Những phát hiện đầu tiên này từ nghiên cứu A4 (Điều trị chống Amyloid trong bệnh Alzheimer không triệu chứng) do Viện Lão hóa Quốc gia Hoa Kỳ (NIA) tài trợ đã được công bố gần đây trên tạp chí JAMA Neurology. Nghiên cứu diễn ra vào năm 2014 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) amyloid để sàng lọc gần 4.500 người lớn tuổi cho nghiên cứu và xác định hơn 1.300 người có mức amyloid cao trong não, nhưng không có triệu chứng Alzheimer. Sau đó điều tra xem liệu thuốc solanezumab có thể làm chậm sự suy giảm nhận thức liên quan đến amyloids tăng cao hay không nếu bắt đầu dùng thuốc trước khi các triệu chứng Alzheimer xuất hiện.
Amyloid là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer, là mục tiêu của các phương pháp điều trị thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến những người đã có triệu chứng của bệnh. Nhưng phát hiện này cho thấy rằng, việc can thiệp nhắm mục tiêu amyloid khi có triệu chứng bệnh đã trở nên quá muộn vào quá trình điều trị bệnh, để có hiệu quả.
A4 là nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực này vì nhắm mục tiêu tích lũy amyloid ở người lớn tuổi có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, trước khi xuất hiện các triệu chứng. Nó có thể giúp cải thiện sàng lọc và phát triển các thử nghiệm để ngăn ngừa bệnh Alzheimer một cách hiệu quả ở những người không có triệu chứng.
Việc phòng ngừa có thể tiến hành ở những người có nguy cơ cao - những người có dấu ấn sinh học cho bệnh Alzheimer nhưng vẫn bình thường về mặt nhận thức.
Theo các nhà khoa học, không có phương pháp điều trị cho tất cả mọi người mà cần phối hợp các phương pháp điều trị khác nhau, thậm chí kết hợp các liệu pháp cho các cá nhân khác nhau dựa trên các yếu tố rủi ro của từng người bệnh cụ thể.