25/12 là hạn cuối cùng gửi báo cáo thưởng Tết
Theo kế hoạch thì trong ngày hôm nay (25/12), Sở LĐ-TB&XH các tỉnh phải gửi báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH về tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động.
Theo ông Nguyễn Huy Hưng - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo văn bản Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương phải gửi báo cáo tình hình tiền lương và thưởng tết của doanh nghiệp đối với người lao động trước ngày 25/12.
Để ổn định tình hình lao động, Bộ LĐ-TB&XH cũng giao lãnh đạo các sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, liên đoàn lao động cấp tỉnh, thành và đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động.
Từ tình hình thực tế, các đơn vị có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động.
Theo ghi nhận, năm 2022 vẫn là một năm mà thị trường lao động có khá nhiều biến động, do vậy mức thưởng Tết có xu hướng giảm hơn so với mọi năm và sự chênh lệch giữa các mức thưởng là khá lớn. Hiện đã có gần 40 địa phương công bố thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Mức thưởng Tết tại nhiều địa phương có xu hướng giảm và chênh lệch khá lớn
Quảng Nam: Nơi thưởng Tết 340 triệu, nơi chỉ bằng… bịch bánh tráng
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo số liệu khảo sát về tiền lương năm 2022, tiền thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Về thưởng Tết Dương lịch 2023, có 48/78 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch 2023 cho gần 20 nghìn lao động.
Theo đó, mức thưởng bình quân chung của các doanh nghiệp đạt 1,409 triệu đồng/người, giảm 14,7% so với năm trước, mức thưởng bình quân cao nhất thuộc về các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ với mức thưởng đạt 2,5 triệu đồng/người.
Tiếp đến là các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 1,893 triệu đồng/người; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước hơn 700 nghìn đồng/người; doanh nghiệp dân doanh với mức thưởng bình quân cao nhất 543 nghìn đồng/người. Mức thưởng cao nhất thuộc về một doanh nghiệp FDI, trên 59 triệu đồng/người. Mức thưởng thấp nhất chỉ 50 nghìn đồng/người.
Đối với thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, có 68/78 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho gần 38 nghìn lao động; mức thưởng bình quân chung của các doanh nghiệp đạt trên 6,7 triệu đồng/người, giảm so với mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 gần 6,4%. Mức thưởng cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI, 340 triệu đồng/người. Mức thấp nhất là 200 nghìn đồng/người.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp, dự kiến thưởng người lao động dịp Tết Dương lịch năm 2023 cao nhất 3 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng. Trong khi đó, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 mức thưởng cao nhất 200 triệu đồng thuộc về một ngân hàng thương mại cổ phần và thấp nhất trên 300.000 đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán 2023 với mức thưởng bình quân từ 3-7 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất là 49 triệu đồng thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thấp nhất 200.000 đồng thuộc về doanh nghiệp dân doanh.
Sở LĐ-TB&XH TP. Cần Thơ cho biết, mức thưởng Tết Dương lịch bình quân mỗi lao động nhân được là gần 1,4 triệu đồng, cá biệt có doanh nghiệp tư nhân thưởng đến 69 triệu đồng. Tuy nhiên cũng có doanh nghiệp chỉ thưởng 200.000 đồng.
Với Tết Âm lịch, bình quân mức thưởng Tết Âm lịch người lao động ở Cần Thơ nhận được là gần 7,8 triệu đồng. Cá biệt một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dự kiến thưởng cho nhân viên gần 138 triệu đồng. Số tiền này bằng mức lương hàng tháng người lao động của công ty được nhận. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp chỉ thưởng cho người lao động 300.000 đồng.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên cho biết, về dự kiến thưởng Tết Dương lịch năm 2023, có 37 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng cho 10.304 lao động. Mức tiền thưởng bình quân là 810.000 đồng/người. Mức cao nhất thuộc về một doanh nghiệp cổ phần xăng dầu hơn 29,8 triệu đồng/người và mức thấp nhất là 200.000đ/người. Về kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Quỹ Mão 2023 có 47 doanh nghiệp có thưởng Tết cho 12.873 lao động, mới mức tiền thưởng bình quân 5,4 triệu đồng/người.
Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế dự kiến thưởng Tết Dương lịch năm 2023 bình quân là 930 nghìn đồng. Còn mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân là 6,56 triệu đồng. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp có dự kiến thưởng Tết dương lịch, mức thưởng cao nhất thuộc về nhóm công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước với 60 triệu đồng/người và mức thưởng thấp nhất là 100 nghìn đồng/người thuộc nhóm doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp dự kiến thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, mức thưởng cao nhất và thấp nhất đều thuộc về nhóm doanh nghiệp dân doanh với các mức thưởng cao nhất 180 triệu đồng/người và mức thưởng thấp nhất là 300 nghìn đồng/người.
Với Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình tiền lương năm 2022 và kế hoạch thưởng Tết Dương lịch, Tết Âm lịch năm 2023 tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, tại các Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tiền lương bình quân năm 2022 ở khối doanh nghiệp này là 7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, doanh nghiệp có mức tiền lương cao nhất là 34 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là 5,1 triệu đồng/người/tháng.
Mức thưởng trong dịp Tết Dương lịch bình quân 860.000 đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 3,2 triệu đồng/người; thấp nhất là 400.000 đồng/người.
Về thưởng Tết Nguyên đán, mức thưởng bình quân là 3,1 triệu đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 20 triệu đồng/người; thấp nhất là 500.000 đồng/người.
Đối với loại hình Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của nhà nước, tiền lương bình quân năm 2022 đạt 6.950.000 đồng/người/tháng. Trong đó, doanh nghiệp có mức tiền lương cao nhất là 70 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là 5.100.000 đồng/người/tháng.
Mức thưởng trong dịp Tết Dương lịch bình quân 500.000 đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 3 triệu đồng/người; thấp nhất là 400.000 đồng/người.
Đối với Tết Nguyên đán, mức thưởng bình quân đạt 3,3 triệu đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 35 triệu đồng/người; doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 550.000 đồng/người.
Tại khối doanh nghiệp dân doanh, tiền lương bình quân năm 2022 đạt 6.800.000 đồng/người/tháng. Trong đó, doanh nghiệp có mức tiền lương cao nhất đạt 180 triệu đồng/người/tháng và thấp nhất là 4.680.000 đồng/người/tháng.
Thưởng Tết Dương lịch mức bình quân ở nhóm doanh nghiệp này là 650.000 đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 29.200.000 đồng/người; thấp nhất là 300.000 đồng/người.
Dịp Tết Nguyên đán 2023, mức thưởng bình quân là 3.550.000 đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 400 triệu đồng/người; doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người.
Như vậy, năm nay mức thưởng cao nhất của Hà Nội không có sự thay đổi khi trước đó, năm 2022, khối doanh nghiệp dân doanh cũng từng có mức thưởng Tết cao nhất với 400 triệu đồng.
Tại khối doanh nghiệp FDI, tiền lương bình quân năm 2022 đạt 7.400.000 đồng/người/tháng. Trong đó, doanh nghiệp có mức tiền lương cao nhất là 70.000.000 đồng/người/tháng; thấp nhất là 4.680.000 đồng/người/tháng.
Thưởng Tết Dương lịch ở khối doanh nghiệp này đạt bình quân 600.000 đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 125.000.000 đồng/người; thấp nhất là 350.000 đồng/người.
Với Tết Nguyên đán, mức thưởng bình quân là 4.100.000 đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 280 triệu đồng/người; thấp nhất là 500.000 đồng/người.
Trước đó, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội dự báo, tiền thưởng Tết của người lao động sẽ giảm hơn so với năm 2021, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.
Bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, theo quy định pháp luật, tiền thưởng Tết của người lao động không phải là quy định bắt buộc, mà đó dựa vào sư đối thoại và thương lượng của người lao động và người sử dụng lao động hoặc tổ chức công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động. "Chính vì vậy, trong các văn bản Tổng Liên đoàn chỉ đạo các cấp công đoàn đặc biệt công đoàn cơ sở luôn luôn nhấn mạnh và thương lượng về tiền lương, thưởng cho người lao động là ưu tiên số 1 và hàng đầu. Đây cũng là nội dung trọng tâm trong công tác đối thoại và thương lượng".