Tia UV đạt đỉnh gây hại lớn nhất cho làn da vào 10-14h, người dân hạn chế ra đường

23-06-2020 15:55 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện nay Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ có nơi hơn 40 độ C. Nắng nóng với chỉ số tia UV (tia cực tím) ở mức cao gây ảnh hưởng lớn đến làn da. Do đó người dân cần đặc biệt quan tâm đến việc chống nắng chống nóng, bảo vệ sức khỏe cơ thể.

ThS.BS Nguyễn Thị Kim Hương - Chuyên khoa da liễu – Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cho biết, trong phổ ánh sáng mặt trời bao gồm các chùm tia UVA, UVB và UVC. UVC có khả năng gây ung thư rất cao, nhưng nhờ tác dụng bảo vệ của tần ozon xung quanh trái đất nên các tia không thể đến bề mặt trái đất và ít gây ảnh hưởng tới con người.

Tia UVB tác động lên lớp thượng bì gây hiện tượng cháy nắng sau vài giờ phơi nắng, đồng thời kích thích các tế bào hắc tố tăng sản xuất melanin và các tế bào sừng tăng sinh gây hiện tượng tăng sắc tố và dày sừng ở thượng bì.

Tia UVA có thể làm tổn thương DNA của tế bào da, dần dần gây ra ung thư da.

Như vậy, tia UV gây hại cho da được xếp vào các cấp độ từ thấp đến cực cao. Ở thể cấp tính, tia UV sẽ gây ra các hiện tượng cháy nắng, bỏng nắng... Với trường hợp tiếp xúc với tia UV kéo dài sẽ gây ra các bệnh mạn tính, như: Nám má, sạm da, tổn thương lão hóa da, nguy hiểm hơn là ung thư da.

Thời điểm chỉ số tia UV đạt đỉnh gây hại lớn nhất đến làn da trong ngày là từ 10h-14h. Chính vì vậy, người dân nên hạn chế ra đường vào thời điểm này.

Nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt đã xảy ra diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, có nơi trên 40 độ. Dự báo, nắng nóng ở các khu vực còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Cách chống "cháy nắng", tránh cơ thể đổ bệnh

Theo BS. Kim Hương, khi da bị "cháy nắng", thường mất vài ngày và thậm chí là vài tuần để có thể hồi phục. Cũng có những người tổn thương da nặng có thể gặp những biến chứng khác: bỏng da, viêm da tiếp xúc... Vì vậy, khi bị "cháy nắng", tuyệt đối không được chủ quan, không được tự ý điều trị mà cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá mức độ và có biện pháp điều trị kịp thời.

Để dự phòng tổn thương da trước tác hại của tia UV, BS. Kim Hương tư vấn người dân nên thực hiện:

- Che chắn vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng bằng các trang bị bảo hộ, như: kem chống nắng, mũ, kính râm, khẩu trang, găng tay, áo chống nắng...

- Kem chống nắng là biện pháp quan trọng để bảo vệ da, cần bôi kem chống nắng khoảng 2-3 giờ/lần, trước khi ra nắng 20 phút ở vùng da cần được bảo vệ. Các nhà sản xuất đã lưạ chọn chỉ số chống nắng phù hợp với làn da đó người sử dụng chỉ cần chọn loại kem phù hợp với loại da của mình: da khô, da dầu, da hỗn hợp, da nhạy cảm.

Không được tự ý điều trị khi bị "cháy nắng" mà cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá mức độ và có biện pháp điều trị kịp thời.

- Sử dụng áo chống nắng không phải chỉ đơn giản là tìm một chiếc áo có khả năng che kín các vùng cơ thể và mặc lên người. Cần phải hiểu rõ loại áo, chất liệu và khả năng bảo vệ khỏi tác hại của tia UV. Rất nhiều người vẫn thường mắc các sai lầm khi chọn áo chống nắng. Chẳng hạn như nhiều người lầm tưởng, màu áo càng sáng, chống nắng sẽ càng tốt. Tuy nhiên, các loại áo màu tối có khả năng hấp thụ nhiệt và biến đổi thành nhiệt lượng, có khả năng chống tia cực tím tốt hơn.

Ngoài ra, chất liệu vải cũng là một tiêu chí rất quan trọng. Các loại chất liệu thông thường chỉ có khả năng ngăn chặn được sức nóng từ bên ngoài, không thể ngăn chặn được tia cực tím. Nên chọn loại áo của các hãng có uy tín, đạt chuẩn UPF (chỉ số chống tia UV). Mặt khác, nên chọn loại áo có mũ, phần tay che được hết cổ và tay.

Giới chuyên môn cũng khuyến cáo trong thời tiết oi bức như hiện nay cần uống đủ nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Dương Hải
Ý kiến của bạn