Theo các nguồn tin chính thức của Nga, chiếc UAV bị bắn hạ khi đang tiến gần đến vùng ngoại ô thủ đô. Mảnh vỡ của nó rơi xuống một cánh đồng và bốc cháy. Một số video được cư dân địa phương quay lại cho thấy cảnh tượng một máy bay chiến đấu cơ động mạnh trên bầu trời, dường như đang truy đuổi mục tiêu cỡ nhỏ.
Khoảnh khắc tiêm kích Nga lần đầu truy đuổi UAV trên bầu trời Moscow. (Nguồn:X)
Dù chưa xác định chính thức loại máy bay, các nhà phân tích quân sự nhận định nhiều khả năng đó là một chiếc MiG-29, dòng tiêm kích phản ứng nhanh thường được triển khai trong các tình huống bảo vệ không phận khẩn cấp. Sự việc đã khiến sân bay quốc tế Domodedovo phải tạm thời đóng cửa trong thời gian ngắn.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, một máy bay chiến đấu được huy động để đánh chặn UAV trên chính không phận Moscow, đây là khu vực có hệ thống phòng không dày đặc và hiện đại nhất nước Nga.
Việc phải sử dụng tiêm kích trong tình huống này làm dấy lên nhiều câu hỏi về hiệu quả thực tế của các hệ thống phòng thủ mặt đất như S-400 hay Pantsir-S1, vốn được triển khai thành nhiều lớp xung quanh thủ đô.
Sự kiện cũng phản ánh sự thay đổi rõ rệt trong chiến thuật của Ukraine. Trước đây, các đòn tấn công bằng UAV thường nhắm vào các mục tiêu gần biên giới hoặc cơ sở quân sự trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, việc UAV có thể bay sâu vào không phận Moscow và buộc Nga phải điều tiêm kích để đánh chặn cho thấy Kiev đang dần mở rộng phạm vi tấn công.
Mặt khác, sự việc cũng cho thấy ngay cả những thiết bị quân sự có chi phí thấp như UAV kamikaze vẫn có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng, buộc đối phương phải huy động các loại vũ khí đắt tiền và nguy hiểm hơn để đối phó, trong khi rủi ro về tai nạn ở khu vực dân cư là không nhỏ.
Giới quan sát cho rằng sự kiện này có thể thúc đẩy Nga điều chỉnh lại chiến lược phòng không tại thủ đô. Các biện pháp như tăng cường gây nhiễu điện tử, đầu tư vào các hệ thống phát hiện UAV cỡ nhỏ và tăng khả năng phối hợp giữa lực lượng mặt đất với không quân là những bước đi được xem là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Đồng thời, Moscow có thể đẩy nhanh quá trình phát triển và triển khai các hệ thống phòng thủ UAV chuyên biệt nhằm bảo vệ các khu vực trọng yếu như cơ quan đầu não, sân bay và cơ sở hạ tầng chiến lược.
Ukraine cũng đã có kinh nghiệm sử dụng máy bay chiến đấu để chống UAV. Một trong những sự kiện nổi bật nhất là vào ngày 26/8/2024, khi Trung tá Oleksiy Mes – biệt danh "Moonfish", đã lái F-16 đẩy lùi một cuộc tấn công quy mô lớn từ Nga.
Theo Bộ tư lệnh Không quân Ukraine, trong nhiệm vụ đó, Mes đã phá hủy ba tên lửa hành trình và một UAV trước khi hy sinh vì cố đưa chiếc F-16 hư hại ra khỏi khu dân cư.
Trở lại với sự kiện ngày 18/7, vụ đánh chặn UAV trên bầu trời Moscow không chỉ mang tính quân sự mà còn là đòn đánh biểu tượng vào hệ thống phòng thủ và hình ảnh "bất khả xâm phạm" của thủ đô nước Nga.
Dù phía Nga cáo buộc phương Tây đứng sau các vụ tấn công bằng UAV, cho rằng chúng sẽ không thể thực hiện nếu không có sự hỗ trợ tình báo và công nghệ, thì Kiev vẫn khẳng định đây là phản ứng chính đáng trước các cuộc không kích vào hạ tầng của mình.