diện tích đất có rừng tương đối lớn, tỷ lệ che phủ rừng là 42,96%, tỉnh Điện Biên có tiềm năng phát triển lâm sản ngoài gỗ (dưới tán rừng, trên đất trống) và các loại cây dược liệu đặc hữu.

Nhận thức được tiềm năng phát triển, phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1772 ngày 26 tháng 9 năm 2022 của UBND tỉnh Điện Biên đã cụ thể hóa chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Dù có nhiều tiềm năng phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tuy nhiện Điện Biên có những khó khăn, tồn tại cần khắc phục. Trong đó, quy mô, diện tích, sản lượng, số lượng loài dược liệu trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng như tiềm năng, lợi thế.

Khó khăn về hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật trồng của người dân trong phát triển cây dược liệu; việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất còn nhiều hạn chế nên chưa hình thành được vùng dược liệu tập trung, quy mô lớn, chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm (chủ yếu là sản phẩm thô chưa qua chế biến).

Để phát huy hiệu quả “kép” trong phát triển cây dược liệu, thời gian tới ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển các loại cây dược liệu. Tiến hành nghiên cứu, tuyển chọn và trồng thử nghiệm, đánh giá làm cơ sở lựa chọn, nhân rộng các giống cây dược liệu quý có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường. 

Tiềm năng phát triển dược liệu dưới tán rừng ở Điện Biên - Ảnh 2.

Cây thảo quả trồng dưới tán rừng theo hướng hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao.

Đồng thời, chú trọng mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dược liệu, để thúc đẩy sản xuất dược liệu hàng hóa; khuyến khích hình thức liên kết sản xuất doanh nghiệp với người dân thông qua cầu nối là các HTX.

Trong đó, chú trọng vào một số loài dược liệu có hiệu quả trong phát triển kinh tế như thảo quả, sa nhân, cây sâm vũ diệp, hoàng linh hoa trắng, sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu,...

Từ thực tế cho thấy, sa nhân xanh là cây dược liệu dễ trồng, ít công chăm sóc, có thể tận dụng diện tích dưới tán rừng để mở rộng diện tích, trồng 2 đến 3 năm, cây sẽ bói quả và cho thu hoạch liên tục từ 10 đến 12 năm. Với mỗi ha trồng sa nhân xanh, năng suất có thể đạt từ 100 đến 150kg quả khô/năm, giá bán ngoài thị trường dao động từ 100 nghìn đến 180 nghìn đồng/kg quả khô.

Trong khi đó, riêng cây sâm Ngọc Linh và cây sâm Lai Châu chủ yếu trồng tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, thu hút nhiều hộ dân và hợp tác xã trên địa bàn tham gia, với số tiền đầu tư con giống lên đến 10 tỷ đồng. Sau 5 năm, hơn 6 vạn cây sâm trồng ở xã Tênh Phông sinh trưởng và phát triển tốt, khẳng định sự phù hợp về khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Huyện Tuần Giáo kỳ vọng, đến năm 2025, diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn ở xã Tênh Phông sẽ lên đến 200ha, riêng diện tích trồng cây sâm phấn đấu đạt 40ha.

Xem thêm video được quan tâm:

Uống trà khi ăn bánh trung thu có ích lợi gì? | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn