Hà Nội

Tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu

29-07-2016 14:16 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu hình que (corynebacteria) gây ra, được đặc trưng bởi quá trình viêm cùng với sự hình thành màng fibrin tại vị trí thâm nhập của tác nhân...

Tác nhân gây bệnh và nguồn lây nhiễm

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu hình que (corynebacteria) gây ra, được đặc trưng bởi quá trình viêm cùng với sự hình thành màng fibrin tại vị trí thâm nhập của tác nhân, ngoại độc tố đi vào máu gây nhiễm độc cho cơ thể với những biến chứng nặng như shock nhiễm độc - nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, viêm đa dây thần kinh, thận hư.

Tác nhân của bệnh bạch hầu lây nhiễm qua đường không khí - giọt bắn: khi tiếp xúc trực tiếp, hy hữu lây qua các vật dụng hàng ngày (bát đĩa, quần áo, đồ chơi, sách vở), có thể lây nhiễm qua người thứ ba, qua thức ăn (các sản phẩm sữa truyền bệnh).

Nguồn lây nhiễm bạch hầu là con người: người bệnh và người mang mầm bệnh bạch hầu. Trong bệnh bạch hầu, miệng và hầu bị tổn thương là chủ yếu, hiếm khi gây tổn thương cho đường hô hấp, mũi, họng, khí quản. Cũng có thấy tổn thương ở mắt, tai, cơ quan sinh dục, da.

Các biến chứng: đặc trưng nhất là các biến chứng của hệ tim mạch (viêm cơ tim), thần kinh ngoại vi (viêm thần kinh và viêm đa dây thần kinh) và thận (hội chứng thận hư).

Tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ.

Tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu

Trong thời gian trước tiêm chủng, cần theo dõi thời điểm bùng phát bệnh theo chu kỳ 5 - 8 năm, kéo dài trong vòng 2 - 4 năm. Bùng phát bệnh kèm theo tăng các trường hợp bệnh nặng và số ca tử vong. Nếu tiêm chủng cho trên 95-97% số trẻ trong độ tuổi thì sẽ ngăn chặn được sự bùng phát dịch bạch hầu theo chu kỳ và theo mùa.

Vắc-xin có ý nghĩa quan trọng trong việc dự phòng bệnh bạch hầu. Với mục đích này, người ta sử dụng biến độc tố (toxoid) bạch hầu, chính là độc tố bạch hầu đã được làm mất các độc tính, bị hấp thụ trong nhôm hydroxyd.

Để dự phòng bạch hầu cho trẻ em, nước ta sử dụng các vắc-xin tổng hợp:

Vắc-xin bạch hầu - uốn ván - ho gà (viết tắt DTP): vắc-xin này phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà cho trẻ dưới 5 tuổi.

Vắc-xin DTP-HeB (phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà và viêm gan B).

Vắc-xin DTP-HeB-Hib (vắc-xin 5 trong 1 - phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và cả viêm màng não do Hib).

Vắc-xin DTP-IPV (phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt).

Vắc-xin DT: phòng bệnh bạch hầu, ho gà cho trẻ dưới 5 tuổi trong trường hợp trẻ dị ứng với thành phần ho gà trong vắc-xin DTP hay bố mẹ không muốn cho con tiêm vắc-xin phòng ho gà.

Vắc-xin bạch hầu - uốn ván cho trẻ lớn và người lớn (viết tắt là dT hay Td): tiêm nhắc lại cho trẻ đã tiêm DTP hoặc DT nhằm tăng cường miễn dịch phòng bệnh bạch hầu và uốn ván ở trẻ trên 7 tuổi.

Lịch tiêm chủng

Lịch tiêm chủng lần đầu bao gồm 4 mũi tiêm, 3 mũi đầu cách nhau 30 ngày, tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 5 tuổi, mũi thứ tư cách mũi thứ ba khoảng 1 năm. Tiêm nhắc lại sau 7 năm và tiếp theo cứ 10 năm tiêm nhắc lại 1 lần.

Nếu vì một lý do nào đó tiêm chủng phòng bạch hầu mũi đầu tiên trong độ tuổi từ 4-6 tuổi thì tiến hành tiêm 2 mũi cách nhau 30 ngày và mũi nhắc lại sau 9-12 tháng sau mũi 2.

Còn nếu trẻ được tiêm mũi đầu tiên khi đã trên 6 tuổi thì trong trường hợp này tiến hành tiêm 2 mũi cách nhau 30 ngày và nhắc lại sau 6-9 tháng sau mũi 2.

Tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu

Tiêm chủng phòng bạch hầu cho người lớn

Tiêm chủng phòng bạch hầu cho người lớn ở nước ta thực hiện tiêm 1 mũi vắc-xin tổng hợp theo chu kỳ 10 năm, bắt đầu từ mũi tiêm chủng cuối cùng trong độ tuổi 14-16 (tiếp theo khi 24-26 tuổi, 34-36 tuổi...). Nếu bạn không nhớ lần cuối cùng bạn tiêm chủng phòng bạch hầu khi nào thì bạn cần phải tiêm 2 mũi cách nhau 30 ngày và tiêm nhắc lại sau 6-9 tháng sau mũi 2.

Các phản ứng sau tiêm

Hay gặp tăng thân nhiệt vừa phải, khó chịu nhẹ trong ngày sau tiêm. Có thể cũng thấy sưng, tấy đỏ, đau tại chỗ tiêm, phát ban ít gặp.

Các biến chứng ít có khả năng xảy ra và thường là co giật, sốc phản vệ, các phản ứng thần kinh. Không thể bỏ qua các bệnh gian phát hoặc không nên cho đó là biến chứng của các vắc-xin tổng hợp.

Lời khuyên của thầy thuốc

Chống chỉ định tiêm chủng phòng bạch hầu gần như không có. Các trẻ bị cảm cúm có các triệu chứng mức độ nhẹ thì việc tiêm phòng có thể thực hiện ngay khi thân nhiệt về mức bình thường, còn khi mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính kèm triệu chứng ở mức độ vừa và nặng - tiêm phòng chỉ được thực hiện sau khỏi bệnh 2 tuần. Tất cả các bệnh nhân còn lại (mắc các bệnh gan, thận, phổi mạn tính; ung thư máu, rối loạn miễn dịch...) thì tiêm phòng được tiến hành trong giai đoạn bệnh thuyên giảm dưới sự giám sát của bác sĩ dự phòng miễn dịch theo các phác đồ riêng.

Ở những bệnh nhân không được tiêm chủng, bệnh bạch hầu diễn biến trầm trọng, hay gặp các thể nhiễm độc và thể phối hợp, liên quan đến các biến chứng và thường dẫn đến tử vong. Các bệnh nhân đã được tiêm chủng có thể là trung gian truyền bệnh, chủ yếu có thể định khu, diễn biến thuận lợi, tiên lượng tốt.

Trẻ đã tiêm chủng có thể mắc bệnh bạch hầu khi sức đề kháng bị suy giảm. Nguyên nhân của việc suy giảm miễn dịch có thể là không tuân thủ phác đồ tiêm chủng và tiêm chủng lặp lại. Cũng có thể giảm cường độ miễn dịch sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm. Ở những trẻ này thường không thấy thể nhiễm độc, không gặp bạch hầu đường hô hấp, không có thể phối hợp mức độ nặng. Rất ít biến chứng, tử vong chưa được ghi nhận.

BS. Minh Quân (Khoa Sức khỏe lao động - Học viện Quân y)
Ý kiến của bạn