Nguy cơ lũ quét, sạt lở
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 17/10, mưa lũ đã khiến ba người chết và mất tích. Để bảo đảm an toàn cho người dân, tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành di dời 426 hộ dân, Quảng Nam 236 hộ dân, Quảng Bình 43 hộ dân trong vùng ngập lụt, vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Mưa lũ cũng làm sáu vị trí đường giao thông địa phương tại Hà Tĩnh bị sạt lở; làm hàng chục điểm đường quốc lộ, đường giao thông địa phương tại Nghệ An, Quảng Bình, Đắk Lắk bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông. Chính quyền địa phương phối hợp với ngành giao thông đã lập rào chắn, điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục sự cố.
Về nông nghiệp, gần 1.000 ha cây lương thực tại Đắk Lắk bị ngập, cuốn trôi.
Tại khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to. Mưa lớn khiến lũ trên các sông lên cao, nhiều khu vực bị ngập lụt, chia cắt, nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất.
Thuỷ điện, hồ chứa xả tràn, nhiều nơi ngập sâu
Do mưa lớn kéo dài diễn ra liên tiếp trong nhiều ngày qua, với tổng lượng mưa mỗi đợt lên đến hàng trăm mm, đến nay khu vực Trung bộ và Tây Nguyên đã có 2.225/5.060 hồ đã đầy nước. Trong đó, tỷ lệ này tại Thanh Hóa là 385/610 hồ, Nghệ An là 1.029/1.061 hồ, Hà Tĩnh 292/323 hồ…
Đặc biệt, hiện đã có 109/221 hồ thủy điện phải xả qua tràn. Trong đó khu vực Bắc bộ có 40 hồ, Bắc Trung bộ có 13 hồ, Duyên Hải Nam Trung bộ có 12 hồ và khu vực Tây Nguyên có 39 hồ. Nhiều hồ có lưu lượng nước xả lớn như A Lưới 354/395 m3/s, Chi Khê 515/925 m3/s; Sông Bung 5: 625/850 m3/s; Sông Bung 6: 574/866 m3/s; Đăk rông 3A 1.419/1.529 m3/s…
Ngày 17/10, các thủy điện ở Quảng Nam đồng loạt xả lũ, nước sông Vu Gia dâng lên nhanh khiến các tuyến đường, nhà dân trên địa bàn huyện Đại Lộc ngập sâu trong nước. Tại xã Đại Lãnh, nước dâng khiến khoảng 1.500 hộ dân bị ngập sâu.
Tương tự, tại xã Đại Đồng, nước dâng khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân ngập trong nước, giao thông một số đoạn bị chia cắt. Ngoài các khu vực kể trên, nhiều nơi như thị trấn Ái Nghĩa, xã Đại Hương… cũng bị ngập sâu, các phương tiện không thể di chuyển.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, Ban chỉ đạo đang yêu cầu các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập. Trường hợp cần thiết thì tiến hành xả lũ kịp thời. Các địa phương cần cử người ứng trực 24/24h và thường xuyên cập nhật thông tin đến chính quyền và người dân. Khi có tình huống xảy ra, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia và Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Quốc lộ 1 qua Thừa Thiên Huế ách tắc do ngập lụt
Kể từ chiều 17/10, hồ chứa thủy lợi Tả Trạch có dung tích hơn 600 triệu m3 nước ở thượng nguồn sông Hương và hồ thủy điện Hương Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) nhận lệnh tăng cường xả nước với lưu lượng lớn về hạ du. Trong khi đó, đoạn Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh bị ngập nặng gây ách tắc giao thông và khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 24 giờ qua, lưu vực hồ Tả Trạch có mưa rất to, lượng mưa đo được ở các trạm dao động từ 200-250mm.
Đường sá bị ngập khiến hoạt động đi lại trên tuyến gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều xe cộ bị chết máy, hư hỏng buộc nhiều người phải đi bộ qua đoạn đường ngập lụt nguy hiểm. Trước tình hình này, lực lượng CSGT đã tăng cường nhân lực tổ chức điều tiết, phân luồng hướng dẫn giao thông, hỗ trợ người dân lưu thông an toàn qua đoạn Quốc lộ 1 bị ngập, có nước chảy xiết.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hoàn lưu bão số 8 và mưa lớn gây nhiều thiệt hại tại Yên Bái.