Hà Nội

'Tỉa bớt cây hoa sữa ở tuyến phố trồng quá dày là cần thiết'

14-03-2023 11:51 | Xã hội
google news

SKĐS - Hà Nội sẽ thay thế bớt cây hoa sữa tại một số khu vực, theo chuyên gia, chọn cây trồng thay thế phải là cây xanh đô thị, ưu tiên những loài bản địa.

Sống gần cây xanh, giảm nguy cơ mắc bệnh tâm thầnSống gần cây xanh, giảm nguy cơ mắc bệnh tâm thần

SKĐS - Cây xanh không chỉ tạo bóng mát mà còn có tác dụng cung cấp ôxy, làm sạch không khí… Nghiên cứu mới về sức khỏe tâm thần của các nhà khoa học Đan Mạch cho thấy, sống gần cây xanh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tâm thần.

Trồng cây theo tuyến phố

Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch trồng mới 500 nghìn cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021 – 2025. Theo UBND thành phố, năm 2021, thành phố đã trồng hơn 52 nghìn cây xanh, năm 2022 đã trồng hơn 49 nghìn cây xanh. Trong năm 2023, thành phố sẽ trồng hơn 133 nghìn cây xanh, năm 2024 là hơn 145 nghìn cây xanh và năm 2025 trồng mới khoảng 118 nghìn cây xanh.

Cụ thể, Hà Nội sẽ trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trống, cây cong, xấu, nguy hiểm, già cỗi, kém phát triển, cây không thuộc danh mục cây đô thị trên một số tuyến phố và trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện; đầu tư cải tạo, xây dựng các vườn hoa, sân chơi, công viên; trồng cây xanh thuộc phạm vi các dự án xây dựng do thành phố đầu tư và các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông thuộc đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận; các dự án đầu tư công viên…

'Tỉa bớt cây hoa sữa ở tuyến phố trồng quá dày là cần thiết' - Ảnh 2.

Theo chuyên gia, cắt tỉa bớt hoa sữa ở Hà Nội là điều cần thiết.

Thành phố yêu cầu xây dựng phương án cải tạo trồng cây thay thế đối với các chủng loại cây già cỗi gây nguy hiểm, không thuộc danh mục cây được bảo tồn, cây quý hiếm, cây cổ thụ trên các tuyến phố, cây hoa sữa tại một số khu vực nhằm giảm mùi hương đậm đặc, nồng nặc khi mùa hoa nở trên các tuyến phố.

Theo GS.TS Ngô Quang Đê, Đại học Lâm nghiệp, cây cảnh quan đô thị ngoài các yếu tố tạo tán, còn phải đảm bảo tuổi thọ dài, bởi không phải lúc nào cũng có thể chặt đi trồng lại được. "Hoa sữa Hà Nội hiện nay nhiều quá, theo tôi cũng là cây có thể hạn chế bớt để thay thế bằng cây khác. Hiện, Nha Trang cũng đã chặt hoa sữa thay cây khác rồi. Hoa sữa là cây rất đẹp nhưng chúng ta trồng quá dày, việc tỉa bớt là cần thiết", GS Đê nói.

Theo ông, hoa sữa trồng trong khuôn viên, công viên có không gian rộng lớn thì được, nhưng trồng quá dày đặc ở nhiều tuyến phố như ở Hà Nội hiện nay là không ổn, mà chỉ nên giữ lại ken kẽ ở một số lượng thích hợp để tạo hương thoảng là được.

GS.TS Ngô Quang Đê phân tích, cây xanh là một thể sống, có sự trao đổi chất với môi trường bên ngoài, khác xa so với các kiến trúc máy móc. Nó có thể thay đổi theo mùa vụ, theo tuổi, khí hậu, đất đai. Vì thế, việc cây xanh được trồng như thế nào, trồng ở đâu cần tính toán, nghiên cứu tỉ mỉ. Nếu đưa một loại cây từ miền Nam ra miền Bắc trồng mà không có nghiên cứu, các yếu tố như: khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp sẽ khiến cây khó phát triển.

Những loại cây phù hợp với đô thị

Theo GS Đê, để chọn đúng chủng loại cây, cần trồng thử nghiệm để quan sát xem mỗi loại cây có phù hợp với thời tiết, đất đai ở Hà Nội hay không, sau đó trồng thử nghiệm trong vườn. Thời gian thử nghiệm có thể để cây phát triển tối thiểu từ 2 - 3 năm kết hợp với cắt tỉa, tạo hình dáng cho cây ngay từ đầu, rồi mới cho trồng hàng loạt cây trên các tuyến đường lớn.

Bên cạnh đó, mỗi loại cây cần phù hợp với vị trí được trồng. Ví dụ, trên một tuyến đường hẹp nên chọn cây dáng tầm trung, tán nhỏ, ít cành, nhánh, để đảm bảo không gian lưu thông thoáng đãng. Còn tuyến đường lớn cần chọn cây tán rộng để giúp giữ ẩm trong không khí làm giảm sức nóng của bề mặt nhựa. GS.TS Ngô Quang Đê khẳng định, để có một thành phố xanh, khi quy hoạch kiến trúc chung cần kết hợp với nhiều nội dung khác, đặc biệt cần tham vấn các nhà sinh vật học, chuyên gia về cây để có thể chọn lựa, phân vùng cây một cách hợp lý với mỗi khu vực.

Theo GS.TS Ngô Quang Đê, tất cả những cây đã trồng thành công tại Hà Nội như sấu, cây lim xẹt, dái ngựa, bằng lăng… đều có thể trồng tiếp. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm các loại cây mới để đảm bảo đa dạng sinh học và phát triển sinh thái bền vững.

Một trong những hạn chế ở Hà Nội hiện nay là mùa đông không có các loại cây ra hoa. Thời gian qua, chúng tôi đang thử nghiệm và đề xuất xem khả năng có thể đưa cây sở về trồng tại Hà Nội hay không. Bởi đây là cây rất thích hợp để trồng làm cảnh quan, tán rộng, lá xanh quanh năm, hoa đẹp, mùi thơm quyến rũ và đặc biệt hoa lại nở vào mùa đông. Lâu nay sở là cây lâm sản ngoài gỗ, trồng lấy quả mới khó, chứ trồng làm cây cảnh quan tôi nghĩ sẽ rất khả thi. Sở cũng là cây trồng có khả năng chống ô nhiễm, cải thiện môi trường rất tốt.

Một số cây khác như trà bạch, trà hồng, trà đỏ hiện nay ở Nhật trồng rất nhiều, rất đẹp và cũng có thể trồng tại Hà Nội. Cây dổi bắc hiện cũng đang là "ứng cử viên" rất sáng có thể trồng làm cây cảnh quan ở Hà Nội, cây này Việt Nam có sẵn, hoa thơm, màu sắc đẹp, không độc, bộ lá có hai màu lục – hồng rất đẹp mắt.

Tuy vậy, việc chọn trồng cây gì cũng phải thử nghiệm trước. Theo GS.TS Ngô Quang Đê, điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, nguồn nước… tại Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Chẳng hạn như trước đây, cây sáo đen trồng ở Hà Nội cây nào là thành công cây đó, nhưng bây giờ cây này trồng không thể sống được nữa. Ngay cả những cây đã trồng thành công trước đây như sấu, bằng lăng, dổi… bây giờ trồng mới chưa chắc đã sống được, vì vậy muốn trồng số lượng lớn tại Hà Nội cũng phải trồng thử nghiệm trước, không nên vội vàng trồng đại trà ngay bởi rủi ro rất lớn.

"Xét về mặt đa dạng sinh học, cơ cấu các loài cây cảnh quan ở Hà Nội còn quá đơn điệu, mặc dù theo thống kê trên địa bàn thành phố hiện có hơn 100 loài khác nhau, nhưng cơ bản chỉ có khoảng 25 loài chiếm tỉ lệ áp đảo. Cây xanh đô thị được trồng đường phố ở Hà Nội cơ bản phải xét tới mấy yếu tố như chịu được điều kiện đất đai, thời tiết đặc thù tại Hà Nội; chống chịu được gió bão; hình dáng đẹp, tán có hình khối vừa tạo dáng vừa che bóng được; hoa – quả có mùi thơm thì tốt, hay ít nhất phải không độc, không gây ô nhiễm; cây phải ít sâu bệnh…", GS.TS Ngô Quang Đê nói.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 211.470 cây bóng mát, trong đó khu vực 12 quận có 149.075 cây, với các loài chủ yếu: Xà cừ (khoảng 8.000 cây); phượng (khoảng 12.500 cây); muồng (khoảng 7.000 cây); sấu (khoảng 22.000 cây); bằng lăng (khoảng 13.500 cây)... Trong số này, có khoảng 20% cây bóng mát có tuổi đời 80-100 năm.
Cần lữu trữ hồ sơ cây xanh, không thể cứ thích là thayCần lữu trữ hồ sơ cây xanh, không thể cứ thích là thay

SKĐS - Theo các chuyên gia, cây già cỗi nhưng được chăm sóc đúng cách vẫn có thể giữ lại tạo cảnh quan, bởi giá trị khoa học của cây già cỗi, cổ thụ là rất lớn.


Tô Hội
Ý kiến của bạn