Hà Nội

Thương tâm bệnh nhân phỏng điện phải cắt cụt tứ chi

20-06-2019 14:13 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, đơn vị này đang điều trị cho 2 trường hợp phỏng nặng, phải cắt tứ chi để bảo toàn tính mạng.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân S.C. (39 tuổi, người Campuchia), nhập viện trong tình trạng phỏng điện 16% độ 2,3,4 ở tứ chi.

Người nhà bệnh nhân cho biết, trong lúc anh S.C. leo lên nóc nhà sửa nhà thì vô tình chạm vào điện cao thế, điện phóng ra làm anh ngã. Anh được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Campuchia, nhưng do vết thương quá nặng, nên được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp tục điều trị.

TS.BS. Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày 10/6/2019 trong tình trạng chân tay lạnh, co quắp. Mặc dù được tích cực điều trị, cắt lọc da hoại tử nhưng vì vết phỏng quá sâu, hoại tử nặng nên buộc phải cắt cả 4 chi để giữ tính mạng cho bệnh nhân.

Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt cụt 1/3 trên cẳng tay phải và trái, cắt 1/3 giữa cẳng chân phải và trái. Sau 9 ngày điều trị, hiện tính mạng bệnh nhân đã được bảo toàn tuy nhiên phải chịu cảnh sống tàn phế.

Bệnh nhân người Campuchia bi điện giật phải cắt cụt tứ chi.

Bệnh nhân thứ hai là anh N.A.K. (41 tuổi, ở Bình Định) cũng bị điện giật trong lúc làm việc khiến bị phỏng nặng phải cắt cụt chi.

Được biết, bệnh nhân K. làm nghề thợ hồ. Trong lúc đang xây dựng trên cao thì chẳng may anh K. bị điện cao thế phóng giật té xuống đất, bị chấn thương sọ não, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

BS. Ngô Đức Hiệp cho biết, bệnh nhân đã phải trải qua 7 lần phẫu thuật cắt lọc hoại tử, tuy nhiên vẫn không giữ lại được 2 tay và một chân bên trái. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái, 1/3 trên cẳng tay trái và 1/3 giữa cẳng tay phải. Hiện, sức khỏe của anh K. ổn định, tính mạng được bảo toàn.

Theo các bác sĩ, trung bình mỗi năm, tại Khoa tiếp nhận khoảng 300-400 trường hợp phỏng điện, trong đó có khoảng trên dưới 100 ca phải đoạn chi do phỏng nặng.

Có nhiều nguyên nhân bị phỏng, chủ yếu là do tai nạn lao động và thường rất nặng vì hầu hết là do điện cao thế và chủ yếu là công nhân xây dựng công trình dưới đường điện, công nhân điện lực sửa chữa đường dây, công nhân treo bảng quảng cáo, lắp ăngten gần đường điện,...

Đặc biệt mùa mưa, độ ẩm không khí tăng cao nên khả năng dẫn điện giữa dây điện và người là rất lớn, điện trở khi trời mưa gần như bằng 0 nên phóng điện rất dễ dàng.

BS. Ngô Đức Hiệp cảnh báo, chỉ cần một giây bất cẩn, người bị phỏng điện có thể đối mặt với cái chết. Nếu may mắn vượt qua cửa tử, họ cũng đối mặt với nguy cơ tàn phế suốt đời.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh các tai nạn về điện, người sử dụng điện cần quan tâm thực hiện các nguyên tắc an toàn điện. Các bác sĩ cũng lưu ý, việc sơ cứu cho bệnh nhân tai nạn bỏng điện là  cách ly nguồn điện, di chuyển bệnh nhân tới nơi khô ráo, nếu bệnh nhân ngưng thở thì hô hấp nhân tạo rồi đưa tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Sơ cứu đúng cách khi bị điện giật
Đối với người lớn: Tắt cầu dao điện, sau đó nhanh chóng gọi xe cấp cứu và cơ quan chức năng ngành điện để được giải cứu sớm nhất. Sử dụng vật liệu cách điện (gỗ khô hoặc vật nhựa khô) để tách dây điện ra khỏi người bị điện giật. Tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân bị điện giật theo những bước sau: Để cổ nạn nhân ngửa và nâng cằm lên. Kẹp mũi lại, áp miệng vào miệng của nạn nhân và thực hiện 2 lần, mỗi lần 1 giây. Theo dõi để đảm bảo ngực nạn nhân vẫn nở ra bình thường. Hô hấp nhân tạo 2 lần sau 30 lần ép tim. Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Với trẻ em: Ngắt nguồn điện ngay lập tức bằng cách rút dây điện, ngắt cầu dao điện. Không nên chạm vào trẻ bằng tay trần trong khi trẻ vẫn đang tiếp xúc với dòng điện và không được đi vào khu vực rò điện có nước, nếu không chính bạn cũng có thể bị điện giật. Để tách trẻ khỏi nguồn điện, nên sử dụng đồ vật không dẫn điện như que gỗ hay chổi… Khi trẻ đã được tách khỏi nguồn điện và có thể chạm vào một cách an toàn, nên kiểm tra xem trẻ còn thở và mạch còn đập hay không.

Nếu trẻ ngừng thở và không có mạch, nên cấp cứu hồi sinh tim phổi (CPR) ngay lập tức. Trường hợp trẻ vẫn thở tốt, cần kiểm tra màu da của trẻ xem có chuyển sang xanh tái hay không. Tiếp tục theo dõi nhịp thở của trẻ và thực hiện cấp cứu CPR nếu trẻ ngừng thở. Tìm xem trên da trẻ có bị bỏng hay không. Nếu trẻ bị bỏng, không nên chườm đá, bôi thuốc mỡ hay bất cứ thứ gì lên vết bỏng. Cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay để được nhân viên y tế xử trí.

Nguyên Vũ
Ý kiến của bạn