Tiếc cho một dòng tranh

18-03-2016 07:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Kim Hoàng là tên gọi của một dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội.

Kim Hoàng là tên gọi của một dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Từng một thời nức tiếng xa gần cùng với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống ( Hà Nội)…, bây giờ, cái tên Kim Hoàng đã trở nên xa lạ. Thậm chí, tranh đỏ làng Kim Hoàng chỉ còn được biết đến như một thời vang bóng, dấu tích cũng không còn.

Có thể nói, sau sự hợp nhất hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng thành Kim Hoàng vào ngày 3/2 năm Chính Hoà thứ 22 (1701), tranh Kim Hoàng cũng được khai sinh từ đó.

Từng có một thời hoàng kim, song giờ đây, làng Kim Hoàng không còn giữ được một bản khắc, một bức tranh nào nữa.

Kim Hoàng cũng đủ loại tranh thờ cúng, chúc tụng nhưng lại kết hợp được nhiều ưu điểm của tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ. Tranh Kim Hoàng dùng mực Tàu và các màu có nguồn gốc tự nhiên. Màu trắng tạo từ thạch cao ngâm vào nước cho mềm, đánh cho nhuyễn. Phấn, chàm, xanh chàm từ mực Tàu hoà với nước chàm. Màu đỏ lấy từ son, màu đen từ tro, rơm rạ, màu xanh từ gỉ đồng, màu vàng từ hoa dành dành… Để tranh bền màu, người Kim Hoàng còn ninh cả da trâu bò trộn thêm vào để màu được dính, bền hơn. Để mỗi tranh có một diện mạo riêng, việc in tranh Kim Hoàng đòi hỏi sự chính xác với kỹ thuật cao của những người lâu năm trong nghề. Ngay ở công đoạn tô màu cũng hết sức tinh tế, phải tô bằng tay và dùng bút mềm quệt phấn nước để tạo sự chuyển sắc đậm nhạt, gợi sự uyển chuyển.

Giấy in tranh Kim Hoàng cũng rất đặc biệt, nghệ nhân không dùng giấy điệp như tranh Đông Hồ, cũng không dùng giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên giấy màu đỏ, giấy hồng điều. Khác với Đông Hồ, Hàng Trống, tranh Kim Hoàng không chỉ thực hiện in nét bằng ván, mà còn tô màu, chấm phá màu sắc cho nổi bật, tạo ra những mảng khối màu sắc phong phú, phóng khoáng thể hiện sự mong ước của người dân về một cuộc sống tươi vui, no đủ.

Đặc biệt, mỗi bức tranh Kim Hoàng đều khắc một bài thơ bình về chính bức tranh đó. Những câu thơ chữ Hán đầy triết lý về cuộc sống con người ẩn dụ qua cảnh quan, con vật được viết trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình ảnh đã tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ cho tranh. Thơ làm ý nghĩa của hình ảnh thêm sâu sắc và hình ảnh lại minh họa cho thơ. Đây là điều riêng biệt của tranh Kim Hoàng so với các dòng tranh khác.

Thế nhưng hiện nay, ngôi làng Kim Hoàng vẫn tồn tại, vẫn sống như bao làng quê khác, họ làm đủ nghề, nhưng không một ai vẽ và in tranh dân gian của làng nữa.

Một số ý kiến cho rằng, tranh Kim Hoàng bắt đầu thất truyền khi nhiều nhánh nghệ thuật mới lạ du nhập đến Việt Nam. Cũng có thể dân làng mải làm ăn nên chẳng ai để ý đến sự mai một nhanh chóng của tranh Kim Hoàng. Nếu được hỏi, người dân Kim Hoàng bây giờ ai cũng biết làng mình xưa có nghề làm tranh đỏ độc đáo, nhưng lại chẳng có ai may mắn được tận mắt ngắm nhìn một dụng cụ làm tranh hay một bức tranh hiếm hoi còn lại. Sự mất mát này có lẽ sẽ để lại nhiều trăn trở đối với những ai yêu mến và ngưỡng mộ dòng tranh dân gian Việt Nam.

Nhưng như bao làng nghề khác, làng Kim Hoàng nay trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước. Làng tranh Kim Hoàng vẫn duy trì nghề tranh thủ công truyền thống cho đến tận ngày nay bởi tình yêu nghề của các nghệ nhân nơi đây.


Vũ Quang
Ý kiến của bạn