Tảo nở hoa gây hại
Thủy triều đỏ là tên gọi chung cho những hiện tượng bùng phát tảo biển nở hoa gây ra bởi một số loại tảo ở các cửa sông, cửa biển hoặc tảo nước ngọt. Những tảo này có thể hình thành những đám dày đặc nhìn thấy ở gần bề mặt nước. Một số loài thực vật phù du, tảo chứa sắc tố quang hợp khác nhau về màu sắc, vì vậy không nhất thiết thủy triều đỏ là có màu đỏ. Khi mật độ tảo tập trung cao, nước sẽ đổi màu hay xỉn lại, từ tím đến gần như màu hồng, thường là màu đỏ hoặc màu xanh lá cây. Không phải tất cả việc nở rộ tảo đều dày đặc đủ để làm cho nước đổi màu, và không phải tất cả những hiện tượng nước đổi màu có liên quan đến nở rộ tảo đều đỏ. Ngoài ra, thủy triều đỏ cũng không thường gắn liền với hoạt động lên xuống của nước, do đó dùng khái niệm tảo nở hoa gây hại thì có lẽ chính xác hơn.
Và những tác hại
Hiện tượng bùng phát tảo nở hoa gây hại liên quan đến việc tăng sản xuất các độc tố tự nhiên, đồng thời làm giảm oxy hòa tan trong nước khiến cho các loài sống ven biển như cá, chim và các sinh vật khác chết hàng loạt đã được ghi nhận ở rất nhiều nơi trên thế giới. Qua theo dõi và nghiên cứu, người ta thấy nhóm tảo dinoflagellates sinh ra thành phần độc tố chính trong thủy triều đỏ là brevetoxin cùng các độc tố khác. Sự di chuyển của các dòng hải lưu đưa chất độc này đi xa hơn cùng những yếu tố khác như chất thải từ kim loại nặng được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra thủy triều đỏ. Một số sự kiện tảo nở hoa tại bờ biển Thái Bình Dương được cho là có mối liên hệ với sự xuất hiện của các biến đổi khí hậu Elnino.
Hiện nay các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến những nguyên nhân gây ra hiện tượng bùng phát tảo nở hoa gây hại từ hoạt động của con người như sử dụng quá nhiều các chất hóa học trong nuôi trồng (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), tác động biến đổi khí hậu, tác động do chất thải các khu công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng cũng gây ra hiện tượng tảo nở hoa gây hại. Nhiều thành phần độc tố trong thủy triều đỏ tạo thành những hợp chất cao phân tử và đều có khả năng gây tê liệt hệ thần kinh rất mạnh. Điều đó giải thích tại sao khi xuất hiện thủy triều đỏ, các sinh vật sống trong nước như cá, tôm chết hàng loạt gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng độc hại đến các sinh vật khác… Những người sống trong vùng thủy triều đỏ hoặc có tiếp xúc với hiện tượng này gián tiếp qua tự nhiên cũng có thể bị kích ứng đường hô hấp (ho, hắt hơi và chảy nước mắt), kích ứng da…Nếu ăn phải những sinh vật độc hại do nhiễm chất độc từ tảo như cá, tôm, chim biển, tảo biển có thể dẫn đến ngộ độc gây liệt cơ hoặc tử vong.
Hiện tượng tự nhiên độc hại và nguy hiểm này hiện nay vẫn đang được tiếp tục theo dõi và nghiên cứu. Nhiều nhà khoa học cho rằng hiện tượng thủy triều đỏ chỉ xảy ra với các sinh vật ở tầng mặt nước chứ không gây nhiễm độc với các sinh vật ở tầng đáy. Điều có thể khẳng định ở đây là môi trường độc hại do sự bùng phát các sinh vật phù du trong nước, đặc biệt là tảo nở hoa và do đó nó tiêu tốn một lượng khí oxy cực lớn, đồng thời thải ra môi trường nhiều chất độc cực mạnh có thể gây chết hàng loạt thủy sản như cá, tôm, chim biển là một hiện tượng tự nhiên cần phải được cảnh báo và nghiên cứu kỹ hơn nữa. Hiện tượng này có phần nguyên nhân từ hoạt động của con người. Sự độc hại của nó ảnh hưởng đến tự nhiên, gây chết hàng loạt tôm cá, đồng thời gây ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên cũng như xã hội.
Hiện tượng thuỷ triều đỏ