Hà Nội

Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao vì COVID-19

07-11-2021 10:27 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%.

Bao giờ thị trường lao động khôi phục như trước khi có dịch COVID-19?Bao giờ thị trường lao động khôi phục như trước khi có dịch COVID-19?

SKĐS - Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, tiến độ triển khai tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn thì dự kiến cuối quý I/2022, thị trường lao động sẽ được khôi phục.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, đại dịch COVID-19 đã tác động đến 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2021, tăng dần lên 12,2 triệu người trong quý II/2021 và tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người chịu ảnh hưởng.

Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.

Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao vì COVID-19 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan.

Tiền lương thu nhập giảm, lương bình quân của người lao động giảm còn 5,2 triệu đồng/lao động, đã giảm 877.000 đồng so với quý II/2021 và giảm 603.000 so với 2020. Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm trong quý III là 4,46%, tương đương hơn 1,8 triệu người tăng 1,86% so với quý trước.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III là 3,98%, tăng 1,36% so với quý trước và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%. Có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, về các tỉnh. Lao động giảm làm lượng lao động bị dịch chuyển từ các vùng bị hạn chế đã làm cho thị trường lao động bị chia cắt cục bộ, gây ra nguy cơ thiếu lao động ở một số vùng, ngành, lĩnh vực.

Để đưa lao động trở lại làm việc, theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Chính phủ tập trung triển khai ba nhóm giải pháp chính:

Thứ nhất, với nhóm giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, động viên người lao động chia sẻ cùng với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, các chế độ bảo hiểm, tiền ăn ca, các phúc lợi xã hội (bảo hiểm, nghỉ ngày lễ…) để giữ chân người lao động. Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ nhà ở, phòng trọ, lương thực, thực phẩm cho người lao động yên tâm làm việc. Đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng chống COVID-19 cho người lao động.

Thứ hai, với nhóm giải pháp hỗ trợ thu hút người lao động quay trở lại làm việc, đó là việc tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền để người lao động biết thông tin chính xác làm cơ sở quyết định quay lại thị trường lao động. Ưu tiên tiêm phòng vaccine cho người lao động, hỗ trợ chi phí y tế (khám sức khỏe, test COVID, cách ly,…); tạo thuận lợi cho người lao động đi lại khi tham gia thị trường lao động. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động. Khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, động viên giữ mối liên hệ với người lao động ngoại tỉnh đã trở về quê, sẵn sàng có chính sách hỗ trợ đi lại, tiêm phòng COVID-19… để đưa người lao động quay trở lại làm việc khi doanh nghiệp mở dần quy mô hoạt động. 

Thứ ba, về nhóm giải pháp kết nối, điều tiết cung - cầu lao động, đó là nắm bắt diễn biến của cung - cầu lao động trên địa bàn để có kế hoạch, giải pháp kết nối cung cầu lao động, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động tại các vùng, khu vực sản xuất trọng điểm. Nắm kỹ, sát nhu cầu sử dụng lao động cả về số lượng, ngành nghề, trình độ; rà soát tập hợp đầy đủ thông tin về trạng thái lao động, việc làm, trình độ của nguồn cung lao động để làm cơ sở điều tiết, kết nối cung cầu lao động. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động để kịp thời cung ứng cho doanh nghiệp, hạn chế sự thiếu hụt lao động kỹ năng cho phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tính đến ngày 5/11, đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho hơn 9,3 triệu lao động (gồm hơn 8,7 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hơn 613 nghìn người đã dừng tham gia, tương đương 86% số người lao động đề nghị hỗ trợ) với số tiền hỗ trợ 22.289 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 21.851 tỷ đồng (tương đương 98% tổng kinh phí được giải quyết) cho hơn 9,1 triệu người lao động, trong đó đại đa số là chi trả qua tài khoản cá nhân.

 Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm: 

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn