Sáng ngày 6/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có công điện gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình về việc mở tiếp cửa xả đáy thứ 4 hồ thủy điện Hòa Bình. Theo đó, hồi 7h ngày 6/8, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 107,82m, lưu lượng đến hồ 9.241m3/s, lưu lượng xả 7.144m3/s.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở tiếp cửa xả đáy thứ 4 hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 11h ngày 6/8. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Hòa Bình.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Chủ hồ có giải pháp đảm bảo an toàn đối với người dân hiếu kỳ đến gần khu vực xem xả lũ. Báo cáo và đề xuất kịp thời phương án xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình xả lũ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tính đến ngày 6/8, cả 4 hồ chứa thủy điện lớn nhất miền Bắc gồm Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang và Thác Bà, đều đang vận hành điều tiết lũ do lưu lượng nước về hồ lớn. Hiện, mỗi hồ chứa đang mở 3 cửa xả (đáy, mặt). Theo đó, tổng số cửa xả đang mở để điều tiết lũ của 4 hồ chứa là 12 cửa.
Việc gia tăng xả lũ từ các hồ chứa thủy điện khiến mực nước sông Hồng trên toàn hệ thống liên tục lên cao. Trong đó, mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội (khu vực cầu Long Biên) đã liên tục tăng và dự kiến sẽ còn tiếp tục lên cao khi các hồ chứa duy trì xả lũ trong những ngày tới.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải, dù mực nước sông Hồng tại điểm quan trắc trạm thủy văn Hà Nội hiện vẫn thấp hơn so với mức báo động I (9,5m), tuy nhiên nguy cơ ảnh hưởng ngập lụt là không thể chủ quan nếu các hồ chứa tiếp tục tăng cường xả lũ. Đặc biệt là khi hệ thống sông Hồng đoạn qua trung tâm Hà Nội trải dài gần 40km, với nhiều trọng điểm đê điều xung yếu.
Trong bối cảnh các hồ chứa thủy điện gia tăng xả lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ để thông tin kịp thời về vận hành điều tiết lũ của các doanh nghiệp thủy điện ở thượng lưu sông Hồng.
Trước thời điểm hồ chứa thủy điện tăng cường xả lũ, các địa phương ven sông Hồng đều chủ động nắm bắt để thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, các phương tiện vận tải thuỷ… biết thông tin để chủ động các biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Kể từ giữa tháng 7 đến nay, tại khu vực Bắc Bộ ghi nhận thời tiết mưa kéo dài trên diện rộng. Lượng mưa đặc biệt lớn vào thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 đã gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Hà Giang…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ông Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 21 năm tù, lau nước mắt vì ‘hối hận muộn màng’ | SKĐS