Thương tâm bé trai 4 tuổi ngã vào xô nước, tử vong

29-12-2020 18:10 | Camera bệnh viện

SKĐS - Bé trai 4 tuổi ngã vào xô nước tại nhà, được hàng xóm phát hiện trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở.

Chiều 29/12, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, các bác sĩ vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi bị đuối nước, tình trạng của bệnh nhi quá nặng không thể điều trị.

Theo đó, nạn nhân là bé trai 4 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu. Bé được hàng xóm phát hiện trong xô nước tại nhà (không rõ thời gian ngã). Lúc này bé đã trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở, được đưa đi cấp cứu ngay tại Bệnh viện Bà Rịa, sau đó nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 theo nguyện vọng gia đình dù biết rằng tỉ lệ sống rất thấp.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sau khi các bác sĩ xác định tình trạng bệnh nhi quá nặng, không thể điều trị, gia đình đã đưa cháu về nhà lo hậu sự.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận nhiều các trường hợp trẻ bị tai nạn sinh hoạt, trong đó có đuối nước

Với trường hợp thương tâm của bé, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần thận trọng, phòng ngừa các tai nạn sinh hoạt cho con, trong đó có đuối nước.

Đuối nước là một tai nạn hay gặp, xảy ra trong khi bơi, đi thuyền và trong các hoạt động dưới nước. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tại nhà như trong bồn nước, chum vại, rãnh nước… dẫn đến hậu quả thương tâm.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo phương pháp sơ cứu người bị đuối nước đúng cách: Thời điểm vàng sơ cứu là ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên tức là trong vòng 1-4 phút đầu tiên khi bị chìm trong nước, đồng thời xử lý tốt các chấn thương kèm theo (đặc biệt là chấn thương đầu cổ và cột sống).

Nguyên tắc cấp cứu là tại chỗ, khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân.

Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước, đặt nạn nhân nằm nghiêng, móc hết dị vật, đàm nhớt trong họng để giải phóng đường thở. Nếu nạn nhân bất tỉnh, không tự thở, phải tiến hành cấp cứu tại chỗ.

Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Sau sơ cứu ban đầu người bị đuối nước đã tỉnh lại, cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp sau khi đuối nước.


Hoài Thương
Ý kiến của bạn