Tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến "Hiến tạng - Cho đi là còn mãi", do Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống (suckhoedoisong.vn) phối hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức, Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng - Tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam đã giải đáp nhiều thắc mắc của độc giả về vấn đề tâm linh cũng như phước báo của vịệc hiến tạng.
Quan điểm của Phật giáo về hiến tạng, mô và hiến xác - Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Đức Phật khích lệ hãy hiến tặng bằng lòng từ bi
Hồi đáp câu hỏi "Liệu rằng trong đạo Phật có điều răn nào là người theo đạo Phật không được hiến tạng, hiến xác khi chết hay không?", Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết: Triết lý Phật giáo không ngăn cấm những hành động từ bi và nhân văn cao cả như hiến mô, hiến xác, hiến tạng cho y học. Trong Phật giáo có khái niệm bố thí nội tài bên cạnh bố thí các tài sản vật chất, bố thí tri thức và bố thí niềm vui, không sợ hãi. Khái niệm nội tài trong triết học Phật giáo bao gồm toàn bộ sự sống trên cơ thể con người và ở mức độ mà y học ngày nay quan tâm là những tri phần trực thuộc trong sự sống này bao gồm hiến mô, hiến tạng và hiến bộ phận cơ thể cho y học. Phật giáo về bản chất, lý thuyết và thực tiễn là khích lệ việc hiến mô, tạng, vì đó là sự bố thí nội tạng.
"Vào thời điểm khi Đức Phật đề cập đến sự khích lệ, bố thí nội tài thì nhiều người không hiểu là Ngài nói đến điều gì, vì khi đó y học chưa tiến bộ như ngày nay. Khi y học phát triển thì tầm nhìn của Đức Phật về khích lệ lòng nhân ái mang lại sự sống là rất sâu sắc. Do đó những người tu học Phật có được thuận lợi ở chỗ là đã được Đức Phật khích lệ hãy hiến tặng bằng lòng từ bi lớn, bằng thái độ vô ngã lớn, bằng sự quan hoài lớn đối với những ai có nhu cầu lắp ghép để sự sống của họ có thể tái sinh thêm một lần nữa ngay trong kiếp sống này"- Thượng tọa lý giải.
Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Do đó, Thượng tọa cho rằng, chương trình vận động hiến mô, tạng và cơ thể cho y học rất phù hợp với triết lý Phật giáo và tăng ni, Phật tử trong nước cũng như người Việt ở nước ngoài. Trong nhiều năm qua kể từ khi chương trình này được thực hiện đã có những dấn thân rất tích cực.
Thượng tọa đã đăng ký hiến mô tạng và hiến xác
Một thực tế cho thấy đã có rất nhiều nhà tu hành, nhà sư đã đến các bệnh viện để đăng ký tình nguyện hiến tạng sau khi chết não, thậm chí ngay cả khi còn sống. Điều đó chứng tỏ, các nhà tu hành đều nhận thức rất rõ ý nghĩa cao cả của việc hiến tạng để cứu người. Bản thân Thượng tọa Thích Nhật Từ, từ năm 2014, Thượng tọa đã đăng ký hiến mô tạng và hiến xác; đồng thời rất tích cực vận động mọi người cùng tham gia hoạt động nhân văn này.
“Các Phật tử có kết nối trên mạng facebook với tôi năm 2014 đã có 215 người hưởng ứng, ngày 26/11/2016 vừa qua phối hợp với Trung tâm điều phối Quốc gia về hiến, ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người, chúng tôi đã vận động thành công 449 người. Tôi cho rằng, tấm lòng cao thượng như một tiềm năng ở mỗi con người ai cũng có cả...”- Thượng tọa nói.
Trước những do dự của nhiều người trong vấn đề hiến tạng, hiến xác, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhắn nhủ, nói theo Phật giáo là hãy an nhiên, thư thái, thoải mái, thảnh thơi, rũ bỏ hết tất cả mọi nỗi lo để làm một nghĩa cử cao thượng cho cuộc đời. Thầy cũng tha thiết kêu gọi mọi người hãy nhập cuộc, hãy làm việc thiện để giúp ích cho cuộc đời. Khi đó chúng ta sẽ không còn lo trong tương lai là nguồn cung cấp tạng bị khan hiếm như bây giờ. Là một con người, chúng ta đừng đánh mất cơ hội hoặc trì hoãn, kéo dài cơ hội để mình đóng góp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc của con người ngày càng được vun đắp và đó chính là sự màu nhiệm của cuộc sống.
Nhiều thắc mắc của bạn đọc đã được các chuyên gia giải đáp chi tiết trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Hiến tạng - Cho đi là còn mãi".
Sai lầm khi nghĩ "chết phải toàn thây"
Vấn đề lớn nhất khiến nhiều người chưa sẵn sàng cho việc hiến tạng khi chết não là quan niệm "Chết toàn thây" ăn sâu bao đời. Về vấn đề này, Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định, việc cho rằng, hiến mô tạng và thi thể cho y học sẽ dẫn đến kết quả không toàn vẹn trong kiếp sau là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Trong quan niệm của Phật giáo, việc hiến mô, tạng và thi thể hoàn toàn không có một trở ngại gì cho tiến trình tái sinh của người chết sau đó mà ngược lại nó còn có những “quả phúc” rất đáng kể. Do vậy, những người quan tâm đến hạnh phúc của cuộc sống nên tình nguyện hiến tạng mà Đức Phật gọi là bố thí nội tài.
Thượng tọa lý giải cặn kẽ: “Không có cách chết nào với các hình thức tống táng nào mà dẫn đến sự toàn thây được. Nếu có chăng thì cũng chỉ là tạm thời thôi. Hình thức tống táng chúng ta thấy trong mấy nghìn năm lịch sử đã sử dụng phổ thông nhất là thổ táng và những loại gỗ quý có thể giữ thi thể người chết trong vòng vài chục năm thì các loại gỗ làm linh cữu thông thường chỉ có thể giữ thi thể trong vòng vài năm là tan rã, trở thành tro bụi. Ngày nay thì có phương pháp hỏa táng thì trong vòng 4-6 tiếng thi thể con người cũng trở thành tro bụi nhanh hơn.
Xa xưa tại Tây Tạng mà ngày nay một số bộ tộc tại khu vực này vẫn còn sử dụng là điểu táng, tức là biến thi thể người chết trở thành phương tiện trong ngày hôm đó cho các loài động vật ăn thi thể này để chúng không có cơ hội và không cần giết các con vật nhỏ hơn. Như vậy là người Tây Tạng xa xưa đã nhìn thấy được rằng thi thể tưởng chừng như vô dụng, vốn có thể tạo ra sự đau buồn về sinh ly tử biệt lại có thể trở thành hữu dụng để cứu lấy các con vật khác. Cách đó người ta còn gọi là lâm táng, tức là treo thi thể ở trong rừng, những trường hợp để ngoài trởi thì gọi là thiên táng. 3 phương pháp tống táng này đều làm cho cơ thể không còn nguyên vẹn. Do đó, việc cho rằng, hiến mô tạng và thi thể cho y học sẽ dẫn đến kết quả không toàn vẹn trong kiếp sau là quan niệm hoàn toàn sai lầm”.
“Đi theo Phật giáo thì cái chết không phải là dấu chấm cuối cùng trong cuộc đời. Chỉ trong vòng vài tích tắc sau khi chết là sự sống được tái sinh trong hình thái một phôi thai của một người mẹ mới. Lúc đó thì tâm thức của người chết đã hiến mô, tạng và thi thể sẽ được tái tạo trong bào thai của một người mẹ mới và phụ thuộc vào sức khỏe của người mẹ đó, di truyền của người mẹ và người cha mới nên khi sinh ra vẫn toàn vẹn, ngoại trừ những trường hợp bị dị tật bẩm sinh do chế độ ăn uống không thích hợp trong thời kỳ mang thai” - Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết.