“Thương ông” cũ và “Thương ông” mới

24-11-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, trích đoạn mới bài thơ Thương ông của tác giả Tú Mỡ được in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 đang thu hút sự quan tâm của công chúng.

Thời gian gần đây, trích đoạn mới bài thơ Thương ông của tác giả Tú Mỡ được in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 đang thu hút sự quan tâm của công chúng. Trên nhiều diễn đàn và các phương tiện truyền thông, không ít ý kiến chuyên gia cho rằng trích đoạn mới Thương ông dù thay đổi nhưng nội dung và ý nghĩa vẫn vẹn nguyên. Nhưng bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến nhận định, Thương ông mới ít tính thơ và thiếu sâu sắc hơn so với Thương ông cũ.

Trước hết, phải nói ngay rằng chủ đề bài thơ Thương ông của Tú Mỡ được trích in trong sách giáo khoa lớp 2 cũ và mới không có gì thay đổi. Tình cảm cháu và ông được thể hiện rất chân thật, hóm hỉnh ở tác phẩm. Ai đọc Thương ông chắc cũng đều trân trọng, yêu quý gia đình và ngẫm nghĩ sâu hơn, kỹ hơn cái điều này: tình cảm huyết thống là sợi dây thiêng liêng nối liền các thế hệ.

​Trích đoạn bài thơ “Thương ông” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2.

Điều đặc biệt ở bài thơ là sự “đảo chiều” của tình thương vốn đã trở thành quen thuộc trong nhiều tác phẩm trước đây, ông thương cháu thành cháu thương ông. Cũng là tình cảm con người nhưng biểu hiện của hai đối tượng, hai trạng thái tình cảm không hoàn toàn giống nhau. Hành vi thương ông của cháu đầy chất trẻ thơ và nó được miêu tả trong cả hai văn bản. Đó là cháu thấy “Ông bị đau chân. Nó sưng nó tấy/ Đi phải chống gậy...” nên “Lon ton lại gần/ ...Ông vịn vai cháu/ Cháu đỡ ông lên”.

Tuy nhiên, ở văn bản cũ và mới có những khác biệt mà chúng ta nên đi vào phân tích để xem cái nào thích hợp hơn. Văn bản cũ có cụm từ láy, mang tính tượng hình: “Khập khiễng khập khà” để diễn tả rõ hơn, sinh động hơn động tác đi của ông. Ông bị đau chân nên mới bước khập khiễng khập khà như thế. Cụm từ này vừa có tác dụng diễn tả động tác của ông vừa tạo ra tiết tấu, nhịp điệu cho câu thơ. Tiếp theo là những động tác, biểu cảm cụ thể của ông như “Bước lên thềm nhà/ Nhấc chân khó quá” và cả sự “nhăn nhó” nữa mà nếu không có nó chưa chắc những thằng bé đang độ tuổi ngây thơ ham chơi như cu Việt “Lon ton lại gần/ Âu yếm nhanh nhảu/ Ông vịn vai cháu/ Cháu đỡ ông lên”.

Bản in sách giáo khoa mới lược bỏ những câu “Khập khiễng khập khà/ Bước lên thềm nhà/ Nhấc chân khó quá/ Thấy ông nhăn nhó” và “Âu yếm nhanh nhảu” đã làm cho đoạn thơ trở nên khô cứng, không còn mấy tiết tấu, âm điệu nữa. Chất nhạc trong thơ đã bị loại bỏ gần như hoàn toàn, đoạn trích ở sách giáo khoa mới chỉ còn trơ lại những thông báo trần trụi đơn lược mà tôi nghĩ điều đó sẽ làm cho vong linh cụ Tú Mỡ buồn, rất buồn phiền. Phần tinh tế, hay ho, chấp chới của đoạn thơ đã bị loại bỏ không thương tiếc. Nên nhớ rằng, đọc thơ không phải chỉ để nhận về mình những thông tin sơ lược mà điều cốt yếu nhất là lắng nghe và chia sẻ những cảm xúc, những tâm tình, những ý niệm được tác giả gắm gửi trong đó. Bài thơ Thương ông Tú Mỡ làm dành tặng cho thiếu nhi, trong đó có cháu Việt yêu quý của mình nên ông mới chọn thể thơ 4 chữ gần gũi với đồng dao, rất thích hợp với tính chất tự sự (kể chuyện). Đây cũng là thể thơ coi trọng vần, câu trên gọi câu dưới xuất hiện trong một liên kết chặt chẽ, khó phân rời tách bạch.

Ở đoạn tiếp theo, người biên soạn sách tiếp tục mắc phải những sai lầm nghiêm trọng là lược bỏ những câu nhấn nhá, những “nốt” hay của thi phẩm. Cả đoạn thơ giàu tình cảm, rất sinh động: “Ông bước lên thềm/ Trong lòng vui sướng/ Quẳng gậy cúi xuống/ Quên cả đớn đau/ Ôm cháu xoa đầu/ Hoan hô thằng bé/ Bé thế mà khỏe/ Vì nó thương ông” chỉ còn sót lại vỏn vẹn 4 câu: “Ông bước lên thềm:/ - Hoan hô thằng bé! Bé thế mà khỏe/ Vì nó thương ông”. Tôi nghĩ, đoạn trích dừng lại như sách giáo khoa cũ là hợp lý vì nó đã chuyển tải được đầy đủ cảm xúc và suy nghĩ của người viết rồi, đó là “Hoan hô thằng bé/ Bé thế mà khỏe/ Vì nó thương ông”.

Phần thêm 17 câu thơ sau nữa, theo tôi nghĩ là không cần thiết vì nó làm cho bài thơ trở nên dông dài và có cảm giác như bị lạc dòng, đổi hướng. Tuy rằng, đoạn đối thoại giữa cháu và ông cũng khá thú vị nhưng giá như để nó vào một bài thơ khác nói về sự ngây thơ hồn nhiên của trẻ nhỏ chắc hay hơn. Xin được trích đoạn thơ thêm trong sách giáo khoa mới để các bạn ngẫm nghĩ bình luận: “Đôi mắt sáng trong/ Việt ta thủ thỉ:/- Khi nào ông đau/ Ông nói mấy câu/ “Không đau! Không đau!”/ Dù đau đến đâu/ Khỏi ngay lập tức// Ông phải phì cười:/- Ừ, ông theo lời/ Thử xem có nghiệm:/ “Không đau! Không đau!”/ Và ông gật đầu:/- Khỏi rồi! Tài nhỉ!”/ Việt ta thích chí:/- Cháu đã bảo mà!/ Và móc túi ra:/-Biếu ông cái kẹo...

Sách giáo khoa là những ấn phẩm mang tính chính xác, chuẩn mực rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp, bồi dưỡng kiến thức, nhân cách, trí tuệ, tâm hồn cho thế hệ trẻ, đặc biệt là lứa tuổi thiếu nhi. Những sai sót trong lựa chọn, biên soạn sách giáo khoa đôi khi để lại những hệ quả xấu khôn lường. Những bài học cho tuổi thơ cần phải đạt độ “chuẩn không cần chỉnh” như chúng ta thường nói. Vậy mà, sao lại để những sai sót không đáng có, không nên có sờ sờ ra như thế. Tôi nghĩ, cần phải rà soát lại nội dung, chất lượng của sách giáo khoa một cách nghiêm chỉnh bằng một đội ngũ có tâm, có tài thực sự. Những lỗ hổng trong sách giáo khoa phải chăng cũng là lỗ hổng trong giáo dục, đào tạo bấy nay của chúng ta. Không ít người mang danh học hàm học vị này nọ, được phân công vào những công việc quan trọng như biên soạn sách giáo khoa không thực sự có năng lực làm việc. Vì thế, mới sinh ra những sai sót đến nực cười mà trường hợp bài thơ Thương ông là một ví dụ.

Phải chăng, cũng đã đến lúc “tái cơ cấu” lại thành phần và lề lối biên soạn sách giáo khoa, nếu không nền giáo dục vốn đã lỗ mỗ của nước ta sẽ gặp đại họa?

Nguyễn Hữu Quý

 

 

 


Ý kiến của bạn