Dạo này tôi hay bị nháy mắt nhất là khi tập trung nhìn vào một vật nào đó hoặc khi chăm chú lắng nghe thì lại bị nháy mắt liên tục. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách điều trị căn bệnh này.
Nguyễn Thị Lan (Bắc Giang)
Khi cơ thể bị mệt mỏi do mất ngủ, do căng thẳng thần kinh, thiếu máu hoặc các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị, viêm giác mạc... cũng có thể gây nháy mắt. Ngoài ra, còn có các bệnh liên quan đến nháy mắt gồm: Tổn thương của nhân xám trong não, bệnh nơron thần kinh...
Điều trị nháy mắt cần phối hợp giữa việc dùng thuốc, nghỉ ngơi và tâm lý liệu pháp. Các thuốc được sử dụng nhằm mục đích chủ yếu là lập lại cân bằng giữa hai hệ thần kinh thể dịch: Dopamine là chất trung gian thần kinh gây co cơ và cholinergic là chất trung gian thần kinh gây giãn cơ. Trường hợp nặng, có thể phải can thiệp phẫu thuật gồm nhiều phương pháp như: Hủy một số nhánh của dây thần kinh số VII; cắt lọc cơ vòng trên sụn và trước sụn, treo mi; tiêm độc tố gây liệt cơ...
Khi nháy mắt được can thiệp điều trị, cần phòng bệnh quay trở lại bằng cách sắp xếp thời gian để ngủ đủ 7 - 8 giờ mỗi ngày tránh cho mắt không bị mệt mỏi do thiếu ngủ. Loại bỏ hoặc hạn chế những trạng thái gây căng thẳng thần kinh. Khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị tích cực các bệnh gây nháy mắt như: Thiếu máu, cận thị, loạn thị, viêm giác mạc, bệnh gây tổn thương dây thần kinh số V.