Thương lắm thầy thuốc ở tuyến đầu chống dịch

27-03-2020 16:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Khi ta nói chống dịch như chống giặc thì phải có những người ở tuyến đầu cuộc chiến. Họ là ai? Một đội ngũ rất dễ nhận biết là những bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng viên ... làm nhiệm vụ chống dịch COVID - 19 trong mấy tháng đầu năm 2020 vừa qua.

Đất nước ta nói riêng cũng như cả thế giới nói chung đang trải qua một mùa xuân đầy bất ổn. Hoàn lưu cơn bão đen mang tên COVID - 19 ngày thêm rộng lớn, từ châu Á sang châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Hàng trăm nghìn người bị nhiễm vi rút Corona biến chủng, hàng chục nghìn người bị tử vong, không kể đẳng cấp, quốc gia, màu da, sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo ... Dịch COVID - 19 không biên giới, nó có thể tấn công vào bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào, dù giàu mạnh đến mấy. Hàn Quốc, Italia, Đức, Mỹ ... là những minh chứng sinh động cho điều tôi vừa nói.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại BV số 2 Quảng Ninh


Để phòng tránh và chống COVID - 19, việc cách ly và chữa bệnh cho những người bị phơi nhiễm là rất cần thiết. Ai trực tiếp tổ chức thực hiện những việc đó nếu không phải là những thầy thuốc, bộ đội, công an ... được giao nhiệm vụ. Tôi nghĩ tới một cuộc chiến không có tiếng súng, chẳng máu chảy xương tan nhưng cũng cực kỳ cam go phức tạp đang thử thách họ. Từng ngày, từng đêm trôi qua là mỗi khoảng thời gian đối mặt với sự bất an không lường hết được. Đã có những bác sĩ bị lây nhiễm, bị hi sinh trong đại dịch nguy hiểm này. Chúng ta đã giật mình, lo lắng khi biết tin một bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bị phơi nhiễm COVID -19. Bệnh viện Bạch Mai bỗng nhiên trở thành một địa chỉ được quan tâm khi có người dương tính với vi rút quái ác đó.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý (Ảnh: Hoa Quỳnh)


Là một người lính trải qua chiến tranh, tôi hiểu vị trí của những chiến sĩ ở tuyến đầu. Thành, bại của cuộc chiến phụ thuộc rất lớn vào họ. Nếu không có những anh hùng, dũng sĩ đi đầu trong cuộc chiến, họ trở thành lá chắn, người lính xung kích thì làm sao có khúc khải hoàn ca chiến thắng được. Mỗi giọt mồ hôi họ đổ xuống hôm nay mấy người nhìn rõ. Nỗi nhớ cha mẹ, vợ con, người thân của họ đâu phải ai cũng tận tường. Có những thầy thuốc hàng mấy tuần liền không về nhà. Ngày. Đêm. Không ai cả, họ phải căng sức gồng mình bên bệnh nhân. Bởi thế ta không lấy làm lạ khi trong mấy tháng qua, đông đảo nhân dân cả nước đã hướng về các thầy thuốc, những người được tôn vinh là những anh hùng thầm lặng trên trận tuyến chống giặc COVID -19. Sự tôn vinh đó hoàn toàn đúng, thể hiện tính nhân văn của một dân tộc từng trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, những bão giông thế cuộc trong hành trình dựng nước và giữ nước đầm đìa máu, mồ hôi và nước mắt.

Trong chiến tranh, tiền tuyến lớn cần có hậu phương lớn. Trong cuộc chiến chống đại dịch hôm nay, những người ở tuyến đầu, trong đó có các thầy thuốc cũng rất cần điểm tựa tinh thần. Đó chính là lòng yêu thương, sự chia sẻ, đồng cảm của nhân dân với đội ngũ y tế chúng ta. Yêu thương, chia sẻ, đồng cảm bằng những lời nói, việc làm, bằng ứng xử ấm áp với các bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng viên đang trực tiếp phòng chống COVID - 19. Mỗi lời nói, mỗi việc làm, mỗi ứng xử đẹp sẽ làm ấm lòng họ, động viên cổ vũ họ vượt qua gian khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong thế giới phẳng, sự kết nối tương tác trên mạng xã hội tạo ra được những hiệu ứng nhiều chiều. Nếu hiệu ứng tương tác kết nối tốt đẹp sẽ tạo ra không khí, năng lực tinh thần hữu ích cho xã hội và như vậy chúng ta đã góp phần động viên cổ vũ các thầy thuốc thân yêu. Sức mạnh tinh thần sẽ biến thành sức mạnh vật chất; điều đó thật cần thiết cho cuộc chiến chống COVID -19 biết bao nhiêu.

Tuy vậy, hình như trong thời gian qua, dù ít ỏi nhưng đó đây cũng có những ứng xử không đúng với các thầy thuốc tham gia phòng chống COVID -19. Tôi nghĩ, có lẽ bắt đầu bằng sự sợ hãi quá mức đối với con vi rút Corona biến chủng gây viêm phổi cấp tính này. Sự sợ hãi thái quá, làm cho ít người bỗng nhiên kỳ thị các thầy thuốc trực tiếp tham gia chống dịch. Họ coi các thầy thuốc trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID -19 cũng là một nguồn lây bệnh. Thận trọng là đúng nhưng không nên đánh đồng sự cảnh giác đề phòng bệnh với sự kỳ thị, dẫn tới những xa lánh vô lối. Kỳ thị hay xa lánh các thầy thuốc trực tiếp làm nhiệm vụ chống dịch COVID - 19 là làm tổn thương tinh thần họ, những người xứng đáng được nhận sự yêu thương, trân trọng, chia sẻ sâu sắc của mỗi chúng ta. Tình thương, trân trọng các thầy thuốc không bao giờ thừa cả, nhất là khi đất nước ta đang dồn hết tâm sức chống dịch như chống giặc hiện nay.


Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Ý kiến của bạn