Sáng 26/4/2014, tại TP. Thái Bình, Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã tổ chức phát động, hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức. Đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện của Bộ Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; chuyên gia WHO tại Việt Nam và đông đảo sinh viên trên địa bàn TP. Thái Bình đã đến dự lễ phát động.
Khẩu hiệu của Tuần lễ tiêm chủng năm nay là “Tiêm chủng cho một tương lai khỏe mạnh: biết, kiểm tra và bảo vệ” với mục đích tìm cách giải quyết sự thiếu hụt về kiến thức khiến cho mọi người không tiêm chủng, khuyến cáo người dân biết về các loại vắc-xin có sẵn để bảo vệ cơ thể trước các bệnh truyền nhiễm và thúc đẩy tiêm chủng ở mỗi gia đình.
Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ TW và chuyên gia WHO kiểm tra công tác tiêm chủng tại TYT phường Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình.
GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Dự án TCMR Quốc gia cho biết: Công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc nâng cao chất lượng tiêm chủng, duy trì các thành tựu to lớn đã đạt được. Kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu TCMR. Công tác tiêm chủng mở rộng đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp và nỗ lực hơn nữa của đội ngũ cán bộ làm tiêm chủng ở các tuyến để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu TCMR trong giai đoạn tới. Ảnh hưởng của các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan, đúng đắn để không làm ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng, làm giảm tỉ lệ tiêm chủng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em Việt Nam. Mục tiêu loại trừ bệnh sởi đang đến gần, công tác giám sát sởi ở hầu hết các địa phương cần được tăng cường.
Mục tiêu của Dự án TCMR năm này là phấn đấu tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc -xin: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B và Hib cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 85%. Triển khai tiêm vắc-xin sởi mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90% và giảm tỷ lệ bệnh sởi dưới 0,1% bệnh nhân/100.000 người dân; tiến tới giảm tỷ lệ nhiễm virut viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1%. Ngoài những mục tiêu cơ bản, trong năm 2014, Dự án TCMR có một số mục tiêu quan trọng như: Tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella cho tất cả trẻ từ 1 - 14 tuổi trong toàn quốc năm 2014 - 2015; Mở rộng triển khai tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản B cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên toàn quốc (cho đến năm 2013, vắc -xin viêm não Nhật Bản B đã được triển khai tại 580 huyện của 60 tỉnh/thành phố. Trong năm 2014, Dự án TCMR sẽ thực hiện tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản B bao phủ cho đối tượng trẻ em từ 1 - 5 tuổi trên toàn quốc).
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có sự cam kết chính trị mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp và sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị trong Chương tình TCMR; Các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động cho mọi người dân hiểu những lợi ích và rủi ro khi tiêm chủng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, củng cố niềm tin của người dân để tiêm chủng đạt tỷ lệ cao; Ngành y tế cần xây dựng một nền y tế vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, nâng cao tỷ lệ chất lượng tiêm chủng; tăng cường ưu tiên hỗ trợ vùng miền núi, vùng sâu, vùng khó tiếp cận; Mở rộng vắc-xin tiêm chủng cho trẻ em, chủ động đưa vắc-xin mới vào Chương trình TCMR.
Ngay sau lễ phát động, hàng trăm học sinh, sinh viên, cán bộ công tác trong ngành y tế của tỉnh Thái Bình đã diễu hành cổ động tuyên truyền về “Tuần lễ tiêm chủng”. Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân, ngành y tế tỉnh Thái Bình... đã đi kiểm tra, giám sát buổi tiêm chủng tại Trạm y tế phường Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình.
Bài và ảnh: Linh San
Tiêm vắc-xin cứu sống hàng triệu ca tử vong mỗi năm
WHO ngày 23/4 cho biết, các loại vắc-xin tiêm chủng đã giúp ngăn chặn từ 2 - 3 triệu ca tử vong mỗi năm. Ngày nay, trẻ em không chỉ được bảo vệ phòng chống các bệnh đã có vắc-xin từ nhiều năm như bệnh bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi mà còn được tiêm chủng phòng các bệnh như viêm phổi và tiêu chảy do Rotavirus là hai trong số những nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hơn nữa, ngày nay thanh thiếu niên và người lớn có thể được bảo vệ chống lại các bệnh đe dọa tính mạng như cúm, viêm màng não, bệnh ung thư cổ tử cung và ung thư gan nhờ các vắc-xin mới, hiện đại.
Mặc dù thành công nhưng trên thế giới vẫn còn 1 trong 5 trẻ bỏ lỡ cơ hội được tiêm chủng. Năm 2012 ước tính có khoảng 22,6 triệu trẻ em không được tiếp cận với các dịch vụ tiêm chủng. Hơn một nửa trong số các trẻ này sống ở 3 nước: Ấn Độ, Indonesia và Nigeria. Sự thiếu kiến thức về tiêm chủng là một trong những lý do chính tại sao người lớn lại chọn không tiêm chủng cho chính mình hoặc tiêm chủng cho con cái của họ.
Ngoài ra, WHO cũng nhận định số người dân trong mọi lứa tuổi được tiêm phòng chống lại các bệnh “có thể phòng ngừa” ngày càng tăng cao. Và nếu công tác tiêm phòng được mở rộng trên toàn thế giới và thành công, nhân loại sẽ tránh được “những thảm kịch chết chóc” vốn hoàn toàn có thể tránh được.
Các vắc-xin trong Dự án TCMR hiện nay phòng ngừa được 11 bệnh. 10/11 loại bệnh phòng ngừa bằng vắc-xin được sản xuất trong nước (chỉ có vắc-xin Hib hiện nay Việt Nam chưa sản xuất được). Số lượng vắc-xin sử dụng trong TCMR trung bình hàng năm khoảng 45 - 50 triệu liều, kể cả vắc-xin trong nước và vắc-xin nhập khẩu. Số lượng vắc-xin sử dụng mỗi loại tùy thuộc vào lịch tiêm chủng và đối tượng tiêm chủng.