Tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ thú cưng

17-09-2020 11:05 | Y học 360
google news

SKĐS - Những chú thú cưng như chó, mèo thường được nuôi để làm cảnh. Chúng được con người nuôi, tiếp xúc hàng ngày. Ngoài mang lại niềm vui, chúng còn tiềm ẩn một số mầm bệnh có thể lây nhiễm sang người, đặc biệt là trẻ nhỏ nếu không được chăm sóc đúng cách.

Theo TS.BS Võ Hồng Minh Công, con người sống chung với chó, mèo thường có nguy cơ lây nhiễm giun sán từ thú cưng sang người đó là giun đũa chó, mèo (Toxocara canis hay Toxocara cati) cho cả người lớn và trẻ em. Những gia đình không nuôi chó, mèo nhưng sinh sống trong vùng có nhiều gia đình nuôi chó, mèo cũng dễ lây nhiễm giun theo quy trình lây nhiễm từ chó, mèo sang người.

 thú cưngTS.BS Võ Hồng Minh Công - Trưởng khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân Gia Định

Trẻ sẽ gặp nguy nếu nhiễm Toxocara

Toxocaralà một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo. Các giun này sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần lễ các trứng này sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát, đây là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo.

Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, tại ruột non các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột vào máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương gây tổn thương. Tại đây, các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người trong nhiều tháng, sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt khiến các ấu trùng di chuyển hoặc khiến chúng ngưng phát triển, nhưng các ấu trùng này đã gây tổn thương tại các mô.

BS Công khuyến cáo: Người dân có thể phòng ngừa bệnh giun đũa chó mèo cho thú cưng bằng nhiều biện pháp. Cụ thể, đưa thú cưng đi khám định kỳ tại các phòng khám thú y để được sổ giun định kỳ.Người nuôi có thể kiểm tra phân của những chó con hàng tuần và tẩy giun mỗi tháng cho đến khi phân trở nên âm tính. Hàng tuần, nên dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm. Có thể tập thú cưng đi vệ sinh tại một nơi cố định, chủ thú cưng phải vệ sinh ngay phân thú cưng cho phân vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.

Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân. Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe của chính mình và các thành viên trong gia đình, chủ thú cưng và những người có tiếp xúc với thú cưng nên tuân thủ việc rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, phân chó mèo và rửa tay trước khi ăn; không để chó chạy trong công viên, khu vườn chơi của trẻ con.

Tăng nặng hen suyễn do bọ chét chó

Bên cạnh nguy cơ lây nhiễm giun từ chó, mèo, thì bọ chét từ chó (hay còn gọi chấy, rận, ve chó) cũng có khả năng gây hại đến sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Theo đó, dù chó được vệ sinh sạch sẽ nhưng không thể tiêu diệt được hết bọ chét. Chúng thường trú ẩn ở vùng lông và chân của chó, có thể rơi xuống nền nhà sau đó bám vào các khe, góc nhà hoặc bám lên các mảng tường trong nhà. Ở điều kiện thuận lợi, bọ chét sẽ bám vào da của người trực tiếp chăm sóc chó hoặc người có tiếp xúc với chó. Trong thành phần nước bọt của loài bọ chét có độc chất có khả năng gây ngứa, có thể gây bệnh lý về da. Đối với bệnh lý về da hầu hết tình trạng đều không nghiêm trọng vì khá dễ để nhận biết và làm sạch

Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ có bệnh lý suyễn, những bọ chét có kích thước nhỏ nên dễ đi vào đường hô hấp. Khi “tấn công” vào đường hô hấp của trẻ, bọ chét có thể khiến bệnh lý này trở nên nặng hơn, khó điều trị. Nguyên nhân là sau quá trình điều trị, bệnh vẫn có thể tái phát nếu bọ chét vẫn tồn tại trong môi trường sống của trẻ. Nếu không điều trị từ căn cơ (làm sạch môi trường sống của trẻ) bệnh vẫn có thể tái phát nhiều lần. Trẻ càng lớn lên tình trạng bệnh càng khó điều trị, ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ.

Do đó, đối với những gia đình có trẻ nhỏ, đặc biệt là các trẻ có tình trạng hen suyễn, cha mẹ nên hạn chế nuôi chó trong nhà. Nếu nuôi, trong quá trình săn sóc cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ cho chó. Đặc biệt nên chú ý kỹ ở vùng lông, da, vành tai của chó, nếu có bọ chét nên đưa chó đến cơ sở thú y để được bác sĩ thú y tư vấn cách điều trị và chăm sóc.

thú cưngTrẻ tiếp xúc với thú cưng có thể gặp nhiều nguy hại, nếu thú cưng không được chăm sóc đúng cách

Lông, móng, răng của chó, mèo cũng có thể gây hại

Mỗi năm, chó, mèo đều có những mùa thay lông. Ở chó, thông thường thời kỳ thay lông của chó sẽ diễn ra rõ ràng hơn ở những chó cái và những giống chó có nhiều lông. Khi ở độ tuổi 6-8 tháng, chó sẽ bắt đầu thay lông, và sau đó cách khoảng 2-3 tháng chó sẽ tiếp tục thay mới lông một lần.

Đối với loài mèo, do có khả năng tự điều hoà nhiệt độ cơ thể để thích nghi với môi trường bằng việc thay đổi độ dày của bộ lông (rụng bớt, hoặc mọc nhiều lên). Việc thay lông của mèo thường diễn ra vào khoảng thời gian giao mùa giữa mùa đông và mùa hè (2 mùa có nhiệt độ chênh lệch cao nhất năm).

Với tình trạng rụng lông của thú cưng như trên, dù vệ sinh thường xuyên nhưng lông chó, mèo vẫn có thể sót lại ở các vật dụng: mền, gối, ga giường, nệm, nền nhà hoặc bay lửng lơ trong môi trường sống… Đối với người có cơ địa dị ứng với lông chó, mèo thì đây là tai hại lớn, khiến tình trạng dị ứng bị tái phát, tùy theo cơ địa sẽ dẫn đến tình trạng dị ứng nhẹ đến nặng. Với những người lớn hoặc trẻ nhỏ có tình trạng hen suyễn, khi hít phải lông chó, mèo cũng sẽ gây tái phát cơn hen suyễn.

Không những ảnh hưởng về sức khỏe, lông chó, mèo cũng có thể tác động về mặt dinh dưỡng, khiến trẻ kém phát triển, không đủ khả năng chống chọi các bệnh lý khác.

Ngoài ra, không hiếm gặp các trường hợp trẻ nhỏ bị chó mèo cào xước, hoặc cắn gây thương tích. Ở móng, răng của chó, mèo là nơi thường tích tụ nhiều vi khuẩn, virus, đặc biệt là virus gây bệnh dại, uốn ván. BS. Võ Hồng Minh Công đưa ra lời khuyên: Đối với trẻ bị chó nhà nuôi cào, cắn (chó đã được chích vắc xin), phụ huynh nên nhanh chóng rửa vết thương cho con dưới vòi nước chảy, sau đó đưa con đi chích ngừa uốn ván. Đối với trẻ bị chó thả rong “tấn công”, do không theo dõi được tình trạng của chó nên phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến trung tâm y tế hoặc Viện Pasteur để chích ngừa vắc xin phòng bệnh dại.

Theo BS. Võ Hồng Minh Công, để thỏa mãn với đam mê nuôi thú cưng mà vẫn đảm bảo sức khỏe, việc đầu tiên người dân cần làm là tiêm chủng vacxin dại và khám định kỳ để sổ giun cho thú cưng. Tiêm vacxin là cách tốt nhất giúp thú cưng phòng chống được bệnh nguy hiểm, bệnh truyền nhiễm, vừa đảm bảo tính mạng cho thú cưng vừa bảo đảm sức khỏe cho người nuôi. Đối với những gia đình ở chung cư, việc nuôi thú cưng phải tuân thủ theo quy định của Luật chăn nuôi và nội quy của chung cư.


THU THƯƠNG (thực hiện)
Ý kiến của bạn