Tiêm chủng nhắc lại làm tăng hiệu quả bảo vệ của vaccin

03-09-2011 08:10 | Tin nóng y tế
google news

Nhằm mang lại kết quả tiêm chủng tốt nhất, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia đã tiến hành tiêm nhắc lại nhiều loại vaccin trong tiêm chủng nhiều năm qua và tạo được miễn dịch bền vững với nhiều dịch bệnh trong cộng đồng.

Nhằm mang lại kết quả tiêm chủng tốt nhất, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia đã tiến hành tiêm nhắc lại nhiều loại vaccin trong tiêm chủng nhiều năm qua và tạo được miễn dịch bền vững với nhiều dịch bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên trên thực tế nhiều gia đình còn chưa hiểu biết đầy đủ vì sao cần tiêm nhắc lại đầy đủ các mũi vaccin, do đó đã ảnh hưởng tới hiệu quả phòng bệnh bằng vaccin. Vì sao cần phải thực hiện tiêm nhắc lại đầy đủ là nội dung phóng viên (PV) báo SK&ĐS trao đổi cùng PGS.TS. Đỗ Sĩ Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về sức khỏe cộng đồng, nguyên Chủ nhiệm Chương trình TCMR quốc gia.

PV: Thưa ông, vì sao cần phải tiêm nhắc lại vaccin, có gì khác giữa tiêm nhắc lại và tiêm mũi bổ sung?

PGS.TS. Đỗ Sĩ Hiển: Sở dĩ cần có các mũi tiêm nhắc vì kháng thể bảo vệ có được sau khi tiêm đủ liều một loại vaccin có khả năng giảm dần theo thời gian, do vậy trẻ đã tiêm chủng có thể bị mắc bệnh nếu không được tiêm chủng nhắc lại. Độ bền vững của kháng thể phụ thuộc vào bản chất của vaccin, công nghệ sản xuất, khả năng đáp ứng của cơ thể... Nói chung  miễn dịch được tạo ra bởi các loại vaccin sẽ giảm dần theo thời gian, đến một lúc nào đó cơ thể không đủ sức chống lại sự tấn công của mầm bệnh và do vậy việc tiêm các mũi nhắc lại để nâng cao hiệu giá kháng thể là rất cần thiết để bảo vệ cơ thể.

Việc tiêm các mũi nhắc lại chỉ có hiệu quả với các vaccin tạo được trí nhớ miễn dịch qua các mũi tiêm trước đó. Với các vaccin không tạo được trí nhớ miễn dịch hoặc có miễn dịch bảo vệ tồn tại quá ngắn trong cơ thể thì việc tiêm các mũi sau đó phải coi như là tiêm mới. Ngược lại một số vaccin có miễn dịch bền vững trong nhiều năm như vaccin sởi thì việc tiêm các mũi vaccin bổ sung lại nhằm mục đích chủ yếu là tạo miễn dịch cho những trẻ bị bỏ sót chưa tiêm trong các hoạt động tiêm chủng trước đó hoặc những trẻ chưa tạo được miễn dịch sau các lần tiêm trước.

PV: Vậy xin PGS cho biết các vaccin nào cần được tiêm nhắc lại sau khi đã được tiêm đủ các liều cơ bản?

 PGS.TS. Đỗ Sĩ Hiển.

PGS.TS. Đỗ Sĩ Hiển:

Nhiều loại vaccin cần được tiêm nhắc lại như vaccin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, bại liệt, phế cầu...Đây là các vaccin tạo được kháng thể bảo vệ khoảng 3-10 năm, trong thời gian này nếu không tiêm nhắc, khi phơi nhiễm với mầm bệnh vẫn có thể bị mắc bệnh. Mặt khác các vaccin này lại tạo được trí nhớ miễn dịch tốt nên sau chỉ một mũi tiêm nhắc, hiệu giá kháng thể bảo vệ, tức là sức chống đỡ của cơ thể lại tăng lên rất cao.

Các vaccin cần được tiêm chủng hằng năm gồm các vaccin phòng bệnh cúm, tả hoặc 2-3 năm tiêm lại một lần như các loại vaccin Polysacharid không có cộng hợp phòng các bệnh thương hàn, phế cầu. Đây là các vaccin có thời gian bảo vệ ngắn hoặc không tạo được trí nhớ miễn dịch sau các liều tiêm trước.

Các vaccin cần được tiêm các liều bổ sung sau mũi tiêm đầu gồm vaccin sởi, Rubella, quai bị. Đây là các vaccin tạo được miễn dịch bền vững song có một tỉ lệ không nhỏ từ 10-20% trẻ em không tạo được miễn dịch bảo vệ sau mũi tiêm đầu hoặc không được tiêm trước đó.

PV: Lịch tiêm nhắc các loại vaccin được cân nhắc trên cơ sở nào, thưa ông?

PGS.TS. Đỗ Sĩ Hiển: Một số yếu tố cần được xem xét khi đưa ra lịch tiêm nhắc vaccin là:

Thời gian tồn lưu của kháng thể bảo vệ sau tiêm vaccin và lứa tuổi có nguy cơ mắc bệnh.

Hiệu quả của mũi tiêm nhắc: Các vaccin có lịch tiêm nhắc là các vaccin tạo được trí nhớ miễn dịch tốt. Cần có lịch tiêm nhắc hợp lý để mũi tiêm giúp cơ thể nâng cao hiệu giá kháng thể bảo vệ ở mức tốt nhất.

Tính an toàn: Một số vaccin có các phản ứng phụ cao khi tiêm cho trẻ lớn tuổi, do vậy việc tiêm nhắc sớm sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ. Với trẻ em đã có phản ứng nặng với lần tiêm trước, khi đến kỳ tiêm các mũi nhắc lại, cán bộ y tế cần thận trọng khi quyết định tiêm hay không tiêm.

Tình hình dịch tễ: Tại các vùng có bệnh lưu hành nặng hoặc có dịch, việc tiêm nhắc cần được tiến hành sớm theo khuyến cáo của ngành y tế. Ngoài ra với các vaccin có thời gian bảo vệ ngắn như cúm, tả... cần được tiêm chủng hằng năm vào trước mùa dịch, đặc biệt với các đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh mạn tính. Với các vaccin sởi, Rubella, quai bị vẫn cần được tiêm mũi 2 để nâng cao miễn dịch cộng đồng, tăng tính hiệu quả của việc phòng bệnh bằng vaccin vì đây là các bệnh lây đường hô hấp với khả năng lây lan rất cao và nhanh.

Tính thuận lợi của dịch vụ: để giảm bớt sự đi lại của trẻ em và các bà mẹ, lịch tiêm chủng  nhắc lại của các vaccin được lồng ghép vào cùng thời điểm như khi trẻ 18 tháng tuổi có thể tiêm nhắc vaccin DPT, Hib, sởi mũi 2...

Ngoài ra việc tiêm nhắc còn phụ thuộc vào các yếu tố cần cân nhắc khác như cơ chế miễn dịch, lứa tuổi nguy cơ, sự biến đổi chủng gây bệnh, đáp ứng của cơ thể, điều kiện kinh tế - xã hội...

 Tiêm vaccin phòng bệnh viêm gan cho trẻ em.

PV:

Thưa ông, cần phải thực hiện những gì để đảm bảo tính an toàn của vaccin?

PGS.TS. Đỗ Sĩ Hiển: Trước hết phải nói vaccin và các chế phẩm sinh học cũng như bất kỳ một loại dược phẩm nào khi đưa vào cơ thể đều có thể gây ra các phản ứng không mong muốn, có thể gặp cả những phản ứng rất nặng mặc dù với một tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên do quy trình sản xuất nghiêm ngặt và với tiến bộ rất nhanh của công nghệ sản xuất vaccin, nhìn chung vaccin rất an toàn.

Với các liều vaccin tiêm nhắc lại hoặc tiêm bổ sung về cơ bản tính an toàn không khác biệt các liều tiêm trước đó, không những thế các liều tiêm nhắc lại còn loại trừ được các cơ địa mẫn cảm được phát hiện ở các liều gây miễn dịch cơ bản. Để đảm bảo tính an toàn cao trong các liều tiêm nhắc hay tiêm bổ sung cần quan tâm một số điểm sau:

- Chấp hành nghiêm túc các quy định của ngành y tế về sử dụng vaccin và thực hành tiêm chủng, từ khâu bảo quản vận chuyển vaccin tới thực hành tiêm chủng an toàn.

- Thực hiện đúng lịch tiêm chủng nhắc lại theo quy định của ngành y tế và hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccin.

- Không tiêm nhắc lại với các trường hợp đã có các phản ứng nặng trong các lần tiêm trước.

- Với vaccin DPT không nên thực hiện mũi tiêm nhắc lại cho lứa tuổi quá lớn. Chỉ dùng cho trẻ dưới 4 tuổi. Khoảng thời gian giữa mũi tiêm trước đến mũi tiêm nhắc lại có thể dài hơn quy định nhưng không được ngắn hơn.

- Trong tiêm chủng sự phối hợp của cha mẹ trong việc theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm đóng vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn tốt nhất cho trẻ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Hảo(thực hiện)


Ý kiến của bạn