Dù không phải thành viên Liên minh châu Âu (EU), thỏa thuận giữa Thụy Sỹ với EU cho phép công dân EU sinh sống làm việc tại Thụy Sỹ và ngược lại. Nó cũng cho phép Thụy Sỹ gia nhập thị trường một cửa, miễn thuế hàng hóa dịch vụ của EU. Sự thay đổi về quyền tự do đi lại giữa Thụy Sỹ và EU có thể ảnh hưởng tới 460.000 công dân Thụy Sỹ sinh sống ở châu Âu.
Quốc hội, Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ, Hiệp hội Thương mại Thụy Sỹ đã lên tiếng phản đối sáng kiến "hủy bỏ tự do đi lại giữa Thụy Sỹ với các nước thuộc Liên minh châu Âu", một trong những sáng kiến thay đổi đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý tại Thụy Sỹ.
Trong một thông cáo, Quốc hội, Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ tuyên bố: "Người dân nên nói không với sáng kiến trên. Nó sẽ gây hại tới quan hệ ổn định của Thụy Sỹ với EU, đe dọa tới việc làm và thịnh vượng khi đối mặt với bất ổn kinh tế. Theo bà Daniela Schneeberger-Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghệ thuật Thủ công Thụy Sỹ, mạng lưới quốc tế là nhân tố cần thiết đối với thành công kinh tế của Thụy Sỹ. Hiệp hội Thương mại Thụy Sỹ (STSA) cho rằng đây là “sáng kiến mang tính hủy diệt” bởi nó sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
GS.Pascal Sciarini, Đại học Geneva cho biết: "Tự do đi lại là một phần thỏa thuận song phương với Liên minh châu Âu (EU) trên nhiều lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp và hàng không. Nếu quyền tự do đi lại bị ảnh hưởng, những lĩnh vực khác cũng sẽ sụp đổ." bởi những nhân tố này có mối quan hệ nhân quả với nhau. Sự thay đổi cũng có thể dẫn đến những nghiên cứu chung trong hợp tác khoa học EU-Thụy Sỹ bị ảnh hưởng, ông cho hay.