Hà Nội

Các nước tiêm kết hợp 2 mũi vaccine COVID-19 khác nhau thế nào?

03-08-2021 19:24 | Quốc tế
google news

SKĐS - Để tăng tốc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên thế giới, tận dụng những ưu điểm khác nhau của các loại vaccine, nhiều nước trên thế giới áp dụng hoặc thử nghiệm tiêm kết hợp 2 liều khác nhau.

Singapore: tiêm kết hợp vaccine Sinovac trong một số trường hợp

Vào ngày 2/8, Thứ trưởng Y tế Singapore TS.Janil Puthucheary cho biết những người tiêm liều 1 có phản ứng dị ứng với vaccine ngừa COVID-19 trong chương trình tiêm chủng đã được đề xuất tiêm vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất cho lần tiêm sau.

Các loại vaccine phòng COVID-19 đang được sử dụng phổ biến hiện nay tại Singapore bao gồm Pfizer-BioNTech, Moderna và CoronaVac.

2 loại vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna đã được phê duyệt sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia của Singapore. Vaccine CoronaVac (tên gọi của vaccine do Sinovac sản xuất) chỉ sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt.

Đối với những trường hợp ghi nhận phản ứng dị ứng sau khi tiêm liều 1, việc triển khai tiêm phòng tiếp liều 2 cho những đối tượng này sẽ được tiến hành tại bệnh viện công để theo dõi và xử trí kịp thời, TS. Puthucheary cho biết.

Để tăng tốc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới, tận dụng những ưu điểm khác nhau của các loại vaccine, nhiều nước trên thế giới áp dụng, phê chuẩn cũng như thử nghiệm tiêm kết hợp 2 liều vaccine khác nhau.

Để tăng tốc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên thế giới, tận dụng những ưu điểm khác nhau của các loại vaccine, nhiều nước trên thế giới áp dụng, phê chuẩn cũng như thử nghiệm tiêm kết hợp 2 liều vaccine khác nhau.

Vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất, được biết tới với tên gọi CoronaVac hiện được phép tiêm ở Singapore trong chương trình tiếp cận đặc biệt, sau khi loại vaccine này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn sử dụng trong tình huống khẩn cấp.

Singapore đang có kế hoạch đưa thêm 2 loại vaccine Sinovac và Novavax vào chương trình tiêm chủng quốc gia.

Hiện nay, những cá nhân không thể tiếp tục tiêm liều 2 vaccine chính thức trong chương trình tiêm chủng do phản ứng dị ứng có thể được tiêm vaccine Sinovac qua chương trình tiếp cận đặc biệt. Chương trình này được thiết lập kể từ đầu tháng 7, giúp đối tượng này có thể tiêm phòng đầy đủ. Những đối tượng này sẽ được tiêm đủ 2 liều vaccine Sinovac. Như vậy, những đối tượng này sẽ tiêm tổng cộng 3 liều vaccine và được chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.

Tính đến ngày 28/7, Bộ Y tế Singapore đã liên hệ với 5000 người, trong số này, hơn 2000 người khẳng định muốn tham gia chương trình.

Bộ Y tế Singapore sẽ theo dõi phản ứng miễn dịch trên những đối tượng này để có thêm hiểu biết về chiến lược tiêm kết hợp các liều vaccine ngừa COVID-19 khác nhau.

Nghiên cứu tiêm kết hợp vaccine AstraZeneca với Sputnik V cho kết quả khả quan

Nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về tiêm kết hợp giữa vaccine AstraZeneca với vaccine Sputnik V (Sputnik Light) ở Azerbaijan cho thấy không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào hay không có trường hợp nào mắc COVID-19 sau khi tiêm phòng.

Thông tin trên được Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) đưa ra trong bản báo cáo đầu tiên về nghiên cứu thử nghiệm kết hợp vaccine AstraZeneca với liều 1 của vaccine Sputnik V. Hoạt động thử nghiệm này đã được nhất trí thông qua vào tháng 12/2020 với sự góp mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin. RDIF, Viện Gamaleya (cơ quan phát triển vaccine Sputnik V), AstraZeneca và R-Pharm đã ký bản hợp tác nghiên cứu phát triển vaccine.

Vaccine Sputnik V dựa trên công nghệ adenovirus sử dụng 2 cơ chế thúc đẩy miễn dịch khác nhau thông qua 2 liều tiêm. Liều 1 sử dụng loại huyết thanh serotype 26 (vector 1) còn liều 2 là loại huyết thanh serotype 5 (vector 2). Việc kết hợp 2 cơ chế thúc đẩy miễn dịch khác nhau nhằm tạo ra hiệu quả miễn dịch dài lâu hơn chống lại virus.

RDIF đi đầu trong việc khởi xướng quan hệ đối tác với các hãng sản xuất vaccine khác tham gia nghiên cứu chung trong sử dụng cơ chế miễn dịch 1 của vaccine Sputnik V với các loại vaccine nước ngoài khác.

Nghiên cứu về tính an toàn và tính sinh miễn dịch khi tiêm kết hợp vaccine AstraZeneca với liều 1 vaccine Sputnik V ở Azerbaijan từ tháng 2/2021. Tới nay, có 50 tình nguyện viên đã được tiêm phòng và các thành viên mới đã được mời tham gia thử nghiệm.

Phân tích hiện thời cho thấy hiệu quả cao và an toàn hơn khi kết hợp sử dụng 2 loại vaccine mà không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào hay trường hợp nào mắc COVID-19 sau tiêm.

Vào tháng 8/2021, RDIF cùng các đối tác sẽ xuất bản dữ liệu đầu tiên về tính sinh miễn dịch trong việc kết hợp sử dụng vaccine AstraZeneca với vector 1 vaccine Sputnik V.

Thử nghiệm toàn cầu kết hợp các loại vaccine đã được tiến hành ở một số nước trong chương trình toàn cầu. Các tình nguyện viên đã được tiêm ở UAE, và đã cấp phép thử nghiệm ở Nga và Belarus.

Phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng COVID-19

Tiêm kết hợp vaccine AstraZeneca với vaccine mRNA thúc đẩy kháng thể miễn dịch

Theo hãng tin DW của Đức, một nghiên cứu của Anh cho thấy việc kết hợp liều tiêm giữa AstraZeneca với Pfizer-BioNTech trong tiêm phòng COVID-19 sẽ thúc đẩy miễn dịch mạnh hơn so với chỉ tiêm 2 liều vaccine AstraZeneca.

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Saarland ở miền tây nước Đức đã nhận thấy những người được tiêm liều 1 vaccine AstraZeneca với liều 2 vaccine Pfizer-BioNTech tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn là chỉ tiêm đơn thuần 2 liều cùng 1 loại vaccine, dù cho đó là AstraZeneca hay Pfizer-BioNTech. Như vậy miễn dịch tạo ra khi kết hợp 2 loại sẽ mạnh hơn là tiêm đầy đủ 2 liều Pfizer-BioNTech.

Trong nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học ở Homburg, Saarland, thử nghiệm được chia làm 3 nhóm. 1 nhóm chỉ tiêm 2 liều AstraZeneca, 1 nhóm chỉ tiêm Pfizer-BioNTech và nhóm còn lại tiêm kết hợp. So sánh về phản ứng miễn dịch sau 2 tuần tiêm, kháng thể tạo ra nhờ tiêm kết hợp 2 liều khác nhau gấp 10 lần so với chỉ tiêm AstraZeneca. Kháng thể tiêm kết hợp cũng nhỉnh hơn so với chỉ tiêm đơn thuần 2 liều Pfizer-BioNTech.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã tiêm kết hợp 2 liều vaccine khác nhau: mũi 1 AstraZeneca và mũi 2 tiêm Moderna.

Đức, Italy, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Phần Lan, Na Uy và Hàn Quốc những nước phê chuẩn sử dụng cho phép tiêm kết hợp liều giữa AstraZeneca với vaccine công nghệ mRNA để phòng COVID-19.

Tại Đức, có thể kết hợp tiêm mũi 2 vaccine công nghệ mRNA Pfizer-BioNTech hoặc Moderna sau khi đã tiêm mũi 1 AstraZeneca.

760.000 nhân viên y tế tuyến đầu Hàn Quốc đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca sẽ được tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer-BioNTech.

Một nghiên cứu của Tây Ban Nha cũng chỉ ra, tiêm liều 2 vaccine Pfizer-BioNTech cho những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca cũng an toàn và hiệu quả hơn.

Nghiên cứu của Hàn Quốc vào tháng 7 cho thấy việc tiêm kết hợp liều 1 AstraZeneca với một liều Pfizer-BioNTech sẽ thúc đẩy mức kháng thể trung hòa virus lên gấp 6 lần so với chỉ tiêm 2 liều AstraZeneca.

Trong tháng 6, một nghiên cứu của Anh chỉ ra tiêm AstraZeneca mũi 1 rồi mới tiêm Pfizer-BioNTech mũi 2 sẽ tạo ra phản ứng T-cell (tế bào miễn dịch) tốt nhất, và kháng thể cao hơn so với chiều ngược lại (liều 1 Pfizer-BioTech, liều 2 AstraZeneca).

Ngoài ra, để tăng tốc bao phủ tiêm chủng nhằm bảo vệ cộng đồng, một số nước trên thế giới cũng tiêm kết hợp vaccine khác nhau tùy theo nguồn cung ứng. Thái Lan vào ngày 12/7 cho biết sẽ sử dụng vaccine AstraZeneca làm liều tiêm thứ 2 cho những ai đã tiêm mũi 1 vaccine Trung Quốc Sinovac, nhằm tăng mức độ bảo vệ. Mỹ cho phép tiêm kết hợp giữa Pfizer-BioNTech với Moderna trong một số trường hợp đặc biệt, với khoảng cách giữa 2 liều tiêm cách nhau ít nhất 28 ngày.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn