1. Các trường hợp thuyên tắc ối được cứu sống
Trường hợp sản phụ V.H.T.T. (26 tuổi, ngụ TP.HCM) sinh con lần 2, được phẫu thuật mổ lấy thai. Trước mổ, sản phụ được tiến hành các xét nghiệm tiền phẫu về sinh hóa, huyết học, điện tâm đồ đều bình thường, tiền căn mổ lấy thai với phương pháp vô cảm là gây tê tủy sống. Ca sinh mổ diễn ra bình thường, em bé được lấy ra an toàn, khóc lớn.
Tuy nhiên, khi đang chuẩn bị thực hiện "da kề da", đột nhiên, sản phụ trở nên tím tái, mất ý thức, đồng tử giãn. Các bác sĩ xác định nguyên nhân là thuyên tắc ối. Trong quá trình đó, bệnh nhân đã ngưng tim 3 lần nhưng được sốc điện, hồi sức ngưng tim, ngưng thở, đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm, sử dụng các thuốc vận mạch adrenalin và noradrenalin để duy trì huyết áp; truyền máu, các chế phẩm máu để ổn định huyết động và điều chỉnh rối loạn đông máu.
Song song với đó, các bác sĩ tiến hành siêu âm tim ngay tại bàn mổ, phát hiện tim bệnh nhân bị hở 3 lá nặng và giãn thất phải, qua đó củng cố thêm chẩn đoán ban đầu bệnh nhân bị thuyên tắc ối.
Sau hơn 10 giờ phối hợp cấp cứu và hồi sức, sản phụ T. bắt đầu có dấu hiệu diễn tiến theo chiều hướng tích cực: có phản xạ ánh sáng, đồng tử co nhỏ, kích thích đau đáp ứng.
Còn sản phụ N.H.T. (19 tuổi, Hải Dương) nhập viện Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) do ối vỡ sớm, thai lần đầu, song thai 35 tuần. Rất nhanh chóng, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, 2 bé gái chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2.150g và 2.058g.
Tuy nhiên, 2 tiếng sau phẫu thuật, sản phụ có diễn biến nặng: mạch nhanh, huyết áp tụt, mệt mỏi, nôn mửa… Các bác sĩ chẩn đoán sản phụ T. bị thuyên tắc ối gây rối loạn đông máu. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho sản phụ, có khoảng 500ml máu loãng và máu cục. Kết quả giải phẫu bệnh tìm thấy tế bào nước ối trong máu của sản phụ (máu được lấy từ tĩnh mạch trung tâm). Các bác sĩ đã xử trí và bảo toàn tử cung cho sản phụ. Sau phẫu thuật, sản phụ được theo dõi, điều trị tích cực. Hiện tại, sức khỏe sản phụ đã ổn định và được xuất viện.
2. Thuyên tắc ối là gì?
Theo BS. Nguyễn Tuấn Anh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, thuyên tắc ối là hội chứng phản vệ khi mang thai, là một biến chứng thai kỳ gây ra các tình trạng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như suy tim ảnh hưởng cả mẹ và thai nhi.
Thuyên tắc ối xảy ra khi nước ối hoặc các tế bào, tóc, lông tơ hoặc các mảnh vụn khác của thai nhi xâm nhập vào máu của thai phụ, thông qua hệ thống tĩnh mạch nơi nhau thai bám gây ra một số phản ứng.
Bệnh thường xảy ra trong quá trình chuyển dạ, hoặc ngay sau khi sinh ở cả sinh thường và sinh mổ, sảy thai, chấn thương bụng, chọc nước ối, sau sinh hoặc sau mổ lấy thai. Thời điểm mạch ối bị tắc nghẽn xảy ra khác nhau tùy trường hợp. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong khi chuyển dạ hoặc ngay sau khi sinh.
3. Triệu chứng thuyên tắc ối
Giai đoạn đầu tiên của thuyên tắc mạch ối thường gây ngừng tim và suy hô hấp nhanh chóng. Ngừng tim xảy ra khi tim ngừng hoạt động, mất ý thức và ngừng thở. Suy hô hấp nhanh xảy ra khi phổi không thể cung cấp đủ oxy cho máu hoặc loại bỏ đủ carbon dioxide khỏi máu khiến thai phụ rất khó thở.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Suy thai, dấu hiệu cho thấy em bé không khỏe, bao gồm thay đổi nhịp tim của thai nhi hoặc giảm cử động trong bụng mẹ.
- Buồn nôn, nôn
- Co giật
- Lo lắng, kích động
- Tím tái đột ngột
Sau khi vượt qua được các triệu chứng ban đầu, thai phụ có thể bước vào giai đoạn nguy hiểm tiếp theo là giai đoạn xuất huyết, chảy máu nhiều ở vị trí dính nhau thai hoặc tại vết rạch mổ lấy thai trong trường hợp sinh mổ, đờ tử cung và đông máu rải rác trong lòng mạch. Thậm chí, có những thai phụ có biểu hiện tim ngừng đập, ngừng thở trong vài phút đầu tiên và có thể tử vong trong vòng 2 - 3 giờ sau đó.
Thuyên tắc mạch ối có thể gây tử vong, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tiên. Trong khoảng 50% trường hợp, thai phụ tử vong trong vòng 1 giờ sau khi các triệu chứng bắt đầu do thai phụ ngừng tim đột ngột, mất máu quá nhiều, suy hô hấp cấp tính, suy đa tạng.
Các triệu chứng của thuyên tắc ối tương tự như các biến chứng khác khi sinh con, như vỡ tử cung, nhau bong non và sản giật. Điều này làm cho việc chẩn đoán thuyên tắc ối trở nên khó khăn hơn.
4. Điều gì làm tăng nguy cơ thuyên tắc ối?
Các yếu tố rủi ro đối với thuyên tắc nước ối rất khó dự đoán vì hiếm gặp. Tuy nhiên, một số yếu tố rủi ro có thể xảy ra, bao gồm:
- Thai phụ tuổi cao trên 35 tuổi;
- Thai phụ mang đa thai hoặc sinh con nhiều lần;
- Nhau thai bất thường: Khi mang thai nếu cấu trúc trong tử cung phát triển bất thường;
- Thai phụ mắc chứng tiền sản giật: Những thai phụ mắc chứng tiền sản giật, huyết áp tăng cao và protein niệu sau tuần 20 của thai kỳ;
- Mổ lấy thai, hoặc đẻ đường dưới có sự can thiệp của thủ thuật Forceps, giác kéo, chọc hút nước ối: Việc dùng kẹp hoặc các thủ thuật giác hút lấy thai có thể phá vỡ hàng rào vật lý giữa thai phụ và thai nhi.
5. Điều trị thuyên tắc ối
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, cứ 20.000 đến 30.000 ca sinh nở thì có 1 ca bị thuyên tắc ối, tỷ lệ tử vong của mẹ từ 70 - 90%. Nếu qua khỏi, hơn 85% bà mẹ bị chấn thương thần kinh do tình trạng thiếu oxy não. Riêng thai nhi, con số tử vong dao động từ 20 - 60% và nếu may mắn sống sót, 50% trẻ bị những di chứng thần kinh nặng nề.
Còn theo kết quả cuộc điều tra tử vong mẹ và trẻ sơ sinh Việt Nam, Bộ Y tế cho thấy có 71,5% các trường hợp mẹ tử vong là do các tai biến sản khoa, trong đó tỷ lệ tử vong do thuyên tắc ối lên đến 34,7%.
Thuyên tắc mạch ối khi sinh là tai biến sản khoa nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nhưng nếu được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời, cả thai phụ và thai nhi có sống sót. Các phương pháp điều trị bệnh khẩn cấp gồm:
Đối với thai phụ:
- Điều trị bao gồm kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa thuyên tắc mạch ối dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.
- Cung cấp oxy hoặc máy thở có thể giúp thai phụ thở dễ dành, đảm bảo mẹ nhận đủ oxy là rất quan trọng để thai nhi cũng có đủ oxy.
- Đặt ống thông động mạch phổi để bác sĩ có thể theo dõi tim.
- Sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp.
- Trong nhiều trường hợp, cần truyền nhiều máu, tiểu cầu và huyết tương để thay thế lượng máu bị mất trong giai đoạn xuất huyết.
Đối với trẻ sơ sinh:
Bác sĩ sẽ theo dõi thai nhi, thai nhi rất có thể sẽ chào đời ngay sau khi tình trạng của thai phụ ổn định. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sơ sinh được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt để theo dõi chặt chẽ.
6. Các biến chứng của thuyên tắc ối
BS. Nguyễn Tuấn Anh cho biết, biến chứng của thuyên tắc ối xảy ra đột ngột, diễn tiến cực kỳ nhanh, tỷ lệ cứu sống rất thấp mà lại không hề có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào, thuyên tắc ối gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho cả thai phụ và thai nhi.
Đối với thai phụ:
- Suy tim và phổi
- Mất ý thức
- Co giật
- Chảy máu quá nhiều
- Đông máu nội mạch lan tỏa - một loại vấn đề về đông máu.
- Đột quỵ ngừng tim, tổn thương não gây mất trí nhớ
- Tử vong
Đối với thai nhi:
Thai nhi có nguy cơ bị biến chứng tùy thuộc vào thời điểm xảy ra thuyên tắc nước ối. Có thể cần phải sinh khẩn cấp nếu các triệu chứng bắt đầu trước khi thai nhi được sinh ra. Em bé được sinh ra khi thuyên tắc nước ối đã bắt đầu có nguy cơ không nhận đủ oxy. Thiếu oxy có thể gây ra suy yếu trong hệ thống thần kinh nhẹ hoặc nặng và bại não.
7. Phòng tránh thuyên tắc mạch ối
Hiện vẫn chưa có phương pháp dự phòng tai biến sản khoa nguy hiểm này. Tuy nhiên, thai phụ cần đi khám định kỳ, siêu âm theo lịch hẹn của bác sĩ có thể phát hiện sớm các các dấu hiệu bất thường, ngăn ngừa và xử lý kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Nếu đã bị từng bị thuyên tắc ối và có dự định sinh con, trước tiên phụ nữ nên đi khám nói chuyện với bác sĩ sản khoa để bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi quá trình mang thai và có những dự phòng cho cuộc sinh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đái tháo đường thai kỳ, thai nhi có bị ảnh hưởng không?