Tiêm chủng chữa dị ứng được tiến hành như thế nào, có phải ai mắc bệnh dị ứng cũng có thể áp dụng phương pháp này?
Trong cuộc sống nhiều người mắc các chứng bệnh dị ứng khác nhau như dị ứng thực phẩm; dị ứng hóa chất có trong các loại sơn, xà phòng, nước gội đầu, son môi; dị ứng do tiếp xúc với các đồ vật như dây chuyền, thắt lưng, bông tai; dị ứng phấn hoa, bụi nhà... Những chứng bệnh này khiến cuộc sống của người mắc trở nên bất tiện, khổ sở, thậm chí có lúc gây nguy hiểm cho người bệnh. Có nhiều cách phòng chống bệnh dị ứng, trong đó tiêm chủng được cho là một tiến bộ của y học giúp người bị dị ứng có thể thoát khỏi chứng bệnh dị ứng của mình.
Dị nguyên thường gặp là phấn hoa, nấm mốc, côn trùng…
Tiêm chủng chữa bệnh dị ứng là gì?
Tiêm chủng trị bệnh dị ứng là một phương pháp sử dụng một lượng nhỏ yếu tố gây dị ứng gọi là dị nguyên tiêm cho bệnh nhân.Lần tiêm đầu tiên chỉ chứa lượng rất nhỏ dị nguyên, những liều tiêm sau đó sẽ tăng dần liều lên đến một mức độ nhất định. Dần dần, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể chống lại các tác động của dị nguyên. Kết quả là bệnh dị ứng của bệnh nhân sẽ giảm hoặc khỏi hẳn.
Trên thực tế, các loại dị nguyên thường gặp là nấm mốc, phấn hoa, bụi bẩn, côn trùng... Tiêm chủng có thể giảm nhẹ triệu chứng dị ứng ở mắt, đường hô hấp...
Những bệnh nhân bị dị ứng đã được điều trị bằng các phương pháp khác nhưng không hiệu quả thì nên dùng phương pháp tiêm chủng để chữa bệnh dị ứng.
Tuy nhiên, trước khi tiêm chủng, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm để xác định dị nguyên. Ở da, bác sĩ sẽ thử bằng việc đưa một lượng rất nhỏ dị nguyên lên da bằng kim tiêm để quan sát xem bệnh nhân có phản ứng với loại dị nguyên nào. Còn đối với máu, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm hấp thụ dị ứng phóng xạ (RAST) hay xét nghiệm ImmunoCap.
Nhìn chung, bệnh nhân từ 5 tuổi trở lên đều có thể sử dụng phương pháp tiêm chủng trị bệnh dị ứng. Ngoại trừ những người bị các bệnh hen nặng, bệnh tim hoặc đang sử dụng thuốc chẹn beta thì không nên dùng phương pháp này. Trường hợp phụ nữ có thai cũng không nên sử dụng. Nếu phụ nữ đang trong liệu trình mà phát hiện có thai thì hãy nói ngay với bác sĩ để được xem xét có thể tiếp tục hay không.
Tiêm chủng phòng tránh được bệnh dị ứng.
Tiêm chủng trị bệnh dị ứng diễn ra như thế nào?
Hầu hết bệnh nhân cần tiêm một hoặc hai lần một tuần trong thời gian đầu. Sau khoảng 6 tháng tiêm hàng tuần, bác sĩ sẽ quyết định thời điểm bệnh nhân có thể chuyển sang giai đoạn điều trị duy trì. Trong giai đoạn này, chỉ tiêm một lần mỗi tháng quanh năm. Thời gian tiêm duy trì từ 3 đến 5 năm. Nếu bệnh dị ứng được cải thiện thì có thể dừng tiêm. Nếu tiêm sau 6 tháng mà bệnh dị ứng không đỡ, bệnh nhân nên dừng tiêm để chọn phương pháp điều trị khác.
Phương pháp tiêm chủng trị bệnh dị ứng nhìn chung là an toàn. Nhưng do sử dụng một lượng nhỏ dị nguyên nên bệnh nhân có thể có phản ứng dị ứng khi tiêm. Ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ theo dõi khoảng 20 - 30 phút sau khi tiêm đề phòng trường hợp bệnh nhân có các phản ứng dị ứng. Nếu bệnh nhân có phản ứng, bác sĩ sẽ xử lý ngay. Thường gặp phản ứng phổ biến là sưng tại chỗ tiêm. Trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ có thể có nhưng rất ít (cũng giống như các trường hợp tiêm thuốc kháng sinh). Khi đó bác sĩ sẽ thực hiện chống sốc kịp thời. Nếu bệnh nhân tiêm theo lộ trình mỗi tuần hoặc mỗi tháng thì nguy cơ sốc phản vệ sẽ ít hơn rất nhiều.
Tiêm chủng để chữa trị bệnh dị ứng là một tiến bộ của y học. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp này. Vì vậy, bệnh nhân dị ứng cần được khám, tư vấn và làm các xét nghiệm cần thiết do bác sĩ chỉ định trước trong và sau khi áp dụng phương pháp này.