Tiệc thơ sẽ có những gì?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Ngày Thơ Việt Nam 2019 là sự kiện văn học ba trong một, bao gồm: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII.
Ngày Thơ Việt Nam thay vì ngày 15 tháng Giêng như mọi năm, sẽ khai mạc vào ngày 13 tháng Giêng (sáng 17/2). Buổi sáng khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội với chủ đề Sông núi trên vai hướng về biên cương, hải đảo của Tổ quốc, kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới (17/2/1979-17/2/2019). Đáp lại lo ngại của một số người liệu rằng chủ đề đó có khiến Ngày Thơ trở nên nặng nề - nhà thơ Trần Đăng Khoa giải thích: Đó không là sự bó hẹp nội dung đề tài chiến tranh bảo vệ biên giới, mà nên hiểu theo nghĩa rộng, tình yêu đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong thơ ca.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - đại diện Ban tổ chức cho biết, trong Ngày Thơ, toàn bộ pano quanh Văn Miếu là ảnh chân dung các nhà thơ, các tác phẩm hay về chiến tranh biên giới. Những bài thơ về chiến tranh bảo vệ biên giới sẽ vang lên tại đây. Thư mùa đông, Viết từ đảo nhỏ (nhà thơ Hữu Thỉnh); Đỉnh núi (nhà thơ Trần Đăng Khoa), thơ của các nhà thơ Anh Ngọc, Y Phương, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến...
Bên cạnh Ngày Thơ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chương trình năm nay có nhiều hoạt động giao lưu, khám phá văn hóa tại các trường đại học, một số địa phương như Bắc Giang, Quảng Ninh.
Nhà thơ Columbia Fernando Rendón.
Sẽ có gần 200 đại biểu quốc tế tham dự vào tiệc thơ - đúng hơn bữa tiệc lớn dành cho mọi hoạt động nghệ thuật liên quan đến con chữ. Bạn bè quốc tế đến với chúng ta gồm các nhà thơ, nhà văn, dịch giả, các nhà nghiên cứu, đại diện các nhà xuất bản, những người làm công tác quản lý...
Không để phí một cơ hội quảng bá văn học Việt Nam
Để chuẩn bị cho chương trình quảng bá văn học, Ban tổ chức tiến hành biên soạn 3 ấn phẩm: 10 thế kỷ văn học Việt Nam (tác giả Phong Lê), tuyển thơ Việt Nam Sông núi trên vai (gồm 44 tác giả) và tuyển tập truyện ngắn hiện đại Một loài chim trên sóng (22 tác giả). Các ấn phẩm trên đều được in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh làm tài liệu chính thức để các đại biểu nghiên cứu tiếp cận, tìm hiểu và quảng bá văn học Việt Nam đến với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Việc dịch sách Việt Nam ra nước ngoài còn hạn chế, nên nhiều bạn bè thế giới chưa hiểu văn chương Việt Nam. Việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới là việc cần thiết. Vì thế hội nghị quảng bá lần này được Ban tổ chức chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.
Giao lưu văn hóa không cần phải hô to và trưng biển hiệu. Để hiểu và xuyên thấm vào nhau, các nhà văn nhà thơ giữa các nước phải nâng niu, kết nối lại từ việc nhỏ để có thể cùng nhau đón nhận những chùm hoa quả ngọt từ sự cần mẫn gieo hạt văn hóa trước đó.
Những gương mặt nhà thơ quốc tế tiêu biểu sẽ đến với chúng ta
Nhà thơ, GS.TS. Bruce Weigl sinh năm 1949, người được xem là đại sứ văn học giữa hai nước Việt - Mỹ. Ông đã có tới 20 chuyến đi tới Việt Nam. Là một nhà thơ Mỹ mang tâm hồn Việt, Bruce Weigl sắp tới sẽ là hội viên danh dự của Hội Nhà văn Việt Nam.
Bruce Weigl là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc nhất của Mỹ, từng nhận được nhiều giải thưởng văn chương uy tín trên thế giới. Ông luôn hạnh phúc và vinh dự vì điều đó, nhưng vẫn đôi chút ngậm ngùi xen lẫn nuối tiếc, khi giải thưởng Pulitzer danh giá mà ông nhiều năm vào chung kết nhưng luôn bị hụt, đơn giản vì ông cần... tiền của giải thưởng. Số tiền đó ông dành tặng cho những trẻ em nghèo ở Việt Nam. Từ nhiều năm nay, nhà thơ Bruce Weigl đã để dành tiền từ công việc giảng dạy, hội thảo, thuyết trình trong trường đại học... để đóng góp vào quỹ học bổng dành cho trẻ em nghèo ở một trường tiểu học tại tỉnh Hòa Bình.
Nhà thơ Fernando Rendón sinh năm 1951 tại Medellin - thành phố lớn thứ hai của Colombia. Ông là một nhà thơ, nhà tiểu luận, nhà biên tập và nhà báo, là trợ lý của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Colombia. Đặc biệt, ông là người sáng lập và làm Giám đốc Liên hoan thơ Quốc tế Medellin vào năm 1991, được tổ chức thường niên từ đó đến nay là 17 lần. Liên hoan thơ này đã nhận được nhiều giải thưởng ở Thụy Điển.
Fernando Rendón từng dịch thơ Hồ Chí Minh sang tiếng Tây Ban Nha, xuất bản tại Colombia và hiện nay đang tiếp tục giới thiệu với bạn đọc châu Mỹ - Latinh nhiều tác giả nổi tiếng khác của văn học Việt Nam. Từ lâu, Hội Nhà văn Việt Nam đã coi Fernando Rendón như người nhà. Tập thơ Tương lai được viết trên đá cổ do dịch giả Phạm Long Quận thực hiện, tuyển chọn từ 5 tập thơ nổi tiếng đã xuất bản của Fernando Rendón, do NXB Hội Nhà văn (VN) ấn hành tháng 9/2018 là món quà thể hiện tình cảm của các nhà văn Việt Nam đối với Fernando Rendón.
Thơ ca của Fernando Rendón kêu gọi một bầu trời mới, một hào quang mới, một sinh khí mới và sự khẳng định rằng: “Thi ca là cuộc đối thoại tinh tế để kết liễu cái chết, kết liễu chiến tranh...”.
Mùa xuân lặng lẽ chuẩn bị với ngàn hoa
cho cuộc tổng phản công mãnh liệt của gieo trồng
Những người nông dân nghiêng mình trên những cánh đồng
Để cấy những cây lúa như đang vuốt ve Đất Mẹ
Những âm hưởng cuộc sống vang lên
trường tồn,
liên tục
nảy mầm bất tận
làm lay động những tâm hồn.
Nhưng đó là vì: “Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi”.
(Việt Nam)
Nhà thơ Bengt Berg (Thụy Điển), Giám đốc Nhà Xuất bản Heidruns Forlag và là chủ một quán cà phê nghệ thuật. Thơ của ông đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ.
... nghĩ về tình yêu trong thoáng chốc,
biết rằng con đường kết thúc
ngay nơi nó bắt đầu
Đứng yên đợt cơn mưa,
kiếm tìm vòng tròn trên cỏ
nơi ta từng đứng
khum tay trên chỗ đó
(như để chở che)
(Sẵn sàng cho ngày mới)
Nhà thơ Châu Sắt Sắt (Trung Quốc)
Trở về từ nhà quê
Mắt kính con đọng muối
Muối ấy nước mắt mẹ
Chỉ khi sống một mình
Người mới biết khóc to
Một mình nằm mơ
Mới có thể trần truồng
Biến thành trẻ con
Mới có thể tự do
Mới thực sự thuộc về mẹ mình
Được ngồi trên chiếc ghế mẹ vẫn ngồi
Bữa ăn ngày Tết
Được ăn thay mẹ
Vết muối ở trên mắt kính con
Là nước mắt mẹ
Khóc thế giới bi thương này
Một người chết đi rồi
Vẫn thầm khóc trong đêm
(Vệt muối trên mắt kính)
Nhà thơ Choi Dong-ho, giáo sư danh dự của Trường Korea và giáo sư tại Trường Kyungnam. Ông từng giành được giải thưởng văn học Park Doo-jin, Giải thưởng Văn học Daesan và Giải thưởng Văn học nghệ thuật Manhae. Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội Nhà thơ Hàn Quốc (2016-2018), là thành viên của Hiệp hội Nhà thơ Hàn Quốc, hiện là Chủ tịch Quỹ pháp nhân hội yêu thơ, là thành viên trong Ban quản lý của Giải thưởng Văn học Quốc tế ChangwonKC.
Khi rút kiếm ra từ trong vỏ, đó không phải là kiếm, mà là dao. Kiếm phải giữ vỏ mình, đó là danh kiếm của thiên hạ. Khi đặt lưỡi dao sắt và sử dụng nó để hướng về phía thế giới, tâm trí của kiếm sẽ trở nên gỉ sắt và không gì khác hơn là một mảnh kim loại đẫm máu đen.
Kiếm không tồn tại để giết người. Nó tồn tại để ngăn chặn sự sát sinh và làm dịu sự hỗn loạn của thế giới, và khi đặt lưỡi dao, bạn sẽ bị thương bởi sự sắc bén.
Chỉ kiếm đang giữ vỏ mình có thể làm tấm lòng của con người di chuyển và thế giới di chuyển và thái sơn kêu khóc. Người nào biết lý trí ấy không cần rút ra nó và vẫn sử dụng được kiếm. Người đó không cần kiếm.
(Danh kiếm, lời của sư phụ lão nhân tại núi Seol-ak)
Những đoạn thơ trích trong bài là bản dịch chắc chắn chưa phải là cuối cùng và hay nhất, chỉ để phục vụ việc đọc - hiểu nhau trong một ngày hội chữ nghĩa lớn sắp đến. Tin rằng, sau sự kiện văn hóa lớn này, sẽ có thêm nhiều sự hợp tác cụ thể và sâu sắc hơn trên hành trình thấu hiểu lẫn nhau giữa Đông và Tây.