Tiêm chủng ở đầu nguồn Khe Khặng

12-01-2015 08:00 | Thời sự

SKĐS - Tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 708 hộ với 3.277 nhân khẩu tộc người Đan Lai sinh sống. Riêng xã Môn Sơn có 217 hộ với 1.075 nhân khẩu...

Tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 708 hộ với 3.277 nhân khẩu tộc người Đan Lai sinh sống. Riêng xã Môn Sơn có 217 hộ với 1.075 nhân khẩu... Do quan niệm “trời sinh voi trời sinh cỏ”, người Đan Lai sống tự nhiên như núi rừng, cây cỏ, mỗi cặp vợ chồng cưới nhau từ khi mới 13 - 14 tuổi nên bình quân họ có từ 4 - 6 con, cá biệt có cặp vợ chồng sinh tới 13 con. Phụ nữ Đan Lai lấy chồng khi cơ thể còn chưa trưởng thành, đã thế khi mang thai, họ còn một mình vào rừng “vượt cạn”, đẻ ngồi trong cái chòi dựng tạm giữa rừng. Đứa trẻ vừa ra đời đã bị mẹ đem xuống suối để tắm đến 3 lần dù trời có mưa hay nắng, thậm chí có khi rét căm căm... Nếu đứa trẻ vẫn còn sống sót sau thử thách đầu đời khắc nghiệt này thì người mẹ mới đưa về nhà nuôi. Cùng với hủ tục hôn nhân cận huyết nên tộc người này đang mai một dần.

Tiêm chủng cho trẻ tại Con Cuông - Nghệ An.

Người Đan Lai phần lớn sinh sống ở đầu nguồn Khe Khặng thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Bản xa nhất là bản Khe Búng. Từ trung tâm xã đi vào phải mất 5 giờ đi bộ lội rừng và đi xuồng ngược sông ĐGiăng. Song, khó khăn lớn nhất trong công tác y tế giáo dục nói chung và chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella nói riêng không phải là ở việc đi lại mà chính là ở nhận thức của người dân nơi đây. Chị Kha Thị Tím - Phó Chủ tịch huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho biết: “Các em người Kinh và các dân tộc khác như Thái, Nùng, Hoa kiều, Êđê, Khơmú... công tác tuyên truyền khá thuận lợi. Hầu hết phụ huynh và học sinh đều nhận thức được lợi ích và tác dụng to lớn của tiêm chủng. Song, riêng với tộc người Đan Lai thì vô cùng vất vả. Công tác điều tra vận động ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Ban ngày họ đưa con vào rừng săn bắn hái lượm, tối mới về bản. Cán bộ y tế phối hợp với chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng phải đến nhà đợi họ đến tận tối khuya mới gặp được. Đội tiêm chủng lưu động cũng lội suối băng rừng đến tận bản, thậm chí vào tận nhà để tiêm mà họ vẫn đưa con bỏ trốn vào rừng chỉ vì họ nghĩ rất đơn giản. Có ốm đau thì mới đi tiêm chứ đang khỏe mạnh như thế này tiêm làm gì”.

Chồng chị Tím - anh Lô Văn Thiệp đang là Hiệu phó của Trường trung học cơ sở Môn Sơn cho biết: “Ngay học sinh tộc người Đan Lai ở trường tôi cũng vậy. Khi y tế phối hợp với nhà trường tổ chức tiêm chủng cho các cháu thì học sinh Đan Lai tìm cách bỏ trốn. Chúng tôi phải dùng đến kỷ luật nhà trường để giữ các cháu lại”.

Cán bộ tiêm chủng tại Con Cuông - Nghệ An trèo đèo lội suối tiêm chủng cho trẻ em vùng sâu, vùng xa biên giới.

Việc triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella của huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã huy động được sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trong các nhà trường. Việc tổ chức tiêm tại trường học rất thuận lợi cho việc quản lý đối tượng theo lớp, rà soát các cháu vắng mặt và quản lý các đối tượng hoãn tiêm để tổ chức tiêm vét,...

Đó là sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đội ngũ những thầy thuốc, các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể và Bộ đội biên phòng huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An trong chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella bảo vệ sức khỏe và tương lai cho trẻ em nơi vùng sâu vùng xa biên giới.

Nhờ việc triển khai tiêm chủng cho các cháu được thực hiện đúng quy trình, bảo quản vắc-xin đúng với tiêu chuẩn của nhà sản xuất và đặc biệt công tác khám sàng lọc trước tiêm được thực hiện nghiêm túc, sau 2 đợt tiêm chủng đã không có trường hợp nào bị sốc phản vệ và phản ứng nặng xảy ra, chỉ có 16 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Tỷ lệ các cháu trong diện được tiêm của 13 xã trung bình đạt 97,3% đợt 1 và 97,5% đợt 2. Riêng xã Môn Sơn trong đó có tộc người Ðan Lai luôn dẫn đầu trong số 13 xã, thị trấn với tỷ lệ các cháu được tiêm đạt 112,9% đợt 1 và 98,4% đợt 2.

Bài và ảnh: Nguyễn Minh Tuấn

 

 


Ý kiến của bạn