Hà Nội

Thưởng thức 4 lễ hội đặc sắc của dân tộc Dao, Thái, Gia Rai, Khmer giữa lòng Hà Nội

02-04-2022 09:24 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhiều lễ hội, phong tục tập quán đặc sắc của các dân tộc thiểu số sẽ được tái hiện và giới thiệu đến người dân Thủ đô trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2022.

Nghệ sĩ nhớ thương ‘giọng đọc vàng’ - NSƯT Minh TríNghệ sĩ nhớ thương ‘giọng đọc vàng’ - NSƯT Minh Trí

SKĐS - Nhiều nghệ sĩ, khán giả đã chia sẻ cảm xúc về NSƯT Minh Trí – phát thanh viên có “giọng đọc vàng” trên sóng truyền hình vừa qua đời ở tuổi 77.

Thông tin từ Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) từ 16 – 18/4 nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).

Sự kiện này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022, Ban tổ chức sẽ tái hiện, giới thiệu quảng bá, phát huy giá trị văn hóa các lễ hội, phong tục tập quán của dân tộc Dao, Thái, Gia Rai, Khmer giữa lòng Hà Nội.

Thưởng thức lễ hội đặc sắc của dân tộc Dao, Thái, Gia Rai, Khmer giữa lòng Hà Nội - Ảnh 2.

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) hằng năm có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra ở các địa phương trên cả nước. (Ảnh minh họa).

Tái hiện Lễ cấp sắc của dân tộc Dao

Đối với dân tộc Dao, tục cấp sắc là nghi lễ quan trọng nhất trong đời người và sau lễ này, người được đặt tên sẽ có thần quyền cũng như tiếng nói trong xã hội, dân bản của đồng bào Dao. Lễ cấp sắc (còn gọi là lễ lập tịnh, lễ chẩu đàng). Tiếng Dao gọi là "Quá tăng, Tẩu sai hay là Phùn voòng", dịch sang tiếng Việt là cấp đèn.

Thưởng thức lễ hội đặc sắc của dân tộc Dao, Thái, Gia Rai, Khmer giữa lòng Hà Nội - Ảnh 3.

Thầy cúng mặc áo thêu hình rồng thực hiện các nghi thức cúng tế trong lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao ở Phú Thọ. (Ảnh: Trà Hương).

Cấp sắc không chỉ là một tục lệ rất phổ biến mà còn là bắt buộc đối với tất cả mọi đàn ông dân tộc Dao. Người nào được cấp sắc sau này chết, hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên. Đồng bào Dao có lòng tin sâu sắc rằng được cấp sắc thì làm ăn mới được may mắn, sinh hoạt mọi mặt mới được thuận lợi, dòng họ dân tộc mới phát triển. Vì thế, dù tốn kém như thế nào đồng bào Dao cũng tổ chức bằng được nghi lễ này.

Tái hiện Lễ hội Kin chiêng boọc mạy của dân tộc Thái

Lễ Kin chiêng boọc mạy là một lễ hội tín ngưỡng dân gian truyền thống độc đáo giúp phần thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa nhất là văn hóa tâm linh. Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt có giá trị không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Thái xứ Thanh.

Thưởng thức lễ hội đặc sắc của dân tộc Dao, Thái, Gia Rai, Khmer giữa lòng Hà Nội - Ảnh 4.

Lễ Kin chiêng boọc mạy là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt có giá trị không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Thái xứ Thanh.

Lễ Kin chiêng boọc mạy còn là một sinh hoạt văn hóa dân gian được cộng đồng người Thái sáng tạo ra từ lâu đời, nó được các thế hệ người Thái nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đến nay nó đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống và khá hoàn chỉnh về nghệ thuật trình diễn.

Đến với lễ hội người dân như được hòa mình vào một không gian văn hóa vùng cao đa sắc màu, được tự do giao lưu, trao đổi học hỏi và kết nối. Thông qua đó, toàn bộ đời sống bản Mường cổ truyền từ văn hóa sản xuất, văn hóa ứng xử, văn hóa tín ngưỡng đến văn hóa nhận thức về tự nhiên, xã hội, con người và vũ trụ quan của người Thái đều được tái hiện một cách sống động nhất, chân thực nhất.

Tái hiện Lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai

Sau mùa vụ thu hoạch lúa hằng năm, đồng bào Gia Rai lại tổ chức lễ cúng lúa mới để tạ ơn với thần linh, tổ tiên đã cho một năm mưa thuận gió hòa. Đây là dịp để toàn thể dân làng tạ ơn với Yang đã giúp dân làng có được một vụ mùa bội thu, no đủ. Đây cũng là một lễ hội lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Gia Rai.

Thưởng thức lễ hội đặc sắc của dân tộc Dao, Thái, Gia Rai, Khmer giữa lòng Hà Nội - Ảnh 5.

Lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai.

Lễ mừng lúa mới cũng là dịp để dân làng quây quần, chia sẻ niềm vui được mùa, hưởng thành quả lao động và cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho vụ mùa tiếp theo mưa thuận, gió hòa. Đây còn là lễ hội hội tụ những giá trị văn hóa độc đáo của cư dân nông nghiệp, thể hiện lòng thành của dân làng đối với các thần linh; đồng thời thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các thành viên tạo nên sức mạnh của cộng đồng.

Tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer

Tết Năm mới chính là lễ hội lớn nhất và mang tính tổng hợp nhất của đồng bào Khmer; không chỉ là dịp đồng bào thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn là dịp để tưởng nhớ tổ tiên quá vãng.

Thưởng thức lễ hội đặc sắc của dân tộc Dao, Thái, Gia Rai, Khmer giữa lòng Hà Nội - Ảnh 6.

Những ngọn núi cát tại được sư sãi, bà con phật tử trang trí trong ngày Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer ở Nam Bộ. (Ảnh: Pon Lư).

Tết Chôl Chnăm Thmây cũng là ngày tết quan trọng nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ (Việt Nam) và thường được tổ chức vào trung tuần tháng 4 dương lịch hàng năm. Người Khmer dùng Phật lịch để tính ngày tháng, và ngày bắt đầu năm mới sẽ được tổ chức khoảng đầu tháng Chét (tháng 4 dương lịch), đây cũng chính là thời điểm thu hoạch mùa màng trong năm, sau một vụ mùa bội thu, người dân tạ ơn Phật đã phù hộ và tổ chức hàng loạt các hoạt động vui chơi giải trí và cầu mong cho vụ mùa bội thu trong năm tới.

‘Lối về miền hoa’ không chỉ là bản tình ca tuổi trẻ‘Lối về miền hoa’ không chỉ là bản tình ca tuổi trẻ

SKĐS - ‘Lối về miền hoa’, phim truyền hình ăn khách đã khép lại vào tối 30/3 với những cảm xúc vui tươi, ấm áp của tình người...


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn