Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 18-20/11/2018, Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind đã tới tham dự "Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ: Tăng cường hợp tác vững mạnh nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế" vào chiều tối ngày 19/11 tại Hà Nội.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng bắt tay nhau tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ (Nguồn ảnh:VGP)
Việt Nam là nước đầu tiên Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tới thăm ở Đông Nam Á kể từ khi ông nhậm chức vào năm ngoái.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ.
Mục tiêu đạt kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD vào năm 2020
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind chúc mừng các thành tựu kinh tế của Việt Nam và cho biết kim ngạch thương mại song phương Ấn Độ-Việt Nam đã đạt 12,8 tỷ USD vào năm ngoái. Và mục tiêu của hai nước là sẽ nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 15 tỷ USD vào năm 2020.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ (Nguồn ảnh: VGP)
Việt Nam là đối tác thương mại thứ 19 của Ấn Độ và là đối tác lớn của Ấn Độ tại khu vực ASEAN. Ấn Độ nhập hạt điều, hồ tiêu, cà phê từ Việt Nam. Và Ấn Độ là nhà cung cấp thuốc generic lớn nhất cho Việt Nam. Ấn Độ mong muốn mở nhà máy sản xuất thuốc nội địa ở Việt Nam, đầu tư trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Ngoài ra, những tiềm năng mà Ấn Độ có thế mạnh như năng lượng mặt trời, phát triển xanh, công nghệ thông tin,... có thể mở rộng tiềm năng hợp tác của hai nước. Tiềm năng quan hệ hợp tác Việt Nam-Ấn Độ rất rộng lớn.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, quan hệ lâu đời Việt Nam-Ấn Độ do bậc tiền bối - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng và vun đắp nên - đã phát triển không ngừng. Hai bên thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2007 và nâng cấp lên quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016. Ấn Độ hiện nay là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ (Nguồn ảnh: VGP)
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nông nghiệp xanh, chế biến nông sản thực phẩm, y tế, dược phẩm,…. là những vấn đề hợp tác rộng và có thể bổ sung cho nhau. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ lần này sẽ góp phần hiện thực hóa chính sách hướng đông của Ấn Độ và mở rộng hợp tác với các đối tác lớn của Việt Nam.
Ấn Độ mở cửa thị trường cho thanh long, nhãn, bưởi, sầu riêng và chôm chôm Việt Nam
Tại Diễn đàn, có hai phiên thảo luận về "Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, hóa chất nông nghiệp, thực phẩm, chế biến thực phẩm và các sản phẩm thực phẩm"; và "Hợp tác trong lĩnh vực Y tế và Dược phẩm"
Việt Nam là một trong các đối tác chính cung cấp nông sản cho Ấn Độ như hóa chất nông nghiệp…. Ấn Độ nhập khẩu cao su, cà phê, các sản phẩm từ tre của Việt Nam.
Ấn Độ đã cho phép và bổ sung chương trình: mở cửa 5 loại thanh long, nhãn, bưởi, sầu riêng và chôm chôm cho Việt Nam. Và Việt Nam đã đẩy nhanh kỹ thuật mở cửa thị trường cho nho, lựu và hạt kê của Ấn Độ. Việt Nam cũng ủng hộ lấy năm 2023 là năm quốc tế về hạt kê theo đề xuất của Ấn Độ. Thế mạnh của Ấn Độ như đào tạo nông dân, quản lý CNTT trong nông nghiệp là các lĩnh vực tiềm năng để Việt Nam hợp tác.
Nông nghiệp Việt Nam phát triển tương đối nhanh, quy mô, Việt Nam là cường quốc trong một số sản phẩm như lúa gạo, cà phê, thủy sản trên thế giới. Sự tương tác giữa hai thị trường là đầy tiềm năng, bước tiến khả quan tăng kim ngạch thương mại hai chiều.
Kim ngạch nông sản giữa hai nước ổn định: Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ chủ yếu cà phê, hạt điều, hồ tiêu,… Việt Nam nhập khẩu cây giống, bông, dược liệu. Tiềm năng còn rất nhiều bởi Ấn Độ là thị trường hơn 1 tỷ dân, và Việt Nam thị trường 97 triệu dân.
Hợp tác Việt Nam-Ấn Độ trong lĩnh vực y tế và dược phẩm
Y tế là một thế mạnh của Ấn Độ. Dịch vụ y tế tại Ấn Độ đạt 3,6 tỷ USD, xếp thứ 20 trên toàn cầu. Lĩnh vực chăm sóc y tế đứng thứ 4 trong tuyển dụng việc làm ở Ấn Độ. Nước này cũng đóng góp 40% sản phẩm vắc xin cho toàn cầu, đặc biệt là Mỹ và Anh. Du lịch y tế là một trong lĩnh vực phát triển ở Án Độ trong những năm vừa qua, đạt 9,6 tỷ USD. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng là xu hướng mới của Ấn Độ. Sự xuất hiến của telemedicine (y tế từ xa) cũng là sự phát triển mạnh của Ấn Độ.
Việt Nam chiếm 1/5 xuất khẩu dược phẩm của Ấn Độ. Ấn Độ cung cấp dược liệu thô cho ngành sản xuất dược phẩm của Việt Nam. Ấn Độ chiếm khoảng 20% xuất khẩu thuốc gốc trên thế giới, chiếm 30% thị trường vắc xin trên toàn cầu, đặc biệt Mỹ nhập khẩu nhiều vắc-xin từ Ấn Độ, với nhiều nhà máy được Mỹ chứng nhận.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind cùng Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ
Theo ông Nguyễn Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, Ấn Độ đang là nước cung cấp thuốc và dược liệu lớn vào thị trường Việt Nam. Ấn Độ là một trong những nước cung cấp nguyên liệu chính cho thuốc generic tại Việt Nam. Thuốc nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ có giá cả rất hợp lý, đáp ứng nhu cầu đa dạng cho Việt Nam, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa.
Số thuốc từ Ấn Độ tại Việt Nam tương đối lớn, trong năm 2017, Ấn Độ là nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các nước được đăng ký thuốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng kỳ vọng các doanh nghiệp Ấn Độ nỗ lực đạt chất lượng thuốc tốt để giành được lòng tin của người tiêu dùng tại Việt Nam.
Việt Nam hiện đang nhập thuốc điều trị viêm gan C từ Ấn Độ làm tăng khả năng tiếp cận thuốc với giá rẻ hơn rất nhiều so với thuốc phát minh nhập từ Mỹ.
Ấn Độ và Việt Nam đang bắt đầu thỏa thuận chuyển giao công nghệ thuốc chữa ung thư, cấp bằng độc quyền sáng chế một số loại thuốc, ....
Thuốc chữa ung thư kháng thể đơn dòng, so với biệt dược gốc chi phí chỉ bằng 1/3, 1/4, vì vậy, Việt Nam mong phía Ấn Độ chuyển giao công nghệ để Việt Nam sản xuất thuốc này để giảm giá thành, vào kênh phân phối hơn, và sản xuất tại Việt Nam được hưởng những ưu đãi nhất định.