Cách xác định vị trí tiêm insulin
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn vị trí tiêm, bao gồm khả năng tiếp cận, tình trạng mô mỡ và tốc độ hấp thụ insulin của điểm tiêm. Theo đó, các vị trí tiêm phổ biến nhất thường là bụng, má ngoài của đùi, mặt sau cánh tay và mông. Những vùng này có lớp mô mỡ nằm ngay dưới da, giúp hấp thụ insulin. Ngoài ra, khu vực này ít dây thần kinh, sẽ giảm cảm giác đau tới mức tối thiểu khi tiêm.
Cần biết, insulin được hấp thu khác nhau từ mỗi vị trí tiêm khác nhau, lần lượt như sau:
Bụng: Bụng là vị trí được nhiều bệnh nhân cũng như bác sĩ lựa chọn tiêm insulin nhất. Vì bụng là nơi insulin đi vào máu nhanh nhất, đồng thời, đây là vị trí dễ tiếp cận và ít gây khó chịu.
Cánh tay: Ở vị trí này, tốc độ hấp thu insulin vừa phải nhưng không nhanh như bụng. Để tiêm vào cánh tay, kim phải được đặt ở mặt sau cánh tay (vùng cơ tam đầu, hay bắp tay sau), khoảng giữa vai và khuỷu tay. Ở vị trí này, nếu người bệnh tự tiêm thường cần có người giúp đỡ.
Đùi: Đây là vị trí hấp thu insulin chậm nhất nhưng lại thuận lợi cho người bệnh tự tiêm. Khi tiêm đùi, cần đâm kim vào phía trước của đùi, đoạn giữa đầu gối và háng, hơi lệch về phía ngoài chân.
Mông: Tốc độ hấp thụ thuốc khá chậm.
Cũng lưu ý rằng cơ thể mỗi người là khác nhau nên không phải ai cũng có vị trí tiêm thích hợp giống nhau. Ví dụ, trẻ em hoặc những người rất gầy không nên tiêm vị trí bụng.
Các vị trí thường tiêm insulin.
Nguyên tắc chung khi thực hiện tiêm insulin
Cần làm sạch vị trí tiêm. Insulin được tiêm vào lớp mỡ ngay dưới da.
Tùy vào từng loại insulin mà có thời gian tiêm khác nhau. Insulin Mixtard (nhanh/trung bình): tiêm trước ăn 30 phút. Insulin Novomix (rất nhanh/dài): tiêm ngay trước ăn hoặc sau ăn 5 phút
Không nên tiêm lặp lại tại một vị trí trong vùng tiêm. Để hạn chế các biến chứng, cần luân phiên các vị trí tiêm. Đặc biệt, với những trường hợp sử dụng hơn 1 mũi tiêm trở lên trong ngày, phải tiêm ở các vị trí và ở các vùng khác nhau.
Cách tiêm Insulin
Trước khi tiêm insulin, cần kiểm tra:
Hạn sử dụng của thuốc.
Màu sắc: insulin nhanh và glargine phải trong (không cần trộn đều trước tiêm), insulin tác dụng trung bình và trộn sẵn phải đục.
Chất lượng thuốc: dung dịch đồng nhất, nếu dung dịch lợn cợn tức là thuốc đã bị hỏng và không được sử dụng
Tiêm bằng ống tiêm: Lăn lọ giữa hai lòng bàn tay khoảng 20 lần để thuốc ấm lên và trở nên đồng nhất.
Khử trùng màng cao su lọ thuốc bằng bông tẩm cồn.
Lấy bơm tiêm ra và tháo nắp đậy kim tiêm.
Lấy thuốc: kéo bơm tiêm rút lượng không khí bằng lượng thuốc cần tiêm, đâm xuyên kim tiêm qua nắp cao su của lọ thuốc và đẩy hết lượng không khí trong bơm tiêm vào lọ. Quay ngược lọ và rút bơm tiêm để lấy thuốc đến mức thuốc cần dùng. Kiểm tra bọt khí trong bơm tiêm và rút kim khỏi lọ.
Kỹ thuật tiêm: Xác định vùng tiêm và sát trùng bằng bông tẩm cồn. Kẹp véo da bằng 2 ngón cái và trỏ để cố định da. Đâm kim một góc 45 hay 90 độ so với mặt da sao cho kim đi vào lớp mô dưới da. Bơm thuốc từ từ trong vòng 5-10 giây cho đến khi hết thuốc. Tiếp tục giữ nguyên tư thế bơm kim trong vòng 6 giây sau đó rút kim ra khỏi da. Hủy bơm kim đã dùng.
Tiêm bằng bút tiêm insulin: Lăn tròn bút tiêm giữa 2 lòng bàn tay 10 lần. Nắm chặt bút tiêm và vung tay lên xuống. Làm như vậy cho đến khi thuốc trong bút tiêm có màu trắng đục.
Gắn kim theo hướng dẫn sử dụng bút tiêm, trước đó cần khử trùng màng cao su.
Để tránh tiêm không khí và bảo đảm liều chính xác, luôn tiến hành bước đuổi bọt khí như sau: Xoay nút chọn liều tiêm để chọn 2 đơn vị. Cầm bút tiêm insulin bơm sẵn với kim hướng lên trên, gõ nhẹ ống thuốc vài lần để bọt khí di chuyển lên đỉnh ống thuốc. Giữ kim hướng lên trên, ấn nút bấm tiêm thuốc xuống hết cỡ. Nút chọn liều tiêm trở về 0. Một giọt insulin xuất hiện ở đầu kim.
Định liều tiêm: Kiểm tra nút chọn liều tiêm đang ở vị trí 0. Xoay nút chọn liều tiêm để chọn số đơn vị cần tiêm, khi xoay 1 đơn vị sẽ nghe 1 tiếng kích, điều này có thể giúp đếm liều tiêm. Lưu ý không thể chỉnh liều tiêm lớn hơn số đơn vị thuốc còn lại trong bút tiêm.
Tiêm thuốc: Kẹp véo da giữa 2 ngón trỏ và cái để cố định da. Cầm bút tiêm như cầm bút. Đâm kim vuông góc với da. Tiêm liều thuốc bằng cách ấn nút bấm tiêm thuốc xuống hết cỡ cho đến khi số 0 nằm ngang với vạch chỉ liều tiêm. Kim phải được giữ dưới da ít nhất 6 giây. Điều này đảm bảo tất cả thuốc đều được tiêm hết. Đưa kim vào trong nắp lớn bên ngoài kim. Khi kim đã vào trong, đẩy cẩn thận nắp lớn bên ngoài kim vào hoàn toàn và vặn tháo kim ra.
Lưu ý: Luôn tháo kim sau mỗi lần tiêm và bảo quản bút tiêm insulin bơm sẵn không có kim gắn vào. Nếu không, dung dịch thuốc có thể bị rò rỉ và làm cho việc định liều thuốc không chính xác. Không được cho người khác sử dụng chung kim. Mỗi bút tiêm chỉ sử dụng cho một bệnh nhân. Hủy đầu kim sau khi sử dụng. Không được bơm thuốc vào lại trong bút tiêm.
Bảo quản insulin
Khi chưa mở nắp lọ: Tốt nhất để 2 - 8 độ C, thường là để trong ngăn mát tủ lạnh. Không được để trong ngăn đá.
Khi đã mở nắp lọ: Có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng, ngăn mát tủ lạnh (≤ 28 C) trong thời gian 4 - 6 tuần. Không để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.