Thủy đậu trong thai kỳ

11-01-2017 15:45 | Đời sống
google news

SKĐS - Tình trạng phơi nhiễm cho trẻ sơ sinh có thể xảy ra trước hoặc trong lúc sinh và có thể dẫn đến bệnh cảnh thủy đậu sơ sinh. Rất hiếm trường hợp các trẻ sơ sinh này tiến triển thành bệnh lý hệ thống thần kinh trung ương.

(Tiếp theo kỳ trước)

Phơi nhiễm chu sinh

Tình trạng phơi nhiễm cho trẻ sơ sinh có thể xảy ra trước hoặc trong lúc sinh và có thể dẫn đến bệnh cảnh thủy đậu sơ sinh. Rất hiếm trường hợp các trẻ sơ sinh này tiến triển thành bệnh lý hệ thống thần kinh trung ương.

Nhiễm trùng sơ sinh có thể xảy ra nguyên phát khi các dấu hiệu nhiễm trùng của mẹ xảy ra trước sinh 5 ngày và sau sinh 2 ngày. Giai đoạn này liên quan đến sự hình thành IgG của mẹ nhưng quá trình miễn dịch thụ động qua bánh nhau từ mẹ sinh con lại quá ngắn. Khi huyết thanh thủy đậu được sử dụng cho mẹ, 30 - 40% trẻ sơ sinh vẫn có thể mắc bệnh. Tuy vậy, số lượng các biến chứng sẽ giảm hơn.

Thủy đậu trong thai kỳ

Phòng ngừa biến chứng cho mẹ

Hiệu quả của việc điều trị viêm phổi do thủy đậu bằng các thuốc kháng virút ở người lớn hiện vẫn còn bàn cãi và vẫn chưa có những nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên. Tuy vậy, trong một nghiên cứu, uống Acyclovir cho thấy có hiệu quả hơn giả dược trong việc làm giảm thời gian sốt và giảm các triệu chứng nhiễm trùng ở các trẻ em bị suy giảm miễn dịch hoặc người lớn có sức đề kháng tốt khi sử dụng trong vòng 24 giờ từ khi xuất hiện các hồng ban. Với kết quả nghiên cứu này, trẻ em và người lớn có nguy cơ cao (>100 mụn nước) và/hoặc mắc bệnh lý hô hấp phối hợp nên được điều trị bằng thuốc kháng virút dạng uống.

Phụ nữ mang thai bị viêm phổi do thủy đậu nên được điều trị bằng thuốc kháng virút dạng uống. Nếu bệnh nặng, nên sử dụng các thuốc kháng virút dạng tiêm truyền.

Phòng ngừa nhiễm trùng trong tử cung

Vắcxin

Việc chủng ngừa vắcxin bằng virút sống được thực hiện từ năm 1995. Tất cả trẻ nhỏ nên được tiêm ngừa thủy đậu liều đầu tiên thường quy lúc 12 - 15 tháng tuổi, liều thứ 2 tiêm khi 4 - 6 tuổi, trước khi đưa trẻ đến trường.

Trẻ vị thành niên ≥ 13 tuổi và người lớn chưa có miễn dịch thủy đậu nên được tiêm ngừa vắcxin thủy đậu 2 liều, cách nhau khoảng 4 - 8 tuần.

Với 2 liều vắcxin tiêm ngừa thủy đậu, tỉ lệ miễn dịch đạt 97 - 99%, tỉ lệ phòng ngừa thủy đậu đạt 98% và 100% phòng được bệnh nặng. Tuy vậy, việc tiêm ngừa cho phụ nữ trước khi mang thai hoặc mang thai tháng thứ nhất không được khuyến cáo do những tác dụng ngoại ý của vắcxin. Mặc dù vậy, theo một báo cáo: 362 trường hợp mang thai tình nguyện được tiêm vắcxin thủy đậu, chưa ghi nhận trường hợp nào mắc CVS hoặc các dị dạng bẩm sinh khác.

Thủy đậu trong thai kỳ

Huyết thanh thủy đậu

Huyết thanh thủy đậu (Varicella Zoster Immunoglobulin - VZIG) cho thấy giúp giảm tỉ lệ nhiễm thủy đậu nếu được tiêm trong vòng 72 - 96 giờ sau khi phơi nhiễm. Liều lượng 125UI/10kg cân nặng (tiêm bắp), liều tối đa 625UI. VZIG được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh thủy đậu.

Giá trị chủ yếu của VZIG là nhằm ngăn chặn nhiễm trùng ở mẹ. Tuy nhiên, chúng cũng có thể có một vài hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ nhiễm trùng ở thai. Trong một nghiên cứu trên 1.373 trường hợp thai phụ bị nhiễm thủy đậu trong thai kỳ, 9 trường hợp CVS được phát hiện, tất cả đều xảy ra khi mẹ mắc bệnh trong 20 tuần đầu. Tuy nhiên, không có trường hợp CVS nào được báo cáo trong số 97 thai phụ được tiêm VZIG dự phòng sau phơi nhiễm.

VZIG được khuyến cáo cho những trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm VZV 5 ngày trước và 2 ngày sau sinh. Trẻ sơ sinh sinh trước hay sau thời gian này không cần tiêm miễn dịch thụ động bởi không có nguy cơ bị thủy đậu sơ sinh nặng.

VZIG không có vai trò trong việc phòng ngừa nhiễm trùng, chúng có thể làm giảm độ nặng của nhiễm trùng sơ sinh nhưng không đem lại hiệu quả một khi những dấu hiệu của thủy đậu đã rõ ràng.

Điều trị

Acyclovir: có tác dụng ức chế sự sao chép virút trong máu mẹ và giới hạn sự di chuyển qua nhau thai.

So với giả dược, Acyclovir có hiệu quả hơn trong việc làm giảm thời gian sốt, giảm các triệu chứng nhiễm trùng ở những trẻ bị suy giảm miễn dịch và người lớn có sức đề kháng tốt khi sử dụng trong vòng 24 giờ từ khi xuất hiện các hồng ban.

Điều trị bằng thuốc kháng virút một mình hoặc kết hợp với VZIG được khuyến cáo để điều trị thủy đậu thai kỳ. Tất cả phụ nữ mang thai bị thủy đậu nên được cho uống Acyclovir 20 mg/kg, 4 lần/ngày trong 5 ngày hoặc valacyclovir để làm giảm thời gian sốt và các triệu chứng của bệnh. Trong trường hợp thai phụ bị viêm phổi do thủy đậu cũng nên sử dụng Acyclovir, do có nghiên cứu cho thấy việc giảm tỉ lệ tử vong thai phụ ở nhóm được điều trị so với nhóm không điều trị.

Trong trường hợp nhiễm virút có biến chứng nặng như viêm phổi, Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên sử dụng acyclovir dạng tiêm. Thuốc không được khuyến cáo dự phòng trong trường hợp thai phụ bị phơi nhiễm với thủy đậu.

Kết luận và khuyến cáo

- Nhiễm VZV có thể gây ra 2 bệnh cảnh: thủy đậu và herpes zoster.

- Thủy đậu ở trẻ nhỏ thường diễn tiến nhẹ hơn so với người lớn, ở phụ nữ mang thai thường nặng hơn so với phụ nữ không mang thai.

- Nếu mẹ mắc thủy đậu trong thai kỳ, nguy cơ thai bị CVS thường thấp, 0,4 - 2%.

- Biến chứng thường gặp nhất ở mẹ là viêm phổi do thủy đậu (10%) với đặc điểm giảm oxy nhanh chóng, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không điều trị.

- CVS được đặc trưng bởi: các tổn thương ở da, thai chậm phát triển trong tử cung, bệnh lý thần kinh, mắt và các bất thường ở chi.

- Tầm soát nguy cơ bị CVS bằng cách thực hiện xét nghiệm PCR nước ối tìm DNA VZV, kết hợp với siêu âm hình thái để tìm những đặc điểm bất thường về cấu trúc thai nhi.

- Điều trị bằng thuốc kháng virút acyclovir cho thấy cải thiện sớm được các tổn thương da và làm giảm thời gian sốt nếu được dùng trong 24 giờ từ khi có triệu chứng.

- VZIG làm giảm tỉ lệ nhiễm thủy đậu nếu được tiêm trong vòng 72 - 96 giờ sau khi phơi nhiễm.


BS.CKII. NGUYỄN DUY LINH
Ý kiến của bạn