“Thương”... xe cứu thương

14-03-2016 07:18 | Xã hội
google news

SKĐS - Hiện nay, hoạt động điều xe cứu thương cấp cứu người bệnh tại các đô thị lớn ở nước ta còn nhiều vấn đề đáng bàn như sự quá tải, tắc đường và ý thức kém của người dân… Vấn đề này bao giờ được cải thiện cũng là nỗi niềm của các bác sĩ trong nghề.

Chưa đáp ứng 1/10 nhu cầu

Trong những năm gần đây, số lượng các nạn nhân phải nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông (TNGT) tại nước ta chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Chưa tính đến số lượng người ốm, người tai biến có nhu cầu gọi xe cứu thương, số lượng các nạn nhân cần đến xe cấp cứu là rất lớn, tuy nhiên, hệ thống cấp cứu 115 hiện nay của nước ta chưa thể đáp ứng.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo, để đảm bảo hoạt động cấp cứu kịp thời, cứ 1 triệu dân phải có 15 kíp cấp cứu. Nhưng tại Hà Nội - một trong những đô thị lớn nhất cả nước, nơi tập trung khoảng gần 10 triệu dân nhưng tổng số kíp cấp cứu chỉ có 14, chưa bằng 1/10 mức khuyến cáo của WHO, với 5 trạm gồm: Trạm trung tâm, Thanh Trì, Hà Đông, Gia Lâm và Bắc Từ Liêm với nhân lực chỉ có 32 bác sĩ và 64 điều dưỡng.

Giao thông luôn kẹt cứng, cản trở xe cấp cứu mỗi khi di chuyển.

Theo chia sẻ của BS. Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, đã trực cấp cứu115, ai cũng muốn đến giúp bệnh nhân sớm nhất có thể nhưng với thực tế đường sá chật hẹp, giao thông hỗn loạn như hiện nay, cấp cứu không thể lúc nào cũng đến sớm nhất như mong muốn. Trong thời gian tới, để giảm thời gian xe cấp cứu di chuyển trên đường, Trung tâm đang có kế hoạch xây dựng bộ đàm, kết nối với VOV giao thông để xem đi đường nào ít tắc nhất, nhanh nhất để kịp thời cấp cứu cho các nạn nhân.

Cần thiết việc nâng cao kỹ năng sơ cứu ban đầu

Hiện nay, thực trạng tắc đường hàng ngày, giao thông hỗn loạn trên các tuyến phố tại Hà Nội, đặc biệt trong những giờ cao điểm khiến cho nhiều xe cấp cứu liên tục hú còi nhưng phải chịu “bó bánh” giữa vòng vây là những hình ảnh mà ai tham gia giao thông cũng có thể bắt gặp. Theo chia sẻ của một người dân sống trên đường Nguyễn Trãi (Q. Hà Đông, Hà Nội): “Tôi quá quen cảnh tắc đường kéo dài suốt đường Nguyễn Trãi, buổi sáng thì tắc hướng Hà Đông vào Hà Nội, chiều thì ngược lại. Nhiều hôm có xe cấp cứu hú còi liên hồi nhưng không còn đường nào để đi, xe dày đặc, tiếng còi inh ỏi nhiều người muốn tránh đường cho xe cấp cứu thoát ra cũng không thể. Mới đây, trên đoạn ngã tư đường Kim Mã, Giang Văn Minh (Hà Nội), tôi đã chứng kiến 3 làn xe ôtô chình ình, chạy dàn hàng ngang hết mặt đường mặc cho xe cứu thương hú còi liên tục cũng chẳng có xe nào chịu dừng lại nhường đường”.

Bên cạnh vấn đề ý thức kém của người tham gia giao thông thì vấn đề quậy phá, trêu trọc tổng đài của một số người ý thức kém nhiều khi cũng gây nên hậu quả không hề nhỏ. Bởi vậy, cần phải có chế tài xử phạt và tăng cường công tác giáo dục cho các đối tượng này.

Có thể thấy, hệ thống cấp cứu 115 tại Việt Nam vẫn còn mỏng, kỹ năng sơ cứu tại chỗ của người dân lại chưa được cộng đồng quan tâm, trong khi đó, với các nạn nhân tai nạn, nếu được sơ cứu ban đầu đúng cách có thể giúp tăng 50% cơ hội sống.  Thiết nghĩ, bên cạnh việc khắc phục những tồn tại như: thực trạng tắc đường, ý thức tham gia giao thông, đặc biệt là việc nhường đường cho xe ưu tiên còn rất cần việc nâng cao kỹ năng sơ cứu ban đầu cho mọi người trước khi chuyển đến cơ sở y tế kịp thời.


Nguyễn Minh
Ý kiến của bạn