Tích hợp dịch vụ tránh thai và ngừa HIV, giảm nhiễm mới HIV ở phụ nữ

07-07-2020 08:52 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNAIDS đã dưa ra các bước cần thiết để cải thiện và tích hợp các dịch vụ phòng HIV/AIDS và tránh thai để giảm nhiễm mới HIV ở phụ nữ.

Điều phối viên của Liên minh phòng chống HIV toàn cầu Paula Munderi cho biết: Chúng ta cần xem xét các nhu cầu đa dạng của phụ nữ, bao gồm cả trẻ em gái vị thành niên, phụ nữ có trình độ học vấn thấp và nằm trong nhóm nguy cơ cao, những người thường bị lãng quên trong các chương trình tránh thai và các chương trình về sức khỏe sinh sản và tình dục rộng hơn. Cách tiếp cận mới này cũng có nghĩa là họ có nhiều lựa chọn tránh thai hơn, có thêm lựa chọn phòng ngừa HIV bổ sung và các hoạt động cộng đồng bổ sung ở ngoài các cơ sở y tế.

Báo cáo cũng cho thấy phụ nữ nên là người ra quyết định. Nyasha Sithole, một nhà hoạt động về quyền phụ nữ ở Zimbabwe cho biết: Các lựa chọn tránh thai và phòng tránh HIV cho phụ nữ và trẻ em gái vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Chúng tôi cần đảm bảo rằng họ có quyền lựa chọn thông qua việc cung cấp một loạt các công cụ phòng chống HIV, từ PrEP và thuốc diệt vi khuẩn đến bao cao su thân thiện với người dùng.

Ở những nơi có mức độ rủi ro HIV khác nhau sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Ví dụ, nơi có tỷ lệ nhiễm HIV và nhiễm trùng lây qua đường tình dục cao, các lựa chọn phòng ngừa HIV, bao gồm cả bao cao su nam và nữ, và các hoạt động tư vấn phòng ngừa cần phải là yếu tố thiết yếu và liên tục được đẩy mạnh của các dịch vụ tránh thai. Ở những nơi có tỷ lệ nhiễm HIV rất cao ở miền nam châu Phi, nên xem xét nhanh chóng việc điều trị dự phòng phơi nhiễm trước (PrEP) trong các dịch vụ tránh thai.

Năm 2019, nghiên cứu các bằng chứng về lựa chọn biện pháp tránh thai và nhiễm HIV (thử nghiệm ECHO) đã cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV rất cao ở phụ nữ các vùng phía nam châu Phi. Tỷ lệ nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao được quan sát thấy ở những phụ nữ tiếp cận các dịch vụ tránh thai thông thường.

Mặc dù những người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus và sự ức chế virus không thể truyền HIV cho bạn tình, hàng triệu phụ nữ tiếp cận biện pháp tránh thai vẫn tiếp tục quan hệ tình dục không an toàn với những người đàn ông không biết tình trạng HIV của họ. Tỷ lệ nhiễm HIV cao ở phụ nữ trẻ cũng là kết quả của việc nam giới không được tiếp cận với các biện pháp điều trị. Báo cáo đề xuất các bước cụ thể để củng cố các dịch vụ phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị cho bạn tình, bao gồm các bộ test tự xét nghiệm HIV cho nam giới kết hợp với tiếp cận cộng đồng và các biện pháp đẩy mạnh bình đẳng giới.

Ông Rachel Baggaley, Trưởng phòng Xét nghiệm, Phòng ngừa và Dân số của các chương trình HIV toàn cầu, Viêm gan và STI tại WHO cho biết: Quyền lợi về sức khỏe tình dục và sinh sản cũng như việc tích hợp chương trình phòng chống HIV đã được đẩy mạnh trong hơn một thập kỷ qua, nhưng tiến độ vẫn còn hạn chế. Việc hỗ trợ phụ nữ nhiễm HIV tiếp cận biện pháp tránh thai tại các phòng khám điều trị HIV và cung cấp dịch vụ HIV trong các dịch vụ tránh thai là ưu tiên quan trọng, cần một nguồn kinh phí ổn định để có được những hành động cụ thể.

“Việc tích hợp hiệu quả đòi hỏi chúng ta phải phòng ngừa trên nhiều phương diện, bao gồm việc huy động các dịch vụ về sức khỏe sinh sản và tình dục cũng như HIV, và tận dụng các công nghệ phòng ngừa đa chức năng. Việc chăm sóc sức khỏe không đầy đủ cho phụ nữ, thiếu công cụ phòng ngừa, và không lắng nghe ý kiến của phụ nữ là một trong những rào cản lâu dài đối với công cuộc chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Dịch COVID-19 càng làm trầm trọng thêm những khó khăn này”. Ông Warren Warren, Giám đốc điều hành AVAC cho biết.

Do giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19, việc tối ưu hóa các tương tác giữa nhân viên y tế và bệnh nhân qua các dịch vụ tích hợp là điều rất quan trọng. Phòng ngừa HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nên trở thành tiêu chuẩn chăm sóc cơ bản cho phụ nữ có nguy cơ mắc HIV cao. James Kiarie, Trưởng phòng Tránh thai và Chăm sóc Sinh sản, Khoa Sức khỏe Sinh sản của WHO nhấn mạnh.


Hà Phương
Ý kiến của bạn