Mọi băn khoăn, lo ngại đều sẽ ảnh hưởng tới quyết định tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. TS. BS. Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn; Trưởng phòng khám, tư vấn tiêm chủng - Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ giải đáp những băn khoăn này.
PV: Xin Tiến sỹ cho biết có những phản ứng nào thường xảy ra sau khi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em?
TS.BS. Lê Kiến Ngãi: Với các số liệu đã công bố, hiện chưa thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về phản ứng sau tiêm giữa các loại vaccine phòng COVID-19 đang sử dụng hiện nay. Nhìn chung, các phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 không phổ biến và ngay cả các biểu hiện gọi là "phản ứng rất thường gặp" nhưng tỷ lệ gặp cũng chỉ dưới 10%.
Hiện nay Việt Nam đang sử dụng vaccine Comirnaty để tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi. Các phản ứng sau tiêm chủng của loại vaccine này đã được ghi nhận gồm:
- Rất thường gặp (gặp trong khoảng 1/10): Sưng, đau tại chỗ tiêm, vùng tiêm rắn hơn một chút so với xung quanh; đau mỏi cơ, đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi và sốt ( có thể sau mũi 2 thì sốt gặp nhiều hơn 1 chút)
- Thường gặp (gặp trong khoảng 1/100): Mẩn đỏ chỗ tiêm, buồn nôn, nôn
- Hiếm gặp (gặp trong khoảng 1/1000): Nổi hạch, đau cánh tay, ngứa, hay nổi ban
- Cực kỳ hiếm gặp ( gặp trong khoảng <1/10.000): Liệt mặt 1 bên thoáng qua; hay một số biểu hiện của dị ứng như sưng nề mặt…
Và điều đặc biệt là, dữ liệu thử nghiệm của Pfizer không ghi nhận trường hợp phản vệ nào sau tiêm vaccine Comirnaty. Còn viêm cơ tim hay huyết khối giảm tiểu cầu chỉ ghi nhận khi đưa vaccine ra sử dụng với số trường hợp gặp rất ít.
PV: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, có một số trường hợp phải tiêm chủng cho trẻ trong bệnh viện. Xin Tiến sỹ cho biết lý do và đó là những trường hợp nào?
TS.BS. Lê Kiến Ngãi: Từ trước đến nay hệ thống bệnh viện luôn song hành chặt chẽ cùng hệ thống tiêm chủng mở rộng ở tất cả các tuyến. Với mục tiêu cao nhất là tất cả trẻ em điều phải được tiêm chủng để phòng bệnh.
Những trẻ khỏe mạnh, không có bệnh nền, không có bệnh bẩm sinh thì được tiêm ở các điểm tiêm chủng của tiêm chủng mở rộng.
Những trẻ không tiêm được ở điểm tiêm chủng bên ngoài bệnh viện thì sẽ được tiêm chủng trong bệnh viện. Tiêu chí đặt ra là tiêm đúng, tiêm đủ, tiêm kịp thời và tiêm an toàn.
Chính vì vậy, đối với chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em hiện nay, Bộ Y tế đã kịp thời có hướng dẫn về việc khám, sàng lọc tiêm trong bệnh viện với một số trẻ. Bệnh viện tất cả các tuyến đều có trách nhiệm đối với việc này. Có thể nói rằng đây là một trong những đặc điểm ưu việt của hệ thống y tế Việt Nam.
Theo Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng sửa đổi bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đối với trẻ em, các trẻ trong độ tuổi từ 12-17 tuổi có các vấn đề sức khỏe sau đây sẽ được khám, sàng lọc và tiêm chủng trong bệnh viện:
- Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính
- Trẻ có phản vệ nặng (độ 3) với bất kỳ dị nguyên nào trước đây
- Phát hiện thấy trẻ có tim phổi bất thường
PV: Xin Tiến sỹ cho biết việc khám sàng lọc tại các điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được thực hiện ra sao và làm thế nào để nhận ra trẻ đi tiêm có các vấn đề cần phải tiêm chủng trong bệnh viện?
TS.BS. Lê Kiến Ngãi: Quy trình khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được kế thừa từ các Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 4355/QĐ-BYT ngày 10/9/2021 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Quyết định 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019 về việc ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em và Quyết định 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng sửa đổi bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID -19 đối với trẻ em.
Theo đó, trước tiên trẻ được đo hai chỉ số nhiệt độ cơ thể và mạch. Hai chỉ số này giúp cho cả quá trình khám sàng lọc cho trẻ cũng như theo dõi trẻ sau tiêm. Sau đó trẻ được cán bộ y tế khám toàn diện thông qua khai thác về tiền sử dị ứng (bao gồm cả dị ứng với vaccine COVID-19 trước đó cũng như dự ứng với bất kỳ dị nguyên nào); tiền sử bệnh tật khác. Cùng với đó là việc đánh giá tình trạng sức khoẻ hiện tại để xác định trẻ đang có bệnh cấp tính không? hay bệnh mạn tính tiến triển? hoặc có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính đã phát hiện từ trước và phát hiện các vấn đề sức khỏe khác nếu có. Để việc khám sàng lọc cho trẻ được chính xác cần có sự phối hợp cung cấp thông tin chính xác, trung thực của bản thân trẻ và gia đình.
Thông qua quá trình khám sàng lọc, trẻ được xác định có thể tiêm chủng bình thường, có thể tiêm được ngay nhưng phải thận trọng hay trẻ cần được tiêm chủng tại bệnh viện nếu có các vấn đề sức khỏe như đã nêu ở trên hoặc có chống chỉ định. Tại bệnh viện, trẻ tiếp tục được đánh giá toàn diện, bao gồm cả các xét nghiệm hoặc thăm dò nếu cần và thực hiện tiêm chủng dưới sự hỗ trợ, theo dõi của hệ thống cấp cứu… sao cho trẻ có các vấn đề về sức khỏe được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hiệu quả và an toàn.
PV: Vậy làm thế nào để có thể phòng ngừa được các phản ứng sau tiêm ở trẻ khi đi tiêm vaccine phòng COVID-19?
TS.BS. Lê Kiến Ngãi: Trước tiên các bậc cha, mẹ, người chăm sóc và bản thân trẻ phải thông hiểu được rằng thông qua các kết quả thử nghiệm và thực tiễn sử dụng thì vaccine phòng COVID-19 được sử dụng để tiêm cho trẻ em là an toàn. Cùng với đó là việc chuẩn bị một tâm lý tốt cho trẻ trước khi tiêm.
Đối với việc tiêm chủng cho trẻ em nói chung và tiêm chủng phòng COVID-19 nói riêng thì tâm lý đóng một vai trò quan trọng. Gia đình và trẻ phải vượt qua được sự ảnh hưởng của mạng xã hội qua các bình luận không tích cực hay thậm chí là các video clip có nội dung không tốt. Trẻ cần được chuẩn bị tốt về thể chất như ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, không vận động quá mức ngay trước khi tiêm.
Tại phòng tiêm thông báo với nhân viên y tế tất cả các vấn đề về sức khỏe của trẻ nếu có. Ngay sau khi tiêm tuân thủ sự hướng dẫn của nhân viên y tế theo dõi 30 phút sau tiêm. Trong những ngày đầu sau tiêm, nghỉ ngơi, tránh các hoạt động gắng sức, có người lớn bên cạnh trong 3 ngày đầu sau tiêm, theo dõi sức khỏe và thông báo ngay cho cơ sở y tế nếu có bất thường để được tư vấn hỗ trợ.
PV: Vẫn còn có nhưng gia đình băn khoăn về việc cho trẻ đi tiêm vaccine phòng COVID-19. Tiến sỹ có lời khuyên nào để giải tỏa những băn khoăn, lo ngại đó?
TS.BS. Lê Kiến Ngãi: Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của toàn xã hội, dịch bệnh COVID-19 đang từng bước được kiểm soát. Mặc dù vậy các thành quả đạt được vẫn rất mong manh. Các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện. Ca bệnh COVID-19 vẫn đang tăng lên, đồng nghĩa với nguồn nhiễm nhiều hơn, cơ hội trẻ em bị mắc COVID-19 vì thế cũng tăng lên. Khi đã mắc bệnh COVID-19 các trẻ bệnh mạn tính, bệnh bẩm sinh… cũng rất dễ trở nặng.
Vaccine phòng COVID-19 được lựa chọn để tiêm cho trẻ em có sự an toàn cao. Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được tổ chức tốt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống tiêm chủng và hệ thống bệnh viện. Thêm vào đó, thêm một người được bảo vệ bằng vaccine là tăng một mức độ miễn dịch cộng đồng. Vì vậy vaccine tốt nhất, là vaccine sớm nhất.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sỹ về những thông tin chia sẻ trên!
Xem thêm video được quan tâm:
Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi