Hà Nội

Thương tâm thai phụ mang thai 7 tháng, uống thuốc diệt cỏ tự tử

22-10-2018 13:30 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Khoa Cấp cứu BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí cho biết, theo thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, Khoa đã tiếp nhận 23 trường hợp bệnh nhân nhập viện cấp cứu do ngộ độc thuốc diệt cỏ. Ngoài ra tại các khoa Hồi sức cấp cứu chống độc tại các BVĐK của một số tỉnh cũng tiếp nhận rất nhiều trường hợp cấp cứu.

Những cái chết thương tâm vì thuốc diệt cỏ

Đáng nói là có một phụ nữ mang thai 7 tháng tuổi đã uống loại thuốc kịch độc chết người này tự tự, khi đến viện thai phụ đã ở trong tình trạng đã quá nặng các bác sĩ không thể cấp cứu được và cả hai mẹ con tử vong sau đó. Các bác sĩ cũng cho biết, có cháu bé 11 tuổi cũng tử vong ngay sau khi đến viện do uống quá nhiều thuốc cỏ cháy Paraquat. Đặc biệt có người bệnh bị ảo giác đã uống liền 1 chai thuốc  diệt cỏ.

Còn tại BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc, các bác sĩ tại BV này cũng ghi nhận, số lượng bệnh nhân đến khoa Cấp cứu của BV vì ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy - Paraquat có dấu hiệu tăng. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2018, con số này đã tăng 131% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, chỉ trong tháng 9/2018, khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 6 trường hợp ngộ độc do thuốc diệt cỏ cháy Paraquat.

Bệnh nhân 29 tuổi nhập khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc  vì uống một chai thuốc diệt cỏ cháy có chất paraquoat. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, thanh niên này bị ảo giác cho là ma xui quỷ khiến nên đã uống một lượng lớn thuốc diệt cỏ. Mặc dù điều trị tích cực và lọc máu nhưng tình trạng người bệnh vô cùng nặng nề. Sau đó gia đình người bệnh đã xin cho người bệnh về nhà để lo hậu sự. Trước đó, các bác sĩ của Bv này cũng tiếp nhận thêm 2 trường hợp ngộ độc paraquat. Do mục đích tự tử nên người bệnh đã uống liền 2 chai thuốc trừ cỏ (tương đương 100ml). Với lượng thuốc như vậy là quá lớn nên mặc dù phát hiện sớm và tích cực nhưng tiên lượng với bệnh nhân vẫn rất dè dặt.

Có lẽ hơn ai hết các bác sĩ là những người bị “ám ảnh” nhiều nhất khi họ luôn phải chứng kiến bệnh nhân của mình tỉnh táo đến lúc chết mà đành phải bất lực.

Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ tại Trung tâm cống độc BV Bạch Mai (ảnh minh họa)

Không nên chủ quan nếu đã uống paraquat mà vẫn thấy khỏe

Theo PGS. TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, Đối với những trường hợp uống Paraquat cơ hội được cứu sống rất ít, hiện nay tỉ lệ tử vong khi uống loại thuốc này lên tới 70%.

Sau khi bệnh nhân uống thuốc Paraquat, hầu hết các độc chất của thuốc sẽ ngấm hết vào các bộ phận như: Phổi, thận và gây bệnh tại các bộ phận đó, tiếp tục sau đó sẽ đến gan. Có những bệnh nhân khi đến bệnh viện hết sức tỉnh táo, thậm chí sinh hoạt như người bình thường gần khoảng 1 tuần, rồi sau đó đến ngày thứ 7 mới có biểu hiện suy huy hấp, khó thở, oxi trong máu cũng giảm dần.

Do vậy, nhiều bệnh nhân rất chủ quan, sau khi đến bệnh viện huyện hoặc trạm xá được rửa dạ dày, thấy trong người khỏe khoắn nên đã dứt khoát xin về. Nhưng chỉ vài ba ngày sau khi triệu chứng nặng lên, lại đi tìm tới các bệnh viện lớn để chữa trị. Lúc đó tình trạng bệnh đã không còn cứu chữa được. Tỉ lệ cứu được hiện nay rất thấp, chỉ cứu được từ khoảng 20% - 30%.

Trong trường hợp bệnh nhân ngộ độc paraquat may mắn thoát chết thì cũng bị di chứng nặng nề về phổi và các cơ quan nội tạng khác như dạ dày, gan, thận…nên ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, khả năng lao động và hòa nhập cuộc sống.  Bên cạnh đó, để cứu sống một người bị ngộ độc paraquat thì cần một chi phí rất lớn lên đến gần 100 triệu đồng  phải dùng nhiều loại thuốc thải độc và lọc máu liên tục trong thời gian dài.

Cũng theo PGS. Phạm Duệ, Paraquat là loại thuốc diệt cỏ rẻ tiền và khá sẵn trong môi trường sống của chúng ta, thuốc không ảnh hưởng đến môi trường, nhưng đối với con người lại cực kỳ nguy hiểm, bởi chỉ cần 10 - 15ml paraquat là đủ để gây tử vong 100% nếu không được cấp cứu kịp thời. Điều đáng báo động là hiện nay, đối tượng tự tử bằng loại thuốc này đang ngày một trẻ hóa.

Các bác sĩ cũng cho biết, hầu hết mọi người đều hiểu được mức độ nguy hiểm của thuốc diệt cỏ nhưng tình trạng ngộ độc loại hóa chất này vẫn có chiều hướng gia tăng và nó cũng là “thủ phạm” tiếp tay cho các ca tự tử ngày càng gia tăng. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, mỗi cá nhân hãy bình tĩnh và tìm cách giải quyết mọi vấn đề trước khi đi đến những quyết định sai lầm.

Trước tác hại khôn lường của ngộ độc paraquat Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ra quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV ngày 08/2/2017 về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, phải đến tháng 2 năm 2019 thuốc mới hết hiệu lực lưu hành. Do vậy, khi còn sử dụng hóa chất này, chỉ được dùng loại dung dịch ≤ 5% tuyệt đối không lưu hành loại nồng độ cao hơn trong cộng đồng.


Hồng Nguyên
Ý kiến của bạn