Hà Nội

Thương tâm bé gái 4 tuổi bỏng nước sôi toàn thân khi tắm

05-04-2018 16:04 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Trong lúc chuẩn bị tắm cho con, bà mẹ bất cẩn không chú ý để bé N. bò chơi ngã vào chậu nước sôi dẫn đến bị bỏng nặng, xuất hiện tổn thương nhiều vùng trên cơ thể...

BV Sản Nhi Quảng Ninh vừa cấp cứu bỏng cho bé gái Lương Bảo N. (4 tuổi, dân tộc Tày, trú tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh). Nguyên nhân gây bỏng chỉ vì phụ huynh lơ là trong chốc lát mà không biết con ngã vào chậu nước sôi, dẫn đến bị bỏng nặng, toàn bộ da trước ngực, bụng, hai tay và đùi trái bị bỏng rộp.

Theo lời kể của gia đình, ngày 16/2/2018, mẹ bé trong lúc chuẩn bị tắm cho con bất cẩn không chú ý để bé N. bò chơi ngã vào chậu nước sôi, xuất hiện tổn thương nhiều vùng trên cơ thể... Bé được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong tình trạng cấp cứu.

Tại đây, bé được chuyển lên phòng mổ cấp cứu, bác sĩ xác định trẻ bị bỏng nặng độ I,II,III, diện bỏng rộng 55% vùng ngực, tiên lượng bệnh nhân nặng.

Bé N. bị bỏng nhiều phần trên cơ thể.

Sau hơn 1 tháng điều trị, hiện tại sức khỏe của bé đã tạm ổn định, bé được ghép da, vá da dày toàn bộ, băng ép cố định diện ghép da, nẹp cố định cánh- cẳng tay trái bằng nẹp bột, vệ sinh làm sạch vết thương hằng ngày… và chăm sóc đặc biệt tại Khoa Ngoại & Chuyên khoa của bệnh viện.

Toàn bộ viện phí của bé N. được Bảo hiểm y tế chi trả 100%. Ngoài ra, bệnh viện hỗ trợ chi phí để giúp gia đình lo ăn uống, vệ sinh cho bé hàng ngày cho bé.

Trong thời gian tới, bé Lương Bảo N. dự kiến được chuyển lên Viện bỏng Quốc gia để được điều trị tiếp.

Bác sĩ Đỗ Hoàng Việt, BV Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: Đối với trẻ em, các loại bỏng đều gây nguy cơ tử vong rất cao, do cơ thể của các em còn non nớt, sức đề kháng kém. Da của các em rất dễ bị hoại tử dẫn đến nhiễm trùng máu, cho dù các em chỉ bị bỏng nước sôi độ 1, độ 2, nhưng chỉ cần khoảng 25% cơ thể đã nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ chăm sóc cho bé N.

Do cơ thể của các bé liên tục phát triển trong khi phần da trên cơ thể bị bỏng lại không phát triển nữa nên để lại rất nhiều sẹo xấu, sẽ trở nên tự ti, mặc cảm trước bạn bè dẫn đến cuộc sống của các em cũng thua thiệt, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển sinh lý lẫn tâm lý của đứa trẻ sau này.

Bác sĩ Việt khuyến cáo, trẻ em bị bỏng, lỗi chung quy vẫn do người lớn sơ suất, lơ là trông coi. Do đó cha mẹ cần hết sức chú ý, đừng để một phút chểnh mảng trong việc chăm sóc làm thay đổi một cuộc đời, một số phận của đứa trẻ.

Cách đơn giản giúp trẻ thoát khỏi đau đớn khi bị bỏng

Chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống, TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội khuyến cáo: Khi các bé bị bỏng, nếu không biết cách xử trí, tổn thương sẽ trở nên trầm trọng hơn rất nhiều, thậm chí có thể sẽ khiến trẻ bị tàn tật hoặc nặng hơn.

Biết cách ứng phó khi bị bỏng, trẻ sẽ có thể tự làm cho vết thương bớt nguy hiểm và đau đớn, thậm chí với vết thương nhẹ, không nghiêm trọng, nếu xử lý chính xác và kịp thời, tổn thương có thể sẽ lành luôn.

Các phụ huynh cần hướng dẫn con tuyệt đối không cởi quần áo chỗ bị bỏng. Nhiều lúc da thịt chỗ bị bỏng sẽ dính chặt vào quần áo. Nếu cởi quần áo lúc đó, khả năng quần áo sẽ kéo tuột cả da, làm tổn thương trầm trọng hơn rất nhiều.




Các cha mẹ nên hướng dẫn con xối nước lạnh vào vết thương bỏng. Càng xối nước lâu thì vết bỏng càng dịu lại và khả năng lành lặn càng nhanh. Khi nào thấy quần áo tự động bong ra khỏi da thịt thì lúc đó mới cởi quần áo ra.

Sau khi xối nước lâu lâu (15 – 30 phút), bé chỉ cần lấy bông gòn thấm nhẹ vết thương, băng bó lại và gọi cứu thương hoặc gọi điện báo với người lớn là khả năng lành lặn sẽ rất cao.

Hướng dẫn tỉ mỉ và thực hành nháp nhiều lần để bé ghi nhớ thì tổn thương do bỏng sẽ hầu như được xử lý tốt nhất và thời gian lành vết thương sẽ ngắn lại, tránh để lại sẹo.

Dương Hải
Ý kiến của bạn