Tích cực tìm nguyên nhân gây ra tình trạng bất thường ở một số bệnh nhân sau lọc thận

28-08-2019 16:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việc thường xuyên ghi nhận bệnh nhân chạy thận nhân tạo có diễn biến bất thường như rét, sốt kéo dài nhiều ngày qua tại khoa Thận nhân tạo BVĐK tỉnh Thái Bình không chỉ của các bệnh nhân đang chạy thận tại đây mà các y bác sĩ cũng “đứng ngồi không yên”…Trước thực trạng đó, BVĐK tỉnh cũng như Sở Y tế Thái Bình cùng các chuyên gia đầu ngành Thận nhân tạo của BV Bạch Mai, BV Thận Hà Nội và các đơn vị liên quan đang nỗ lực tìm nguyên nhân khắc phục. Kết quả sau hơn 3 tháng nỗ lực hy vọng đã hé mở khi 10 ngày qua không còn bệnh nhân nào có tình trạng bất thường khi lọc máu.

Bác sĩ, bệnh nhân “hết hồn” chạy thận xong có người xuất hiện tình trạng rét, sốt rét

BS. Hà Quốc Phòng, Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình cho biết, hiện Khoa Thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Thái Bình có 34 máy thận, 1 máy lọc nước thô, 3 máy lọc nước RO1; 1 máy lọc nước RO2... phục vụ 4 ca/ngày lọc máu chu kỳ cho tổng số 250 bệnh nhân. Về nhân lực, khoa có 18 nhân viên gồm 5 bác sỹ, 1 kỹ sư nước, 12 điều dưỡng, tất cả đều được đào tạo và cấp chứng chỉ về lọc máu cơ bản; có 3 bác sĩ, 5 điều dưỡng, 1 kỹ sư được cấp chứng chỉ đào tạo về nước RO cho thận nhân tạo.

Từ trước đến nay, Khoa bảo đảm lọc máu an toàn cho người bệnh, trong đó năm 2018 đã thực hiện 37.834 ca lọc máu chu kỳ an toàn.

Tuy nhiên, từ ngày 6/5, trong quá trình lọc xuất hiện bất thường khi rải rác có bệnh nhân rét run, một số người kèm sốt nhẹ.

“Nhật ký các ngày vẫn rải rác có bệnh nhân có biểu hiện rét hoặc sốt không theo một quy luật nào, mặc dù có khi 5 – 7 ngày không có bệnh nhân nào có biểu hiện rét, nhưng sau đó bất thường vẫn xảy ra”, Bs Phòng cho hay.

Cũng theo Bs. Phòng, xác định đây là vấn đề hết sức quan trọng, Ban Giám đốc BV đã báo cáo ngay lãnh đạo Sở Y tế và họp với các phòng chuyên môn của Sở. Lãnh đạo Sở cũng chỉ định ngay lập tức vào cuộc tìm nguyên nhân khắc phục. Các biện pháp đã thực hiện ngay là kiểm tra toàn bộ quy trình đang thực hiện, toàn bộ hệ thống cấp nước vào bồn RO và ra máy, hệ thống máy thận nhân tạo; tăng cường xét nghiệm nguồn nước chạy thận. Đồng thời, mời chuyên gia từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV Thận Hà Nội, về hỗ trợ kiểm tra tìm nguyên nhân và cách khắc phục. BV cũng đặt ra phương án nếu xác định được tình huống mất an toàn thì dừng chạy thận và chuyển người bệnh đi các nơi để khắc phục tình hình.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Thái Bình

BV ngay lập tức triển khai thực hiện các giải pháp có thể như thay mới toàn bộ đường ống nước RO tới các máy thận; thay van nhựa, thay phin lọc khuẩn, thay mới đường nước tới khu vực rửa quả lọc; thay màng lọc RO2; thay đường ống mới từ bể tổng về Khoa Thận nhân tạo; tăng cường thời gian thực hiện khử khuẩn máy thận giữa các ca lọc và cuối ngày theo quy trình. BV cũng đã cùng các kỹ sư nước RO và các chuyên gia của BV tuyến trên thực hiện súc rửa toàn bộ đường ống, téc nước RO1, RO2; khử khuẩn, ngâm hóa chất và rửa máy thận nhiều lần theo quy trình; thay các bầu lọc của máy thận. Lắp đặt thêm 2 máy bơm nước RO cùng chủng loại để hệ thống nước được hoạt động liên tục. Tổng vệ sinh toàn khoa và toàn bộ hệ thống nhiều lần. Trước và sau mỗi lần súc rửa, BV đều thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tìm vi khuẩn, nội độc tố và xét nghiệm hóa lý, chủ động thực hiện nội kiểm nguồn nước RO với tổng số 2.315 mẫu, ngoại kiểm 6 lần với 182 mẫu tại Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường. Kết quả tất cả các mẫu xét nghiệm lấy từ nguồn nước RO trước khi vào máy chạy thận đều trong giới hạn cho phép...

Sau khi đã thực hiện các giải pháp song các chuyên gia vẫn không tìm ra nguyên nhân khiến bệnh nhân lọc thận bị sốt rét. Vì thế, đến ngày 5/7, BV lắp đặt 1 máy thận nhân tạo mới hoàn toàn để đối chiếu, nhưng vẫn có bệnh nhân rét khi lọc máu ở máy mới này. Việc tìm nguyên nhân càng trở nên khó khăn, bế tắc, để tập trung khắc phục, BV liên tục thông báo công khai tình hình để bệnh nhân biết, khuyên bệnh nhân tìm nơi chuyển viện để bảo đảm lọc máu an toàn. Ngày 16/7, BV chuyển 24 bệnh nhân lọc máu tại BV Trường Đại học Y Thái Bình và BVĐK huyện Quỳnh Phụ, song cũng không thể chuyển đi nhiều hơn bởi các đơn vị có lọc máu đều đã quá đông bệnh nhân.

Nhiều giả thiết được đưa ra

Sau hơn 2 tháng với nhiều đoàn bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về giúp song không tìm ra nguyên nhân, ngày 17/8, BVĐK tỉnh tổ chức hội thảo chuyên môn chuyên ngành thận nhân tạo với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành gồm của BV Bạch Mai, BV Thận Hà Nội,Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp cùng các kỹ sư chuyên về nước RO…

Các chuyên gia đặt ra rất nhiều yếu tố có thể gây ra nguyên nhân bệnh nhân bị rét, trong đó nghiêng nhiều có thể do chất lượng nước trong hệ thống lọc nước RO mà nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nước thì vô số. Sau khi thảo luận các chuyên gia thống nhất và kết luận: BV tiếp tục rà soát và hoàn thiện lại quy trình lọc thận nhân tạo; rửa quả lọc bằng RO2 ngay trước khi chạy cho người bệnh; thay quả lọc lưu lượng trung bình, giám sát chặt chẽ người bệnh trong suốt quá trình chạy thận, nếu có diễn biến thực hiện xử trí cấp cứu kịp thời. Công ty Phương Đông tiến hành lắp 5 máy chạy thận nhân tạo mới với hệ thống đường nước riêng để chạy và tiến hành đánh giá. Nếu vẫn còn tình trạng diễn biến phức tạp thì dừng lọc máu và thay thế toàn bộ hệ thống. Đề nghị Sở Y tế và UBND tỉnh tạo nguồn kinh phí đầu tư hệ thống thận nhân tạo hiện đại giống của BV Thận Hà Nội để thay thế toàn bộ hệ thống.

Ngay sau hội thảo, BVĐK tỉnh Thái Bình đã rà soát lại toàn bộ hệ thống cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế đang sử dụng tại khoa thận nhân tạo, hoàn chỉnh quy trình thận nhân tạo theo đúng quy định; vay 30 quả lọc lưu lượng trung bình của BV Thận Hà Nội và mua thêm 150 quả về thay thế sử dụng cho người bệnh; tăng dung dịch rửa, lắp đặt hệ thống RO2 để rửa quả lọc trước khi sử dụng cho người bệnh. Hàng ngày các chuyên gia nghe báo cáo tình hình diễn biến người bệnh và tiếp tục tư vấn cho lãnh đạo BV và Trưởng khoa Thận nhân tạo qua điện thoại để tiếp tục hoàn thiện. Tăng cường bố trí cán bộ theo dõi người bệnh chặt chẽ...

Các chuyên gia, kỹ sư về bệnh viện giúp tìm nguyên nhân

Tiếp tục truy tìm nguyên nhân đến cùng, ngày 26/8, đoàn công tác của Viện Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế đã về kiểm tra đánh giá, góp ý giúp BV cải tạo lại hệ thống lọc thận.  Theo TS Phạm Văn Hoài, Phó Trưởng phòng Phụ trách quản lý công trình và đào tạo, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết,  trước mắt sẽ giúp BV thiết kế, lắp đặt tăng cường các thiết bị trong hệ thống lọc nước, lắp thêm các cột than hoạt tính để bảo đảm chất lượng nước được tốt hơn... trước khi có điều kiện thay mới cả hệ thống.

Nín thở qua mỗi ngày để theo dõi diễn biến của bệnh nhân

ThS.BS Lê Thị Phương, Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết: Ngay sau khi thực hiện phương án mà các chuyên gia đưa ra, thì 13 ngày qua không còn xuất hiện tình trạng bệnh nhân rét hoặc sốt. “Những ngày qua, các bác sĩ điều dưỡng, kỹ thuật viên của Khoa đều căng thẳng, đi sớm, về muộn tăng cường trực dõi theo từng diễn biến người bệnh. Chúng tôi nín thở qua mỗi ngày theo dõi bệnh nhân, đã không có diễn biến bất thường là niềm vui không chỉ của các chuyên gia, lãnh đạo ngành, lãnh đạo BV và của các bác sĩ, bệnh nhân, mà của không ít người đang theo dõi, quan tâm”, Bs. Phương nói.

Bệnh nhân Đặng Thị Thừa, 65 tuổi đã 10 năm chạy thận cho biết: Đợt vừa rồi tôi cũng 1 lần có biểu hiện run được bác sĩ xử lý kịp thời. Sự việc bất thường xảy ra rải rác ở các bệnh nhân mới đầu tôi cũng lo, nhưng thấy các bác sĩ ngày nào cũng sát sao vào cuộc nên cũng yên tâm.

Bà Phạm Thị The, người nhà bệnh nhân cũng chia sẻ: Tôi chứng kiến bệnh viện và bác sĩ rất trách nhiệm, lo lắng sớm khuya sát sao đồng hành cùng người bệnh. Có bác sĩ, điều dưỡng có con nhỏ mà trưa cũng không về, ở lại ngoài giờ trực, tôi thấy thương.

Bệnh nhân Phạm Đình Y, 60 tuổi thì chia sẻ: 3 năm nay gắn bó với Khoa tôi luôn tin tưởng hoàn toàn vào các bác sĩ. Khi các bác sĩ tư vấn tôi nên tìm nơi chuyển viện, nhưng tôi xin ở lại vì tin với tinh thần, trách nhiệm, Bệnh viện và  các bác sĩ sẽ sớm tìm ra nguyên nhân khắc phục.


Hà Dung
Ý kiến của bạn