‘Thương mãi bữa cơm nhà’

31-10-2020 20:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đây là chủ đề của chương trình nghệ thuật Quán thanh xuân tháng 11, được truyền hình trực tiếp lúc 20h40 ngày 01/11/2020 trên kênh VTV1, sẽ đưa khán giả về với căn bếp thời bao cấp, lắng nghe những câu chuyện, kỷ niệm xung quanh mâm cơm và những món ăn một thời gian khó nhưng ấm áp tình thân.

Tại chương trình lần này, khán giả sẽ được nghe những câu chuyện kể về bữa cơm, không gian bếp xưa từ các khách mời gồm NSND Hữu Phần, NSND Công Lý, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, nhà báo Ngô Thiên Chương.

Trong ký ức của NSND Công Lý, bếp nằm cạnh chuồng lợn, hàng ngày đi xin nước gạo để nuôi lợn, lợn ốm thì cả nhà nhường mỳ chính cho vào cám lợn ăn nhanh khỏi ốm. Cái chạn bếp cũ, được buộc chằng chịt dây đồng, buộc đằng trước thì nó chui vào đằng sau, phải lấy gậy chọc, thế là mỡ, mắm lại sóng sánh hết ra...


Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung lại chia sẻ, xưa gia đình bình thường đun bằng mùn cưa, quét lá rụng về đun, sau đó mới có than quả bàng. Vì gia đình không có tiêu chuẩn bếp dầu nên mẹ cô khéo léo “chê” là bếp dầu hôi…

NSND Nguyễn Hữu Phần


Với bữa cơm nhà thời xưa cũ, NSND Nguyễn Hữu Phần nói về tiêu chuẩn gạo ngày ấy: Đạo diễn được 13.5kg/ tháng vì “các ông chỉ ngồi chỉ đạo, có làm gì đâu”. Tổ đạo diễn bất bình quá, mời mấy "ông lương thực" xuống trải nghiệm cho biết, thế là được nâng tiêu chuẩn lên 17.5kg/ tháng. Còn quay phim thì thi nhau xin làm "công nhân quay phim" vì công nhân được tiêu chuẩn 21kg/ tháng, "thuốc lá sáng tác" được tiêu chuẩn 10 bao.

Nhà báo Ngô Thiên Chương kể về món da heo kho nước mắm: Thời đó mỗi lần cầm phiếu xếp hàng nhận thực phẩm ở hợp tác xã, xách về cục thịt toàn mỡ, ba tôi gọi đó là áo thun quần xà lỏn (bởi phần mỡ nhiều hơn phần thịt), hay mảnh da heo là chuyện rất thường. Mẹ tôi cắt da thành miếng nhỏ, ướp nước mắm mang đi kho. Vậy lúc nào tôi cũng tự hào khoe với hàng xóm, mẹ tôi kho da heo ngon nhất thế giới.

NSND Công Lý


Cũng từ đó, hình thành những thói quen đến tận bây giờ dù đã đủ đầy: Ăn cơm với nước dưa, phở ăn kèm với cơm nguội. Những đặc sản chỉ có ở thời bao cấp: Bánh bao nhân su hào xào, bánh trôi nhân đường phên mật mía, bột mỳ luộc, bánh nắp hầm, hành mỡ phi thơm lừng, rồi cho muối vào rang thành món ăn... Có lẽ thành ngữ nhịn miệng đãi khách cũng xuất phát từ những gian khó thời bao cấp này chăng ?


Mỗi con người, hầu như ai cũng có ký ức về căn bếp, những bữa cơm gia đình như một phần kỷ niệm mãi khắc sâu và theo suốt những năm tháng trưởng thành. Bếp là nơi chốn ấm cúng của đời người, là mối bền chặt của sợi dây gia đình. Cùng nhau ôn lại những ký ức bếp xưa cũng chính là để một lần nữa nhắc nhớ về giá trị của tình thân, của gia đình – đó cũng chính là những gì Quán thanh xuân tháng 11 muốn gửi đến khán giả.

NSƯT Mai Hoa

Trong chương trình lần này, khán giả còn được thưởng thức các phần trình diễn của NSƯT Mai Hoa, ca sĩ Vũ Thắng Lợi, Đinh Mạnh Ninh, Lan Anh, Tạ Quang Thắng qua các nhạc phẩm Mùa lá rụng (Sáng tác: Trọng Đài). Mẹ tôi (Sáng tác: Trần Tiến), Liên khúc: Tôi là Lê Anh Nuôi Nổi lửa lên em (Sáng tác: Đàm Thanh - Huy Du; Thơ: Giang Lam) Về ăn cơm (Sáng tác: Sa Huỳnh).


Phạm Hoa
Ý kiến của bạn