Hiện nay, tỉ lệ nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn còn cao. Tính đến quý 2 năm 2016, tổng số doanh nghiệp nợ BHXH đã lên tới 102.900 đơn vị, tương ứng với số lao động bị ảnh hưởng quyền lợi là 2,660 triệu người. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp và đời sống của người lao động. Muốn giảm được tỉ lệ nợ, bên cạnh sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, đòi hỏi sự nỗ lực của chính cơ quan BHXH.
Tại Thanh Hóa: Nợ đọng vẫn diễn biến phức tạp
Theo BHXH tỉnh Thanh Hoá, thời gian qua, mặc dù BHXH tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, thậm chí công khai danh tính, khởi kiện các doanh nghiệp (DN) nợ, nhưng nợ đọng vẫn diễn biến phức tạp... Tính đến ngày 31/7, trong tổng số 7.687 đơn vị tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh có tới 3.986 đơn vị nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền 336,8 tỉ đồng. Trong đó có 340 đơn vị hành chính sự nghiệp (nợ 13,4 tỉ đồng); 3.646 DN (nợ 220,6 tỉ đồng). Đáng chú ý, có khoảng 162 DN nợ khó thu do đã dừng hoạt động, giải thể, phá sản với số tiền hơn 16 tỉ đồng... Tình trạng trên đã khiến nhiều người lao động (NLĐ) không được thụ hưởng quyền lợi chế độ kịp thời, tạo ra những diễn biến phức tạp trong quan hệ lao động khiến dư luận bức xúc.
Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các cấp, các ngành phải tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết liệt giảm nhanh nợ đọng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các đơn vị, địa phương; rà soát toàn bộ số đơn vị nợ đọng để có giải pháp can thiệp, tháo gỡ phù hợp.
Tại Hà Nội: Phối hợp liên ngành để kiểm tra, xử phạt nợ đọng BHXH, BHYT
Thời gian qua, tình trạng chậm đóng, nợ đóng, không tham gia hoặc tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo kiểu đối phó ngày càng nhiều, trong đó tập trung chủ yếu vào khối DN ngoài quốc doanh gây bức xúc cho xã hội. Đến nay, tổng số tiền các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn thành phố còn nợ là khoảng 1.924,9 tỉ đồng, trong đó nợ BHXH chiếm trên 1.609 tỉ đồng.
Thời gian qua, BHXH TP. Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giải quyết tình trạng nợ BHXH như hàng tháng công khai tình hình nợ của DN trên các phương tiện thông tin đại chúng; gửi thông báo nợ đến các DN; phối hợp với một số ngân hàng trích thu từ tài khoản tiền gửi của DN; phối hợp liên ngành kiểm tra, xử phạt; chủ động nắm bắt thông tin về lao động, việc làm, tiền lương của các DN làm cơ sở thực thi pháp luật về BHXH; yêu cầu những DN thực sự khó khăn phải có phương án, lộ trình truy nộp cụ thể...
Nam Định: Công khai các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT trên phương tiện truyền thông
Ông Nguyễn Lương Ba - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nam Định cho biết, hiện nay, công tác thu, nhất là thu nợ BHXH, BHYT ở Nam Định đang đặt ra nhiều thách thức. Do đó, BHXH tỉnh đang thực hiện quyết liệt các giải pháp đốc thu, trong đó có việc chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH. Cụ thể, từ nay đến hết năm 2016, BHXH tỉnh sẽ giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng cán bộ chuyên quản, trong đó đề cao trách nhiệm của từng người trong việc bám sát các đơn vị sử dụng lao động, nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của đơn vị để tìm ra phương án thu hồi nợ hợp lý. Đặc biệt, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý những DN nợ lớn, kéo dài; kiên quyết không giải quyết chế độ với những trường hợp tái diễn hoặc cố tình chây ỳ nợ BHXH, BHYT. Trên cơ sở đó, báo cáo với UBND tỉnh để có ý kiến chỉ đạo kịp thời. Đặc biệt, từ tháng 9/2016, các đơn vị nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT sẽ bị phê bình công khai trên các phương tiện truyền thông của tỉnh...