Hà Nội

Tiêm chủng Tây Nguyên khi đang phòng dịch

17-02-2020 06:05 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để trẻ nhỏ không mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Việc thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là vấn đề cấp thiết, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp. Việc đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng không chỉ tạo ra sức đề kháng, giúp trẻ chống lại một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà còn có thể tránh được tình trạng suy dinh dưỡng, nâng cao khả năng phòng bệnh của trẻ. Đây là một trong những chỉ tiêu về công bằng trong chăm sóc y tế tại Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin vẫn diễn biến phức tạp không chỉ ở khu vực Tây Nguyên mà còn tại khu vực miền Nam, vấn đề tiêm chủng được đặt lên như một vấn đề cấp bách, nguy cơ diễn ra các vụ dịch là rất lớn. Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là tối ưu nhất cho việc phòng bệnh cho trẻ, chỉ khi trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch thì vắc-xin mới phát huy tối đa được khả năng phòng bệnh trước bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19, việc đảm bảo tiêm chủng cho trẻ em là vấn đề cần và đáng được quan tâm.

PGS.TS. Dương Thị Hồng làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Lăk.

PGS.TS. Dương Thị Hồng làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Lăk.

Ngày 11/2/2020, PGS.TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban chỉ đạo Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Lăk về công tác tiêm chủng mở rộng trong mùa dịch. Cuộc họp nhấn mạnh về tình hình triển khai tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk nói riêng và tại khu vực Tây Nguyên nói chung.

Đăk Lăk là tỉnh có nhiều khó khăn trong công tác tiêm chủng, công tác phòng chống dịch bệnh như địa bàn rộng, quản lý đối tượng khó khăn, sự hưởng ứng của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh còn nhiều hạn chế, tâm lý hoang mang, lo lắng, sợ xảy ra tai biến của người dân khi đưa trẻ đến tiêm. Từ đầu năm 2020, trong bối cảnh cả nước phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tỉnh Đăk Lăk đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, tuy nhiên, việc thực hiện tích cực công tác phòng chống dịch bệnh dẫn đến tình trạng quá tải của hệ thống y tế dự phòng. Đây cũng là một thách thức của hệ thống y tế trong việc triển khai đồng thời công tác tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh.

Qua lắng nghe các báo cáo cũng như ý kiến của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Lăk, PGS.TS. Dương Thị Hồng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Lăk cần chú trọng trong công tác tiêm chủng mở rộng song song với công tác phòng chống dịch bệnh, tránh tình trạng lơ là, e ngại trong việc triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên trong mùa dịch, tăng cường rà soát các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin trên địa bàn, tổ chức tiêm bổ sung cho trẻ, đảm bảo khả năng miễn dịch các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng, cần tránh hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 luôn có khả năng xâm nhập địa bàn khu vực Tây Nguyên.

Đặc biệt, PGS.TS. Dương Thị Hồng cũng nhấn mạnh, việc thực hiện các chiến dịch tiêm/uống bổ sung vắc-xin bại liệt, tiêm bổ sung vắc-xin Td, vắc-xin Viêm não Nhật Bản, sởi - Rubella cho trẻ trong năm 2020 cần được chú trọng và triển khai hiệu quả, đảm bảo đạt đúng tiến độ và chỉ tiêu đề ra để nâng cao khả năng miễn dịch trong cộng đồng.


BS. Trần Thị Hoàng Oanh
Ý kiến của bạn