Và đặc biệt, không chỉ ngắm nhìn vẻ đẹp hoàn bích của món đồ mà còn là thú chơi nhân đôi khi khám phá những cảnh vật non xanh nước biếc đất Việt và những câu thơ tuyệt tác, những lời chúc đẹp được in dấu trong từng món đồ...
Bộ trà trang trí Mai Hạc.
Ngày xuân, một khắc thưởng ngoạn “chữ” trên đồ sứ ký kiểu “Ngự dụng” thời Nguyễn thế kỷ 18 - 19. Và trước khi ngắm nghía những vật phẩm thời gian, nên pha một ấm trà sen, cầu kỳ hơn tí nữa, đốt một lư trầm, tạo một không gian liêu trai, một làn khói trầm phảng phất bảng lảng, một thoáng hương thơm thanh thoát của sen và ngoài trời kia là mùa xuân đang đâm chồi nảy lộc...
Những chiếc đĩa sứ men lam với nhiều điển tích, thơ, văn của những thi nhân, đặc biệt là những chiếc đĩa trà in danh lam thắng cảnh nước Việt với những câu thơ như họa cho cảnh vật lung linh hư ảo, trầm tư, như một khoảnh khắc thiền trong tâm. Thú vị hơn là trong những đĩa trà ký kiểu này còn có những câu thơ, điển tích chúc phúc mùa xuân đầy ý nghĩa.
Đĩa trang trí Long Lân Khánh Thọ.
Ấn tượng đầu tiên gây hứng thú khi thưởng ngoạn những đồ sứ “Ngự dụng” triều Nguyễn thế kỷ 18-19 bởi đây là đồ sứ ký kiểu, đặt thợ nhà Thanh - Trung Quốc nhưng cảnh vật in trên đĩa lại là non nước Việt, là những câu thơ Nôm - ngôn ngữ Việt. Cũng thật kỳ lạ, trên những đĩa sứ men lam cổ phần lớn đều vẽ những danh thắng non nước miền Trung, xứ Thuận Hóa - Huế. Phải chăng là đồ “Ngự dụng” triều Nguyễn nên non nước “Đàng Trong” được ưu ái với nét vẽ như tranh sơn thủy, tinh tế, sắc sảo, sống động khôn nhường.
Chiếc đĩa có hiệu đề “Thanh ngoạn” vẽ toàn cảnh cửa biển Tư Dung - Thuận Hóa với lời đề thơ chữ Nôm của Đào Duy Từ (1572-1634): “... Một bầu riêng rẽ thú yên hà/ Nghi ngút hương bay cửa Đại La/ Ngày vắng đỉnh đang chuông bát nhã/ Đêm khuya dắng dõi kệ Di Đà/ Nhặt khoan đàn suối ban mưa tạnh/ Eo óc cầm ve thuở ác là...”. Một chiếc đĩa khác vẽ cảnh chùa Thái Bình ở núi Tam Thai - Quảng Nam với bài thơ Nôm tả cảnh rất đẹp: “Tạo hóa khéo đúc hình/ Non nước song thanh/ Ai dặm đỉnh ngao giữa đáy/ Ngát một thức xanh xanh”. Chiếc đĩa có tên “Tùng quân” vẽ đàn cá bơi đớp bóng trăng, đàn chim bay trên không giữa cảnh non nước với 2 câu thơ của Hàn Than thời Trần: “Hàn than ngư hấp nguyệt/ Cổ lũy nhạn minh sương”. Hai chiếc đĩa vẽ toàn cảnh núi Thúy Vân và chùa Thánh Duyên - hai thắng cảnh mang trong mình những sự tích từ thời Vua Gia Long. Trên đĩa vẽ chùa Thánh Duyên có chép thơ của Vua Thiệu Trị (1840-1847) thấm chất thiền: “Gió thiền chuông điểm rừng sâu dội/ Cõi diệu hương đưa biển pháp nhuần/ Cây vướng mây lành lên cảnh Bụt/ Đường xuyên guốc sãi lấm hồng trần...”.
Đặc biệt Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675- 1725) là một tác gia lớn của văn học Đàng Trong, sáng tác nhiều thơ văn, rất thích đặt làm các món đồ sứ ký kiểu ở Trung Hoa, trên đó cho đề các thi phẩm do ông trước tác và cho vẽ hình minh họa nội dung các thi phẩm ấy là những bài thơ thất ngôn bát cú được viết trên những chiếc tô sứ men trắng vẽ lam, hiệu đề Thanh ngoạn viết theo kiểu chữ triện trong vòng tròn kép. Hiện 5 bài thơ ca ngợi cảnh sắc vùng Thuận - Quảng đề trên những chiếc tô - chén vẫn còn lưu truyền đến hôm nay: Thiên Mụ hiểu chung - Chuông sớm chùa Thiên Mụ; Ải Lĩnh xuân vân - Mưa xuân trên Ải Lĩnh; Thuận Hóa vãn thị - Chợ chiều Thuận Hóa; Tam Thai thính triều - Nghe sóng Tam Thai; Hà Trung yên vũ - Mù tỏa Hà Trung.
Ngoài những chiếc đĩa vẽ cụ thể một danh thắng còn nhiều đĩa khác vẽ phong cảnh với những bài thơ Nôm họa lại bằng ngôn ngữ. Ngắm đĩa, đọc thơ, vẻ đẹp như được tăng thêm, không phải là cổ vật bằng sứ vô tri mà hình như có hồn xác lay động thật sự.
Tô - Chuông sớm chùa Thiên Mụ.
Những chiếc đĩa mang các bức vẽ sự tích, điển tích rất nhiều nhưng có lẽ “gần” với dân gian người Việt là những điển tích “Ngưu Lang Chức Nữ”, “Từ Thức gặp Giáng Hương”, “Lưu Nguyễn nhập thiên thai”, “Như chim liền cánh, như cây liền cành”, “Long Hổ tranh hùng”, “Cá chép hóa rồng”, “Ngư ông đắc lợi”... Với những ai có một chút kiến thức về Nho học, có thể tìm thấy trên nét vẽ và những câu thơ chép ở bộ sưu tập đĩa trà ký kiểu này nhiều bài học về “đạo” làm người, đối nhân xử thế, như đĩa “Đạp tuyết tầm mai”, “Tam cố thảo lư”... Những bậc thi nhân yêu cái đẹp của Đường thi cũng có thể tìm được tri âm từ các hình ảnh họa lại thơ của các thi nhân nổi tiếng thời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Vương Xương Linh, Giả Đảo, Bạch Cư Dị...
Và thật thiếu sót nếu như không nhắc tới một chủ đề thú vị, đầy cảm hứng, đầy sự phấn khích và cũng rất ý nghĩa, thích hợp với mùa xuân, khi Tết Nguyên đán, mở đầu cho một năm mới của đời người, vạn vật, cây cối, thiên nhiên. Đó là những chiếc đĩa trà mang các nét vẽ, chép những câu thơ chúc phúc rất đẹp. Đĩa “Tam Tinh chúc thọ”, ông Phước tay cầm gậy Như Ý, ông Lộc tay cầm hốt đứng trên đài cao dưới cội thạch tùng, ông Thọ cưỡi hạc bay đến. Đĩa vẽ tiên ông Lam Thái Hòa với đề tài Cát - Tường: “Thái hòa hạc lộc trường xuân”. Đĩa vẽ hiệu đề chữ Nhân, cầu chúc gia đình hạnh phúc: “Thọ Lộc song toàn”. Đĩa vẽ một cổ thụ mọc chênh vênh trên vách núi đá ven biển, trên có mặt trời tỏa sáng, hiệu đề Gia Lạc: “Phước như Đông Hải, Thọ tỉ Nam Sơn”. Đĩa vẽ hai con nai đực - cái đùa giỡn dưới hai cội tùng, bóng trăng tròn vành vạnh giữa hư không, ngụ ý: “Gia đình hạnh phúc viên mãn”. Đĩa vẽ bốn con hạc, tượng trưng cho “phi, minh, túc, thực” - hạc đang bay, hạc ngỏng cổ kêu, hạc đứng yên, hạc tìm mồi ăn, có hai cội tùng cổ thụ, mang ý nghĩa: “Tùng hạc diên niên” - cầu chúc khỏe mạnh, trường thọ...
Hai chữ Việt Nam trong thơ của Chúa Nguyễn Phúc Chu.
Ngoài sự am hiểu, thông tuệ sâu sắc về đồ cổ, về mỹ thuật xưa của từng thời đại, thời kỳ, trường phái... Thưởng ngoạn “chữ” trên đồ sứ ký kiều “Ngự dụng” triều Nguyễn còn là người phải có cái tình hoài cổ, tình tri âm với cổ vật và thêm một chút thuộc về tâm linh, biết “nói chuyện” với những món đồ cổ, khám phá những thông điệp thời gian được ấn ký trên những món đồ của người xưa. Rồi truyền đạt cho người đương thời để như nối sợi dây giữa xưa - nay, quá khứ - hiện tại, để có thể hiểu được những gì người xưa để lại mà tự hào, giữ gìn, bảo tồn, phát huy.
Một chút phiêu diêu trong thế giới đồ sứ ký kiểu “Ngự dụng” triều Nguyễn thế kỷ 18-19, lúc trời đất đang vào xuân, có cảm giác như đang lạc vào một thế giới cổ tích. Xem những nét vẽ màu lam trên màu men sứ trắng, đọc những câu thơ vượt thời gian đã trở thành tài sản văn hóa nhân loại được chép bên cạnh các bức vẽ, như cảm được thông điệp của các nghệ nhân tài hoa xưa đã gửi gắm cho đời sau, lưu giữ cái đẹp, để con người sống thiện lương, nhân gian hạnh phúc, bình an, no ấm.
Trong nhiều hình thức hấp dẫn của bao trò vui xuân, một khoảng không gian dành cho những ai thích thú vui “tĩnh” có thể tận hưởng thưởng ngoạn đồ sứ cổ và nếu cảm hứng có thể lấy “mực tàu giấy đỏ” viết một chữ thích nhất cho riêng mình vào năm mới. Tại sao không khi ngoài kia xuân đang rạo rực, đã háo hức mời gọi đầy quyến rũ...