Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, ngày 5/6, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Nội dung này sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp đặc biệt về dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
Quyết định trình Quốc hội dự án đường cao tốc Bắc - Nam ngay trong kỳ họp này
Trước đó, chiều tối 2/6, sau khi kết thúc phiên thảo luận ở hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đột xuất đặc biệt quan trọng để cho ý kiến về một số nội dung, trong đó có việc xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam và phê chuẩn bổ nhiệm 2 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đây là những nội dung Chính phủ chưa kịp chuẩn bị hồ sơ để trình Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp cuối cùng trước khi Quốc hội chính thức khai mạc. Sau phiên họp này, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ bổ sung 2 nội dung trên vào chương trình kỳ họp của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đây đều là những nội dung quan trọng nên lần đầu tiên kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ họp để bổ sung nội dung không có trong chương trình báo cáo Quốc hội ở đầu kỳ họp. Đây cũng là những nội dung đặt ra trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 3, nhưng để bảo đảm thời gian cho các cơ quan chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đưa vào chương trình. Việc bổ sung các nội dung này vào kỳ họp đang diễn ra là hết sức cần thiết.
Tại phiên họp này, đa số ý kiến tán thành đưa dự án cao tốc Bắc - Nam vào kỳ họp để xin ý kiến Quốc hội. Sau đó đoàn thư ký của Quốc hội sẽ sắp xếp lịch để đưa vào chương trình, xin ý kiến bước đầu của Quốc hội.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (điểm cuối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Điểm cuối dự án tại nút giao Dầu Giây (điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Dự án có chiều dài khoảng 1.372km, đi qua 16 tỉnh, thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai. Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư toàn dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng. Giai đoạn 1 (2017 - 2025) khoảng 243.312 tỷ đồng và giai đoạn 2 (sau năm 2025) khoảng 69.123 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án này, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất chọn phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo đề xuất của Bộ GTVT để Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư. Theo đó, với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỉ đồng, trong giai đoạn 1, Bộ GTVT sẽ kêu gọi thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư để xây dựng mới các đoạn cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn 2017- 2020 gồm đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) và đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) với tổng chiều dài khoảng 632km. Đồng thời mở rộng đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn La Sơn (Thừa Thiên Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) từ 2 làn xe lên 4 làn xe cao tốc, tổng chiều dài khoảng 81km.
Để đầu tư và giải phóng mặt bằng khoảng 713km đường cao tốc Bắc - Nam nói trên cần tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng hơn 130.000 tỉ đồng. Từ năm 2021 - 2025 sẽ đầu tư các đoạn còn lại gồm Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) và Quảng Ngãi - Nha Trang (Khánh Hòa) với chiều dài khoảng 659km để nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Hà Nội đến TP.HCM. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 113.000 tỉ đồng.
Giai đoạn 2, từ năm 2025 sẽ mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt; dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 69.100 tỉ đồng.
Quốc hội dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn
Thực hiện chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, từ ngày 13 - 15/6/2017, Quốc hội sẽ tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn có liên quan.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trả lời đối với nhóm vấn đề về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh. Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tham dự phiên chất vấn để giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Kênh truyền hình Quốc hội và Cổng thông tin điện tử Quốc hội (http://www.quochoi.vn) để đồng bào, cử tri cả nước theo dõi, giám sát.