Hà Nội

Tích cực hưởng ứng phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”

09-11-2018 08:36 | Thời sự
google news

SKĐS - Phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” đã được phát động lần đầu tiên năm 2012 trên toàn quốc nhằm huy động các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh,...

Năm nay phong trào tiếp tục được Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội phát động triển khai tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Dưới đây là một số địa phương tích cực hưởng ứng phong trào.

Tuyên Quang: Phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân đã được tỉnh Tuyên Quang triển khai đồng bộ tới tất cả các cấp, từ tỉnh, huyện đến cấp xã, phường, thị trấn, thôn bản trên địa bàn tỉnh. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, có sức lan tỏa đã tác động tích cực tới ý thức người dân trong việc nâng cao nhận thức về vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân... Tùy theo điều kiện của mỗi địa phương trong tỉnh, phong trào vệ sinh yêu nước đã được tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp như: Treo băng-rôn khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước tại nhiều tuyến đường; tuyên truyền lồng ghép qua các cuộc họp, qua loa truyền thanh của thôn, bản; thăm hộ gia đình, tư vấn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân 2/7, Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng 15/10, Ngày Toilet thế giới 19/11...

Để phục vụ công tác tuyên truyền, tỉnh đã phát hành 28.200 tờ rơi hướng dẫn xây dựng nhà tiêu tự hoại và thấm dội nước giá rẻ, 1.539 đĩa hướng dẫn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, 875 quyển tài liệu hướng dẫn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình... Bên cạnh đó, in 1.528 tranh tuyên truyền phục vụ công tác họp dân của 764 thôn thuộc 47 xã trên địa bàn hai huyện Yên Sơn, Hàm Yên; 2.386 sổ tay hướng dẫn truyền thông vận động người dân thay đổi hành vi vệ sinh và xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cho cán bộ y tế, phụ nữ thôn.

Tích cực hưởng ứng phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”Nhân viên y tế hướng dẫn học sinh Trường mầm non Hoa Bưởi, Đăk Nông rửa tay đúng cách.

Một trong những kết quả đáng chú ý là mô hình làng văn hóa sức khỏe được triển khai tại 7 xã trên địa bàn các huyện Na hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Sơn Dương đã tạo những chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Tại các xã điểm, người dân địa phương đã quan tâm đến vấn đề cải thiện, bảo vệ môi trường, hạn chế bệnh dịch nguy hiểm lây lan, xây dựng được mô hình sức khỏe cho mọi nhà. Thói quen vứt rác bừa bãi được hạn chế, việc xây dựng nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch cho sinh hoạt ở một bộ phận cư dân nông thôn trong các xã từng bước được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong tỉnh đạt khoảng 85%; 61% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (năm 2012 chỉ đạt 48%)...

Bạc Liêu: Xác định nâng cao nhận thức của nhân dân là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh và thực hiện bền vững phong trào, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm của mọi người dân tham gia các vấn đề về vệ sinh liên quan đến sức khỏe. Các nội dung tuyên truyền về tư tưởng chỉ đạo của phong trào, mục đích, ý nghĩa, các nội dung đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu về vệ sinh nâng cao sức khỏe của phong trào.

Sở Y tế các cấp phối hợp với các sở, ban, ngành đã vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch; ăn uống hợp lý và rèn luyện thân thể. Đẩy mạnh các hoạt động 3 sạch bao gồm: Sạch nhà gắn liền với vệ sinh thân thể; sạch bếp gắn liền với vệ sinh an toàn thực phẩm gắn liền với vệ sinh môi trường.

Đăk Nông: Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, người dân trên địa bàn tỉnh đã ngày càng nâng cao ý thức, tích cực tham gia phong trào bằng những việc làm cụ thể như: Xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; thu gom rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định; sử dụng nước an toàn, hợp vệ sinh; rửa tay bằng xà phòng để phòng tránh dịch bệnh...

Cùng với công tác tuyên truyền, hàng năm, việc tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách chương trình vệ sinh môi trường cũng được triển khai thường xuyên. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 lượt cán bộ y tế thôn, bản, thanh niên, phụ nữ, thợ xây... được tập huấn các nội dung về: Mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ; kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; kỹ năng truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường... Ngoài ra, các hoạt động kiểm tra, giám sát cũng được chú trọng.


Mai Hương
Ý kiến của bạn