Hầu hết các bệnh nhân đái tháo đường khi được bác sĩ thông báo là cần phải điều trị bằng insulin thì đều cảm thấy lo lắng, băn khoăn về cách thức tiêm insulin. Dưới đây là một số cách giúp người bệnh cải thiện kỹ năng tiêm và phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra khi tiêm insulin.
Kỹ thuật tự tiêm insulin
Khi kê đơn điều trị bằng insulin, thường bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh đái tháo đường phải học cách tự tiêm insulin. Phương pháp phổ biến nhất hiện nay là tiêm insulin bằng bơm (loại 1 hoặc 1/2ml) và kim tiêm. Đầu tiên phải rút insulin khỏi lọ thuốc, sau đó tiêm vào lớp dưới da và từ đây insulin sẽ được hấp thu vào dòng máu.
Người bệnh nên duy trì tiêm insulin của cùng một nhà sản xuất để hạn chế các phản ứng sau tiêm. |
Giờ tiêm: 15 - 30 phút trước khi ăn nếu là loại insulin nhanh, kể cả loại trung bình có pha trộn; 15 phút - 2 giờ trước khi ăn nếu là loại tác dụng trung bình (thường trước khoảng 1 giờ). Lưu ý: Khi đã chọn giờ tiêm thích hợp không nên thay đổi giờ tiêm đó quá thường xuyên.
Dụng cụ tiêm: Bông, cồn 70 độ, bơm tiêm hay bút tiêm. Cần chú ý sát trùng cả nút cao su của lọ thuốc khi lấy thuốc.
Cách tiêm: Với bệnh nhân có lớp mỡ dày và bút tiêm hay bơm có kim tiêm với độ dài thích hợp thì tiêm thẳng hay chéo vào dưới da. Với các bệnh nhân có lớp mỡ dưới da mỏng thì có thể dùng kỹ thuật véo da để tiêm.
Các hiện tượng kích ứng da tại chỗ sau tiêm
Đôi khi, đặc biệt là ở những lần tiêm đầu tiên, tại chỗ tiêm có thể bị đỏ và sưng nề nhẹ. Nguyên nhân có thể là do insulin không tinh khiết hoặc do khi tiêm, kim tiêm đã đẩy một lượng cồn nhỏ vào mô dưới da. Để tránh hiện tượng này cần sát trùng bằng cồn trước, đợi khô rồi mới tiêm. Nếu chỗ da bị kích ứng kéo dài trên 2 tuần hoặc thấy khó chịu, đau thì phải báo ngay cho thầy thuốc.
Sau khi tiêm có thể thấy đau buốt tại vùng tiêm, để giảm thiểu hiện tượng này, hãy lấy lọ insulin ra khỏi tủ lạnh trước 15 - 20 phút, xoa nhẹ bằng 2 lòng bàn tay trong vài phút trước khi tiêm để lọ thuốc có nhiệt độ ngang bằng nhiệt độ phòng; Thả lỏng các cơ tại vùng tiêm; Đâm kim nhanh qua da; Đâm thẳng kim, không đổi hướng kim sau khi đã chọc qua da.
Sau một thời gian điều trị, nếu phát hiện thấy vùng tiêm insulin bị lồi lõm, hoặc dày lên hoặc nổi cục, đó có thể là các biến chứng tại chỗ tiêm như teo đét hoặc phì đại tổ chức mô dưới da, thường là hậu quả của tiêm không đúng kỹ thuật. Để tránh hoặc hạn chế hiện tượng này, cần tuân thủ hướng dẫn quay vòng vị trí tiêm theo chiều kim đồng hồ hoặc đổi chỗ tiêm giữa bụng - đùi - cánh tay…
Lưu ý, để hạn chế các phản ứng sau tiêm, người bệnh đái tháo đường nên duy trì tiêm insulin của cùng một nhà sản xuất, cất giữ insulin trong tủ lạnh cho tới khi đem ra dùng. Lọ insulin sau khi đã mở nắp có thể giữ được ở nhiệt độ phòng trong khoảng 6 tuần. Nên vứt bỏ các lọ insulin quá hạn hoặc để bên ngoài tủ lạnh trên 6 tuần. Không nên để trong môi trường quá nóng hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
BS. Quý Nhân