Nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hàng biếu, cho, tặng là một trong những biện pháp ứng phó quyết liệt nhằm ngăn chặn nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam... Đây là nội dung của kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virut nguy hiểm có khả năng lây sang người vừa được Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm phê duyệt.
Song song với đó, ngành y tế cũng có những động thái tích cực chủ động đối phó với nguy cơ dịch cúm A/H7N9, A/H10N8 xâm nhập nước ta.
Cần giám sát việc mua bán gia cầm. Ảnh: TM
Nguy cơ từ gà nhập lậu
Theo Cục Thú y - Bộ NN&PTNT, các nghiên cứu về việc vận chuyển gà thải loại ở Trung Quốc cho thấy, nhiều gà loại thải được vận chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, đưa vào tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) giáp với Việt Nam (có qua các tỉnh đã phát hiện virut cúm A/H7N9). Cùng đó, virut cúm cũng được phát hiện trên gia cầm và người ở tỉnh Quảng Tây, nơi giáp với 4 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Trong khi đó, hiện việc buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới vẫn chưa chấm dứt. Do vậy, nguy cơ virut cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam rất cao (nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và địa phương có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc). Chính vì vậy, kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virut nguy hiểm có khả năng lây sang người đã khẳng định, chợ buôn bán gia cầm sống và điểm thu gom, tập kết gia cầm được coi là nơi lưu trữ và phát tán virut. Để kịp thời ngăn chặn loại virut cúm nguy hiểm trên, giải pháp được đưa ra là cần tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại đường biên giới. Cùng đó, các địa phương cần cấm buôn bán, thu gom, tập kết, giết mổ gia cầm tại khu vực đường biên, khu kinh tế mở, tránh hiện tượng hợp thức hóa gia cầm; không cho buôn bán, thu gom, tập kết, giết mổ gia cầm tại các khu vực đường biên và các khu kinh tế mở, nhằm tránh hiện tượng hợp thức hóa gia cầm, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát.
Để chủ động phòng chống dịch, Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ, ngay từ khi chưa có dịch cúm A/H7N9 trên gia cầm và trên người, các chợ buôn bán gia cầm sống sẽ áp dụng ngay việc định kỳ đóng cửa chợ một ngày/tháng để tiêu độc khử trùng ngăn dịch. Trong trường hợp phát hiện mầm bệnh cúm A/H7N9 tại chợ, sẽ đóng cửa chợ bảy ngày để chặn dịch. Các trang trại gia cầm có mẫu nhiễm virút cúm A/H7N9 cũng sẽ bị tiêu hủy toàn bộ gia cầm và đóng cửa trại trong tối thiểu 21 ngày.
Về phía các tỉnh biên giới, để phòng ngừa bệnh cúm A lây lan qua con đường nội địa, tỉnh Quảng Ninh đã lập 6 chốt khu vực các tỉnh tiếp giáp các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng. Tại Lào Cai, tỉnh đã tăng cường nhân lực và thiết bị tại 5 điểm là cửa khẩu và các lối mở biên giới, nhằm chủ động ngăn ngừa virut cúm H7N9 từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa. Tại cửa khẩu đường bộ quốc tế Lào Cai, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai bố trí hai nhân viên có trình độ chuyên môn cao thường trực tại lối nhập cảnh, lắp đặt máy đo thân nhiệt để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ du khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào nội địa.
Gia tăng bệnh nhân mắc cúm A/H1N1
Về phía ngành y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, cùng với việc phải đối phó với nguy cơ dịch cúm A/H7N9, cúm A/ H10N8… xâm nhập vào nước ta thì ở trong nước, tình hình dịch cúm trên người và trên gia cầm cũng đang có những diễn biến đáng lo ngại. Ngoài việc ghi nhận 2 ca tử vong ở người do nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Tháp và Bình Phước sau khi tiếp xúc với gia cầm bệnh, chúng ta cũng đã có 2 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 và một số trường hợp bị nhiễm đang được điều trị. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2014 đến nay cũng đã có nhiều bệnh nhân mắc cúm mùa thông thường nhưng trong tình trạng nặng phải nhập viện điều trị. Qua giám sát bệnh nhân cúm, dịch cúm A/H1N1 chủng 2009 đã gia tăng trong tuần gần đây, lên mức 23% bệnh nhân mắc cúm (còn lại là bệnh nhân mắc cúm B và cúm A/H3N2), trong khi tháng 1-2014 chủng cúm A/H1N1 chỉ chiếm trên 11% bệnh nhân cúm.
Trước câu hỏi, các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ kết hợp chủng virus cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1, A/H7N9, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết, các giám sát hiện nay chưa thấy biến chủng của virut cúm A/H5N1, A/H7N9 và A/H1N1 nhưng các cơ quan y tế đang tích cực giám sát nhằm phát hiện những thay đổi chủng và sự bùng phát của dịch để có thể đối phó kịp thời.
Theo thông báo từ Cục Thú y, tính đến chiều ngày 16/2, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 10 địa phương trong cả nước. Do đó, Cục Thú y đã thành lập 15 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương. Bên cạnh đó, Cục Thú y sẽ triển khai lấy mẫu phân tích tại các chợ gia cầm sống ở 9 tỉnh, thành: Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên; Đồng thời, mở rộng giám sát tại các tỉnh biên giới phía Bắc còn lại nếu tỉnh Vân Nam của Trung Quốc có lưu hành virut cúm A/H7N9.
Thái Bình