Hà Nội

Tiêm chủng cần phải thực hiện thường xuyên, lâu dài, liên tục

27-04-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại lễ mít-tinh hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng 2015 do Bộ Y tế

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại lễ mít-tinh hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng 2015 do Bộ Y tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng phát động sáng 24/4 tại TP. Bắc Giang.

Sự kiện này tại Việt Nam nằm trong chuỗi các hoạt động truyền thông về tiêm chủng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng vắc-xin; duy trì thành quả của tiêm chủng mở rộng, mở rộng thêm các bệnh được phòng và kiểm soát thông qua vắc-xin… nhằm giúp cho trẻ em Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại điểm tiêm chủng ở Trạm Y tế Song Mai, TP. Bắc Giang.

Những mục tiêu chính của Tuần lễ tiêm chủng gồm tăng cường công tác tiêm chủng thường xuyên, đáp ứng các mục tiêu về độ bao phủ tiêm chủng; Giới thiệu những vắc-xin mới và những vắc-xin đã được cải tiến; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển những thế hệ vắc-xin tiếp theo và công nghệ sản xuất.

Phát động Tuần lễ tiêm chủng năm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Nếu việc tiêm vắc-xin không được duy trì, trẻ em không được tiêm đầy đủ và đúng lịch thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Trên thực thế, dịch bệnh đã trở lại tại 1 số nước trên thế giới, kể cả Mỹ, Australia, Canada… do nhiều người dân không cho trẻ em đi tiêm chủng... Vắc-xin đã cứu sinh mạng của hàng triệu người khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như đậu mùa, lao, bại liệt... Hiện nay, đã có hơn 30 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vắc-xin. Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã xếp tiêm chủng mở rộng đứng thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ 20”.

Qua 30 năm thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng, hàng triệu liều vắc-xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng các bệnh truyền nhiễm, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, giảm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Nhờ tiêm chủng mở rộng, nước ta đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005; tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi đã giảm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần. Trong năm 2014, đã có khoảng 50 triệu mũi tiêm, lượt uống vắc-xin được thực hiện an toàn trong tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch tại hơn 11.100 xã, phường trên toàn quốc.

Nước ta đang nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi bằng việc triển khai Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella cho gần 20 triệu trẻ em trong thời gian qua, đồng thời sắp đưa vắc-xin này vào tiêm chủng mở rộng, miễn phí. Bên cạnh đó, nhờ có sản xuất trong nước, Việt Nam đã chủ động nguồn cung ứng 10 trong số 12 vắc-xin sử dụng trong chương trình TCMR. Với lợi thế ưu việt này so với các nước trong khu vực, trẻ em Việt Nam đã được hưởng quyền lợi tiêm chủng miễn phí phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong những ngày cuối tháng 4 này, ngành y tế Việt Nam tiếp tục đón nhận tin vui Cơ quan kiểm định Quốc gia (NRA) đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Đây là cơ sở góp phần khẳng định chất lượng vắc-xin sản xuất trong nước và mở ra cánh cửa cho xuất khẩu vắc-xin ra thế giới. Ông Youssouf Abdel Jelil - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đã đánh giá: “Năng lực sản xuất vắc-xin trong nước của Việt Nam đã được nâng lên với sự giám sát chặt chẽ và hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin đã đạt tiêu chuẩn quốc tế”.

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao lợi ích của tiêm chủng trong phòng bệnh và khẳng định việc phát động Tuần lễ tiêm chủng có ý nghĩa hết sức quan trọng: “Tiêm chủng vắc-xin đã được cả thế giới khẳng định là giải pháp khoa học, hữu hiệu để phòng bệnh. Nhờ có tiêm chủng mà thế giới, trong đó có Việt Nam, hạn chế, loại bỏ được nhiều căn bệnh gây chết hàng triệu người trong lịch sử. Tiêm chủng phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài, liên tục”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi cán bộ Trạm Y tế xã Song Mai, TP. Bắc Giang.

Phó Thủ tướng cũng nhận định: Chúng ta tự hào vì tỉ lệ trẻ em trong tuổi tiêm chủng được tiêm chủng rất cao, thậm chí cao hơn một số nước phát triển trên thế giới. Nhưng chúng ta chưa hài lòng vì chưa phải 100% trẻ đang ở độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Nếu vì chủ quan, nghi ngờ hay vì lý do gì mà ngừng tiêm chủng thì dịch bệnh sẽ tái phát trở lại. Thực tế đó đã xảy ra ngay ở các nước phát triển nhất trên thế giới. Vì thế, Chính phủ Việt Nam ủng hộ, hưởng ứng sáng kiến, nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và toàn ngành y tế với công tác tiêm chủng.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, mọi người hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khỏe của chính con em mình và cộng đồng: “Tôi kêu gọi tất cả mọi người dân hãy nhận thức tầm quan trọng, tính bắt buộc, lợi ích của việc tiêm chủng cho con em mình vì chính mình và vì cộng đồng. Đề nghị các cấp chính quyền, đoàn thể cùng chỉ đạo, phối hợp với ngành y tế từ khâu tuyên truyền vận động đến tất cả khâu tổ chức để thực hiện tốt TCMR trong toàn quốc”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị các cấp chính quyền, đoàn thể phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về việc tiêm vắc-xin phòng bệnh; tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tiêm chủng; yêu cầu ngành y tế đổi mới mạnh mẽ công tác tiêm chủng để đáp ứng với tình hình hiện nay và hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất vắc-xin trong nước, đảm bảo an toàn, hiệu quả, chất lượng cao, tiến tới xuất khẩu vắc-xin.

Sau buổi lễ mít-tinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới thăm và thị sát buổi tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Song Mai, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Bài và ảnh: Mai Linh

 

 


Ý kiến của bạn